Chặn thất thoát các dự án BT: Công khai, minh bạch thế nào?
Đó là những vấn đề “nóng” Cục trưởng Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính) La Văn Thịnh trao đổi với Tiền Phong, ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị định số 69/2019/NĐ-CP quy định việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư (NĐT) khi thực hiện dự án BT.
Xử lý chênh lệch địa tô
Tại phiên họp Chính phủ trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố, lãnh đạo nhiều địa phương phản ánh vướng mắc khi các dự án BT phải tạm dừng. Nghị định 69 Chính phủ vừa ban hành có giải quyết được khó khăn mà chính quyền địa phương, nhà đầu tư phải đối mặt?
Hợp đồng BT là hình thức đầu tư có nhiều ưu điểm, tiến bộ và có hiệu quả. Bản chất kinh tế của BT là cách thức Nhà nước huy động khu vực tư nhân cùng chia sẻ gánh nặng trách nhiệm phải thu xếp, bố trí nguồn vốn để đầu tư các công trình hạ tầng thiết yếu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; trong lúc nguồn vốn của nhà nước chưa bố trí được. BT được pháp luật Việt Nam cho phép thực hiện chính thức từ năm 2007, tại Nghị định số 78/2007/NĐ-CP ngày 11/5/2007 của Chính phủ. Sau đó, Chính phủ đã ban hành các Nghị định số 108/2009/NĐ-CP ngày 27/11/2009, Nghị định số 15/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 quy định về đầu tư theo hình thức đối tác công tư.
Tuy nhiên, các văn bản này chỉ nêu khái niệm các hình thức đầu tư, mà chưa quy định rõ nội hàm pháp luật cụ thể khi thực hiện như: Điều kiện nào được áp dụng, trình tự, thủ tục khi thực hiện, trách nhiệm, nghĩa vụ của các bên ký hợp đồng, phương tiện thanh toán (tiền hay lợi ích kinh tế khác)...
Đối với việc thanh toán hợp đồng BT, từ sau khi Chính phủ ban hành Nghị định số 15/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 quy định “không thực hiện thanh toán hợp đồng BT bằng tiền”, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 23/2015/QĐ-TTg ngày 26/6/2015 về cơ chế Nhà nước thanh toán bằng quỹ đất cho NĐT khi thực hiện dự án đầu tư theo hình thức BT.
Theo quyết định này Nhà nước sẽ sử dụng quỹ đất để thanh toán, gồm: Đất trụ sở, cơ sở hoạt động của cơ quan, tổ chức đơn vị; đất đã hoặc chưa hoàn thành việc bồi thường giải phóng mặt bằng để giao (thanh toán) cho nhà đầu tư BT.
Đặc điểm riêng có của đất đai là giá đất sẽ tăng lên theo thời gian và theo kết quả đầu tư hạ tầng. Đối với quỹ đất giao để thanh toán cho NĐT, đặc điểm này dễ phát sinh nguy cơ vi phạm nguyên tắc ngang giá khi thanh toán. Thời điểm ký hợp đồng BT giá đất rất thấp do các yếu tố thị trường BĐS chưa hình thành đầy đủ nhưng khi công trình BT hoàn thành toàn bộ hoặc một phần và hạ tầng khu đất đã hình thành cơ bản, thì tiền đất tăng lên rất lớn. Cái này phải phân biệt rạch ròi để xác định rõ đâu là lợi ích của nhà nước (với tư cách chủ đất) đâu là công sức của NĐT để có phương án giải quyết hài hòa lợi ích của các bên.
Tính đến 1/1/2018, các địa phương còn khá nhiều hợp đồng BT thanh toán bằng đất đang thực hiện dở dang; NĐT đã hoàn thành dự án BT và bàn giao cho Nhà nước, nhưng chưa được Nhà nước giao đất để thanh toán cần được xem xét giải quyết. Đây là nhiệm vụ rất nặng nề đặt lên vai Chính phủ. Các quy định tại Nghị định, một mặt phải bảo đảm tuân thủ đúng quy định của pháp luật, không để thất thoát ngân sách nhà nước; mặt khác phải tôn trọng các hợp đồng đã ký.
6 nguyên tắc chống thất thoát
Trong các kết luận về BT, Kiểm toán Nhà nước đề cập nhiều đến lỗ hổng, nguy cơ gây thất thoát, lãng phí. Vậy Nghị định 69 có bịt được những lỗ hổng này?
Cơ quan soạn thảo trân trọng những thông tin từ thực tiễn mà Kiểm toán nhà nước đã đề cập. Nghị định 69 quy định rõ 6 nguyên tắc bắt buộc các bên hợp đồng phải tuân thủ tại Điều 3 của Nghị định này như sau:
Một là, việc sử dụng tài sản công để thanh toán phải đảm bảo: Tuân thủ quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công, đất đai, ngân sách nhà nước, đầu tư, xây dựng; việc lựa chọn NĐT phải thực hiện đấu thầu theo quy định của pháp luật về đấu thầu, chỉ được thực hiện sau khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép theo quy định của pháp luật.
Hai là, việc thanh toán phải thực hiện theo nguyên tắc ngang giá, nghĩa là giá trị tài sản công thanh toán tương đương với giá trị dự án BT.
Ba là, việc sử dụng tài sản công để thanh toán phải được tổng hợp, phản ánh vào Ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.
Bốn là, thời điểm thanh toán là thời điểm cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành quyết định giao đất (hoặc cho thuê đất) hoặc giao tài sản cho NĐT. Cần lưu ý là đối với việc sử dụng quỹ đất sạch (đã GPMB) và trụ sở làm việc để thanh toán cho NĐT thì bộ, ngành và UBND cấp tỉnh phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ; và chỉ được giao cho NĐT sau khi có văn bản chấp thuận của Thủ tướng.
Năm là, ngay sau ngày cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành quyết định giao đất (hoặc cho thuê đất) hoặc giao tài sản cho NĐT, các bên hợp đồng phải thực hiện lập biên bản xác định chấm dứt khoản lãi vay trong phương án tài chính của hợp đồng BT.
Sáu là, việc giao tài sản công để thanh toán được thực hiện khi dự án BT hoàn thành hoặc thực hiện đồng thời tương ứng với khối lượng hoàn thành theo tiến độ của công trình dự án BT được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định theo quy định của pháp luật về đầu tư, xây dựng.
Sáu nguyên tắc này đã khắc phục cơ bản những lỗ hổng, xác lập một mặt bằng pháp lý mới công khai, minh bạch phù hợp với cơ chế kinh tế thị trường, có hiệu quả; giúp các bên hợp đồng giảm thiểu rủi ro khi thực hiện đầu tư theo hình thức BT.
Có tình trạng giá trị công trình BT được nhà đầu tư đẩy lên quá cao nhưng quỹ đất giao lại được định giá ở mức thấp (chưa đúng giá thị trường). Nghị định mới xử lý việc này thế nào?
Theo Nghị định mới từ nay giá trị dự án (BT) xây dựng sẽ được xác định thông qua đấu thầu để xác định đúng giá thị trường. Việc NĐT đẩy giá như phóng viên đề cập sẽ rất khó để thực hiện. Đối với giá trị quỹ đất thanh toán phải xác định tại thời điểm cơ quan nhà nước ban hành quyết định giao đất, cho thuê đất.
Giá thị trường của đất là giá đất cụ thể, xác định theo 4 phương pháp mà Chính phủ đã quy định rõ tại Nghị định 44/2014/NĐ-CP. Việc phê duyệt giá đất có đúng thị trường chưa? Đây là vấn đề rất lớn, phức tạp cần được xem xét cẩn trọng trong thời gian tới, khi sửa đổi Luật Đất đai 2013. Cá nhân tôi cũng rất trăn trở vấn đề này. Nghị định 69 quy định phải có hội đồng thẩm định giá đất để xem xét có cao hoặc thấp quá không.
Đối với những dự án đang triển khai, còn vướng mắc sẽ được xử lý thế nào?
Nghị định 69 quy định về việc xử lý chuyển tiếp khi có hiệu lực thi hành 1/10/2019. Nguyên tắc cao nhất là tôn trọng hợp đồng đã ký đúng quy định của pháp luật, việc này thể hiện thái độ của Chính phủ rất tôn trọng NĐT. Vì thế mới có quy định, các bên ngồi lại với nhau rà soát lại hợp đồng, tìm ra những điều khoản nào chưa đúng thì thương thảo, điều chỉnh cho phù hợp, còn nếu đúng rồi thì tiếp tục thực hiện.
Cảm ơn ông!
Quy định này như một cú hích, giúp tường minh hóa quy trình thủ tục, xác định rõ trách nhiệm của từng khâu từng đoạn. Nhà đầu tư không bị ám ảnh phải trình bẩm, báo cáo nọ kia nữa. Họ hiện ngang với tư cách là một chủ thể thực hiện hợp đồng kinh tế được pháp luật bảo vệ".Ông La Văn Thịnh