|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Chân dung kinh tế Việt Nam: Sự thịnh vượng từ góc nhìn tỷ phú Việt

16:49 | 30/04/2018
Chia sẻ
Sau hơn 30 năm đổi mới, bức tranh kinh tế Việt Nam bắt đầu ghi nhận sự xuất hiện của những tỷ phú đô la, nhưng số lượng còn ít. Một nền kinh tế thịnh vượng cần nhiều hơn tỷ phú, hay nói chính xác, cần môi trường dung dưỡng những tỷ phú tạo ra giá trị cho xã hội.
chan dung kinh te viet nam su thinh vuong tu goc nhin ty phu viet Phép màu kinh tế Việt Nam: Bài học cho các quốc gia đang phát triển

Bức tranh kinh tế có... tỷ phú

Trung tuần tháng 4/2018, tại hội trường tầng 3, Viện Kinh tế Việt Nam ở Hà Nội, những chuyên gia kinh tế gạo cội ngồi thảo luận về các thành phần kinh tế trong bức tranh kinh tế Việt Nam.

Những tưởng, sự thông suốt về các khái niệm này đã an bài hơn 30 năm, khi công cuộc đổi mới bắt đầu từ năm 1986 đã mở cửa cho khu vực tư nhân bước vào nền kinh tế, nhất là khi các nghị quyết của Đảng, nhất là mới đây Hội nghị lần thứ 5, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã có Nghị quyết 10-NQ/TW về Phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Nhưng không hẳn...

chan dung kinh te viet nam su thinh vuong tu goc nhin ty phu viet
Nhờ Vietjet Air và chính sách giá linh hoạt, số đông người dân Việt Nam không còn xa lạ với giấc mơ bay trên bầu trời. Ảnh: Đức Thanh

“Chân dung nền kinh tế nhiều thành phần của Việt Nam vẫn… không bình thường. Khu vực doanh nghiệp tư nhân sau vô vàn nỗ lực cải cách của cơ chế, chính sách mới chiếm khoảng 9% GDP, dù đã có những tỷ phú đô la xuất hiện, nhưng chỉ tăng chưa đầy 1% trong hơn 10 năm qua. Kinh tế cá thể vẫn chiếm tới trên 33,8% GDP. Khu vực kinh tế nhà nước chiếm 32% GDP trong khi nắm giữ gần 50% giá trị đầu tư của doanh nghiệp. Nghĩa là, lực lượng chính của hội nhập kinh tế quốc tế là các hộ cá thể và doanh nghiệp nhà nước, vẫn như hàng chục năm trước”, ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam giữ nguyên sự trăn trở lâu nay về sự khó lớn của doanh nghiệp tư nhân Việt Nam.

Thực trạng này là lý do ông Thiên và các cộng sự muốn đi đến tận cùng để tìm giải pháp, bằng cách xới xáo lại những khái niệm mang tính căn bản, là có nên sử dụng thuật ngữ “thành phần kinh tế” nữa không, có thể thay bằng “khu vực kinh tế” không...

“Khái niệm thành phần kinh tế không có lỗi, nhưng có vẻ như nỗi ám ảnh một thời kỳ phân biệt, đối xử các doanh nghiệp có nguồn gốc sở hữu khác nhau vẫn còn, nên đã hóa thân vào chính sách, khiến doanh nghiệp tư nhân mãi không lớn được, cấu trúc nền kinh tế không thay đổi. Ngay các tỷ phú cũng không muốn xuất hiện, bởi luôn bị soi mói ở những góc nhìn thiếu tích cực”, ông Thiên chia sẻ.

Đây không phải lần đầu ông Thiên nói về những tỷ phú Việt, về doanh nghiệp quy mô lớn cũng như sự rời rạc của khu vực mà ông gọi là có số lượng, nhưng thiếu lực lượng do liên kết yếu. Ông cũng không quên nhắc tới cảm giác không thoải mái mà một tân tỷ phú đã chia sẻ sau khi có tên trong danh sách những người giàu nhất hành tinh.

“Họ không thích bị gọi là tỷ phú, thậm chí cảm thấy không thoải mái, thay vì niềm tự hào vì được ghi nhận những giá trị mà họ đã tạo ra cho xã hội. Đó là điều đáng tiếc. Nền kinh tế không thể giàu có, thịnh vượng nếu người giàu bị kỳ thị”, ông Thiên nói.

Nếu dựa theo đánh giá của Forbes mới công bố tháng 3/2018 vừa rồi, Việt Nam mới góp 4 tỷ phú trong nhóm những người giàu nhất hành tinh, tăng thêm 2 người so với lần công bố năm ngoái. Ngoài tỷ phú Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Vingroup, được ghi tên vào năm 2013, trong 2 năm 2017-2018, Việt Nam có thêm 3 tỷ phú mới, gồm nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo, CEO của Vietjet được ghi danh năm 2017 và 2 tân tỷ phú là ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Thaco; ông Trần Đình Long, Chủ tịch Hòa Phát Group.

Từ các nguồn thống kê khác, số người Việt nắm giữ lượng tài sản tỷ đô có thể nhiều hơn. Theo Bloomberg Billionaires Index, tài sản của ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch Masan Group có thể lên tới 1,2 tỷ USD. Giới kinh doanh Việt cũng đang nhắc tới giá trị khối tài sản rất có thể là hàng tỷ USD của Chủ tịch FLC Group Trịnh Văn Quyết; ông Bùi Thành Nhơn, Chủ tịch Novaland hay bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch Tập đoàn BRG; ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch Tập đoàn T&T...

Dù vậy, so với khu vực Đông Nam Á, số tỷ phú đô la của Việt Nam thua xa Thái Lan, Singapore, Indonesia, Philippines và Malaysia. Nhưng, hầu như không có ai trong số những người đi đầu này thực sự sẵn sàng chia sẻ về sự giàu có của mình.

Động cơ làm giàu hay kiếm sống

Ông Huỳnh Thế Du, Giám đốc đào tạo Khoa Chính sách công và Quản lý, Đại học Fulbright Việt Nam lại đầy hào hứng khi nói đến các tỷ phú Việt. Sự hào hứng này phần nhiều bởi các giá trị mà những thương hiệu còn hiếm hoi này tạo ra.

Đó là Vietjet Air của tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo với góc nhìn là hình mẫu của sự phát triển bao trùm, vì nhờ đó mà hầu hết người dân Việt Nam có thể bay trên bầu trời.

Đó là Vingroup, dù có thể còn gây tranh cãi, nhưng giá trị thực tế mang lại cho người dân đô thị của Vinhomes là không thể phủ nhận.

Đó là Hòa Phát của tỷ phú Trần Đình Long, doanh nhân gây ấn tượng bởi làm được một việc mà Việt Nam đã nói lâu lắm, là khai thác quặng và tạo ra những giá trị thực chất của nó.

Đó là các nhà máy của Trường Hải mà tỷ phú Trần Bá Dương đã tạo dựng trên vùng cát sỏi Chu Lai với những yếu tố nền tảng của ngành công nghiệp sản xuất, chế tạo – điều mà nhiều lá cờ đầu của ngành công nghiệp Việt Nam không làm được…

Tất nhiên, ông Du cũng nhìn thấy môi trường kinh doanh của Việt Nam, dù đã có nhiều thay đổi tích cực, nhưng vẫn dung dưỡng cho các hoạt động đầu cơ, khiến sự giàu lên của nhiều doanh nghiệp nặng yếu tố chụp giật. Thậm chí, sự không mặn mà với danh xưng tỷ phú, hay cách chọn ẩn mình của nhiều người giàu còn có lý do nhiều sự giàu có đến từ các quan hệ thân hữu, lợi ích nhóm, tận khai tài nguyên…

“Tôi nghiên cứu về kinh tế học, nên không kỳ vọng vào lòng tốt của người kinh doanh, mà kỳ vọng vào động cơ tìm kiếm lợi nhuận của họ. Thể chế tạo ra môi trường, thúc đẩy động cơ tạo ra giá trị cho xã hội thì doanh nghiệp sẽ kinh doanh, tìm kiếm lợi nhuận theo hướng đó. Cùng là tỷ phú, nhưng thử nhìn vào những giá trị mà các tỷ phú tạo ra trong các môi trường kinh doanh khác nhau, để thấy, chúng ta cần phải tạo ra môi trường kinh doanh cạnh tranh, để thu hút người tài, để doanh nghiệp phát triển trên nền giá trị đích thực”, ông Du nói.

Các giá trị đích thực đã bắt đầu được nhìn thấy trong sự thành công và cả bước chuyển của một số tỷ phú đô la Việt Nam, nhưng vẫn còn quá ít.

Mọi sự lại quay trở lại vấn đề nền tảng, đó là môi trường kinh doanh và nguyên tắc thể chế nào, doanh nghiệp đó. Lời giải cho sự khó lớn lên, khó liên kết cũng như động cơ kiếm sống, kiếm chác thay vì làm giàu, chinh phục còn nặng của của khu vực kinh tế tư nhân nằm trong tay Nhà nước. Giới kinh doanh luôn ở thế sẵn sàng thích nghi để đảm bảo mục tiêu của mình.

Nền kinh tế của những người kinh doanh chính trực

Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) vừa xây dựng 3 kịch bản kinh tế cho giai đoạn 2018-2020. Sự khác nhau của 3 kịch bản này là tác động từ điều hành.

Kết quả là, trong kịch bản 1 với sự can thiệp gần như không có, tăng trưởng GDP trung bình đạt 6,71%/năm trong giai đoạn 2018-2020 và 6,63%/năm trong giai đoạn 2016-2020.

Kịch bản 2, các con số tăng trưởng tương ứng là 6,83% và 6,70%, nhưng vì mức độ nới lỏng chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ lớn hơn, nên áp lực lạm phát lớn hơn.

Trong kịch bản 3, tốc độ tăng trưởng GDP vượt đáng kể mục tiêu đề ra, trung bình đạt 7,47%/năm giai đoạn 2018-2020 và 7,08%/năm giai đoạn 2016-2020 nhờ đột phá về cải cách, chính sách kinh tế (trong đó có môi trường đầu tư - kinh doanh, chính sách cạnh tranh, đổi mới sáng tạo) dẫn tới cải thiện vốn đầu tư của khu vực tư nhân, cải thiện hiệu quả của doanh nghiệp nhà nước, tạo được tác động lan tỏa tích cực của doanh nghiệp FDI đối với doanh nghiệp trong nước...

Ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM kỳ vọng vào tính khả thi của kịch bản 3, vì tăng trưởng kinh tế sẽ cao hơn và đi kèm với cải thiện đáng kể về năng suất.

“Hiện tại, kinh tế vĩ mô đã có nhiều diễn biến tích cực, con số tích cực, nhưng nhìn vào chính sách, đặc biệt trong cải cách vẫn còn nhiều phân vân, lẫn lộn. Một bên nói giảm chi phí cho doanh nghiệp, một bên vẫn đưa ra các đề xuất tăng thuế, phí. Thị trường, giới kinh doanh cần những thông điệp nhất quán”, ông Cung nói.

Một lần nữa, vai trò của Nhà nước được các chuyên gia kinh tế cho rằng, cần xác định rõ, phân định rạch ròi những vấn đề nhà nước cần có vai trò, tránh làm thay thị trường.

Cụ thể, với ông Du, Nhà nước tập trung vào hai việc. Một là, ổn định kinh tế vĩ mô, giữ lạm phát chỉ khoảng 2-3% thì lãi suất mới ổn định ở 4-5% được, khi đó doanh nghiệp mới nghĩ dài hạn được. Hai là, cải thiện môi trường kinh doanh, tạo dựng các nhân tố cạnh tranh thực sự, khuyến khích các nhân tố thúc đẩy, tạo ra giá trị thay vì nhu cầu thân hữu.

Ở đây, thể chế cho các tỷ phú chính thực xuất hiện mà các chuyên gia kinh tế nhắc tới bao gồm cả việc hạn chế những rủi ro xuất hiện khi nhiều doanh nghiệp giàu có có nguồn gốc từ các doanh nghiệp nhà nước được cổ phần hóa, tận dụng ưu đãi chính sách và cơ hội từ đất vàng. Cách này khiến nhiều doanh nghiệp Việt không thể bước chân ra bên ngoài, dù quy mô không hề nhỏ.

Hơn thế, mối kết nối giữa doanh nghiệp tư nhân trong nước và nước ngoài lỏng lẻo, khả năng hiện thực hóa các cam kết chuyển giao công nghệ từ khu vực kinh tế có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng đang là thách thức trong xác định động cơ tăng trưởng của nền kinh tế.

Về lý thuyết kinh tế học, khu vực doanh nghiệp tư nhân khi lớn lên sẽ đi kèm những quyền lực nhất định và những cái giá phải trả. Nhà nước sẽ phải là người chọn cách thức và mức độ trả giá. Tương tự như cách chấp nhận những thể chế vượt trội để tạo nên sức bật cho các vùng đặc khu kinh tế...

Trên hết, Nhà nước cần tạo môi trường để cạnh tranh và minh bạch cùng có chỗ đứng. “Khi cả tỷ phú và những người không có tiền đều hiểu rõ vị trí của mình, trân trọng những đồng tiền, giá trị được làm ra cho xã hội. Sự phồn vinh thực sự sẽ đến”, ông Du nói.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Bảo Duy

Ngành thép quý III: Hoà Phát là điểm sáng, hai gọng kìm bóp chặt lợi nhuận nhóm tôn mạ
Trong nhóm sản xuất và thương mại thép, Hoà Phát nổi lên là điểm sáng trong khi VNSteel, SMC, Tisco,... lần lượt báo lỗ. Với nhóm tôn mạ, ngoài áp lực cạnh tranh từ tôn mạ nhập khẩu của Trung Quốc và Hàn Quốc thì chi phí vận chuyển leo thang đã bóp nghẹt lợi nhuận nhóm này trong quý vừa qua.