|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

[Chân dung doanh nghiệp] Rủi ro dự án chậm mặt bằng có thể đẩy QCG vào khó khăn?

16:03 | 16/07/2017
Chia sẻ
Việc giải phóng mặt bằng trong dự án Phước Kiển đã tiêu tốn của Quốc Cường Gia Lai 7 năm, gần 900 tỷ đồng tiền lãi vay (khi chưa được BIDV giảm lãi) và đối mặt nguy cơ nợ xấu. Dù vậy, khi chưa thể “chốt” tương lai Phước Kiển, QCG tiếp tục đầu tư dự án còn vướng mặt bằng khác có quy mô 45 ha.
chan dung doanh nghiep rui ro du an cham mat bang co the day qcg vao kho khan

Một Quốc Cường Gia Lai “hoàn toàn mới”

Sau nhiều năm bị “lu mờ” cũng như được nhắc đến bởi những thiếu sót trong công bố thông tin, CTCP Quốc Cường Gia Lai (mã QCG) “trở lại” khi công ty cho biết đã giải quyết xong nợ nần với Ngân hàng BIDV.

Quan trọng hơn, dự án Phước Kiển - một dự án QCG bị “mắc kẹt” hơn 7 năm do không được chấp thuận điều chỉnh quy hoạch, qua đó bị vướng trong giải phóng mặt bằng, hiện đã có đối tác chịu ứng trước tiền. Bất luận Sunny Island sẽ mua đứt dự án hay hợp tác cùng QCG đầu tư vào dự án Phước Kiển thì QCG đã nhận 50 triệu USD, thoát án “nợ xấu”.

Mới đây, trả lời phỏng vấn báo giới ông Nguyễn Quốc Cường cho biết năm 2016 là năm QCG kinh doanh hiệu quả nhất kể từ năm 2007. Và sau 3 năm thực hiện tái cơ cấu, hiện QCG có 15 dự án đảm bảo cho giai đoạn 2018 - 2020 QCG có thể đạt lợi nhuận trước thuế 2.000 tỷ đồng/năm.

Dĩ nhiên, với khối tài sản hơn 8.200 tỷ đồng đến cuối quý I/2017 mà chủ yếu là giá trị hàng tồn kho bất động sản hơn 5.920 tỷ đồng, cùng danh mục 15 dự án bất động sản, nếu đã có pháp lý rõ ràng, dự án không bị tình trạng “da beo”, kế hoạch lợi nhuận 2.000 tỷ đồng/năm của QCG không là “con số quá lớn”.

chan dung doanh nghiep rui ro du an cham mat bang co the day qcg vao kho khan
Nguồn: Số liệu báo cáo tài chính quý I/2017

Rủi ro mang tên “da beo” vẫn còn đó

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2017, bà Nguyễn Thị Như Loan - Chủ tịch HĐQT của QCG cho biết, dự án Phước Kiển chưa đủ điều kiện chuyển nhượng, đối tác Sunny Island chỉ mới tạm ứng cho QCG 50 triệu USD để tất toán nợ vay với BIDV. Thêm vào đó, nếu QCG không giải phóng mặt bằng dự án Phước Kiển 100% trong quý III/2017, QCG có thể sẽ phải bồi thường cho Sunny Island 25 triệu USD.

Dù chỉ còn 8% diện tích đạt “chưa sạch” nhưng cũng đủ khiến QCG bị mắc kẹt ở dự án này trong nhiều năm, tiêu tốn gần 900 tỷ đồng tiền lãi vay (khi chưa được BIDV giảm lãi). Vì vậy, liệu QCG có thể giải quyết dứt điểm - tức dự án Phước Kiển thoát khỏi tình trạng giải phóng mặt bằng da beo vào cuối quý III/2017 hay không chỉ có thời gian mới có thể trả lời chắc chắn.

Điều này đồng nghĩa, QCG còn khoản chi phí tiềm ẩn phát sinh - khoản bồi thường 25 triệu USD cho Sunny Island.

chan dung doanh nghiep rui ro du an cham mat bang co the day qcg vao kho khan
Nguồn: Số liệu báo cáo tài chính QI/2017

Và trong số 15 dự án đang có của QCG, không chỉ có Phước Kiển đang tình trạng chưa giải phóng xong mặt bằng mà dự án Long Phước - Quận 9 với quy mô 112 ha đang được QCG xin giảm ranh dự án xuống còn 99 ha và công ty đang tiếp tục đền bù.

Cũng tại Đại hội, bà Như Loan “bật mí” rằng, QCG đã mua được dự án quy mô 45 ha tại đường Nguyễn Hữu Thọ - đây có thể xem là dự án tâm huyết thứ 2 của QCG sau Phước Kiển. Thế nhưng, dự án này hiện chỉ có 41 ha đất sạch, còn lại 4 ha đất cần phải đền bù giải phóng mặt bằng mới có thể sạch.

Liệu một Phước Kiển tập 2 có trở lại với QCG? Dĩ nhiên quy mô dự án mới chỉ bằng khoảng ½ dự án Phước Kiển, đầu tư trong giai đoạn mặt bằng lãi suất vay thấp, thị trường bất động sản đã minh bạch hơn, và các thông tin quy định chính sách cũng đã rõ ràng hơn. Nhưng rủi ro pháp lý dự án là hiện hữu và đây là rủi ro đang khiến doanh nghiệp tốn thêm chi phí bao gồm chi phí thời gian và chi phí tài chính.

Cuối cùng, khoản lãi 237 tỷ đồng được BIDV giảm giúp QCG ghi giảm giá trị hàng tồn kho của dự án Phước Kiển một khoản tương ứng đủ làm cổ đông của QCG vui mừng. Nhưng liệu việc giảm lãi nói trên QCG có được hưởng trọn vẹn không khi trên thuyết minh báo cáo tài chính năm 2016 của QCG phát sinh khoản chi phí trả trước dài hạn (tức sẽ được hạch toán chi phí trong tương lai) cho khoản phí môi giới gần 103 tỷ đồng.

Hồng Quân

Nhìn lại ngành chứng khoán Việt Nam sau 24 năm qua các làn sóng M&A (Phần 2)
Làn sóng M&A thứ nhất ngành chứng khoán Việt Nam sớm kết thúc và để lại kết quả không mấy khả quan, các tổ chức quốc tế lần lượt rời đi. Làn sóng M&A mới nổ ra với mô hình thâu tóm toàn bộ cổ phần, “thay tên đổi họ” với sự gia nhập của các tập đoàn Hàn Quốc và những định chế trong nước.