|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Chân dung 4 tân binh 'xông đất' chứng khoán Việt Nam ngay tuần đầu năm 2023

13:50 | 30/12/2022
Chia sẻ
Trong tuần giao dịch mở màn năm 2023, thị trường UPCoM đón thêm 4 "tân binh" là CK8, DLM, VNZ, và VMT.

4 cổ phiếu giao dịch trên UPCoM tuần giao dịch đầu năm

Theo thông báo mới đây từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), 3 triệu cổ phiếu CK8 của CTCP Cơ khí 120 sẽ giao dịch trên thị trường UPCoM vào ngày thứ Sáu 6/1/2023, giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên là 3.500 đồng/cp.

Cùng ngày 6/1/2023, hơn 1,16 triệu cổ phiếu DLM của CTCP Chiếu sáng Công cộng Đà Nẵng vào giao dịch trên thị trường UPCoM, với giá tham chiếu là 11.300 đồng/cp.3,15 triệu cổ phiếu VMT của CTCP Giao nhận Vận tải miền Trung giao dịch đầu tiên trên UPCoM với giá tham chiếu 16.600 đồng/cp.

Trước đó, vào ngày thứ Năm (5/1/2023), gần 36 triệu cổ phiếu VNZ của CTCP VNG với ngày giao dịch đầu tiên là ngày 5/1/2023 (thứ Năm), giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên là 240.000 đồng/cp. 

Công ty

Mã chứng khoán

Số lượng đăng ký giao dịch (cp)

Giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên (đồng/cp)

Ngày giao dịch đầu tiên

CTCP Cơ khí 120

CK8

3.000.000

3.500

6/1/2023 (thứ Sáu)

CTCP Chiếu sáng Công cộng Đà Nẵng

DLM

1.160.250

11.300

6/1/2023 (thứ Sáu)

CTCP Giao nhận Vận tải miền Trung

VMT

3.150.000

16.600

6/1/2023 (thứ Sáu)

CTCP VNG

VNZ

35.844.262

240.000

5/1/2023 (thứ Năm)

Các công ty kinh doanh gì?

Thông tin về hoạt động kinh doanh của từng doanh nghiệp, CTCP Cơ khí 120 được thành lập từ cổ phần hoá từ Nhà máy Cơ khí 120 được thành lập tháng 7/1947 trực thuộc Tổng Công ty Công nghiệp Ô tô Việt Nam. Ngày 31/10/2007 công ty hoạt động theo hình thức CTCP với vốn điều lệ ban đầu 30 tỷ đồng.

Sản phẩm kết cấu thép là lĩnh vực sản xuất kinh doanh chủ yếu của Cơ khí 120. Bên cạnh lĩnh vực sản xuất kết cấu thép mạ kẽm nhúng nóng, công ty còn phát triển trong lĩnh vực sửa chữa xe máy công trình, xây dựng các công trình giao thông, các công trình dân dụng.

Tính đến ngày 2/6, Cơ khí 120 có 4 cổ đông lớn là TCT Công nghiệp Ô tô Việt Nam – CTCP (45,53%); CTCP Chứng khoán Bảo Việt (10%); ông Lê Huy Hoàng (5,03%) và bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh (5,05%).

Kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2022, doanh thu thuần của Cơ khí 120 đạt gần 5 tỷ đồng tăng 1,43% so với cùng kỳ năm ngoái, lợi nhuận gộp đạt gần 3,2 tỷ đồng giảm 1,82% so với cùng kỳ năm ngoái.

Với CTCP Chiếu sáng Công cộng Đà Nẵng, đây tiền thân là Đội duy tu sửa chữa và vận hành điện chiếu sáng được thành lập từ ngày 31/8/1996. Ngày 16/12 công ty chính thức hoạt động theo hình thức CTCP với số vốn điều lệ là hơn 16,57 tỷ đồng.

Ngành nghề kinh doanh chủ yếu của công ty là xây dựng công trình điện; hoạt động kiến trúc và tư vấn kỹ thuật có liên quan; và sản xuất các cấu kiện kim loại, thiết bị điện chiếu sáng. 

Tính đến ngày 2/6, công ty có 4 cổ đông lớn đó là UBND TP Đà Nẵng (nắm giữ hơn 497.000 cổ phiếu, tỷ lệ 30%); Ông Nguyễn Thành Nam (nắm giữ gần 333.000 cổ phiếu, tỷ lệ 20,075%); Ông Nguyễn Chí Dũng (nắm giữ gần 189.000 cổ phiếu, tỷ lệ 11,39%); Bà Nguyễn Phi Nga (nắm giữ hơn 97.000 cổ phiếu, tỷ lệ 5,87%).

Kết quả kinh doanh năm 2021, doanh thu thuần của công ty đạt gần 74 tỷ đồng giảm 12,27% so với năm trước, lợi nhuận sau thuế đạt hơn 2 tỷ đồng tăng 14,87% so với năm ngoái.

Hơn 35,8 triệu cổ phiếu VNZ của VNG sắp giao dịch trên UPCoM với giá tham chiếu 240.000 đồng/cp. (Nguồn: Nhadautu).

Về CTCP VNG, công ty được thành lập vào ngày 9/9/2004 với tên gọi ban đầu là VinaGame. Các mảng kinh doanh chính của VNG bao gồm trò chơi trực tuyến, nền tảng kết nối, thanh toán và tài chính, dịch vụ đám mây.

Tính đến ngày 28/11/2022, công ty có ba cổ đông lớn gồm VNG Limited (nắm giữ hơn 17,5 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 61,1% số cp đang lưu hành); CTCP Công nghệ BigV (nắm giữ gần 1,65 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 5,7% số cp đang lưu hành) và ông Lê Hồng Minh (nắm giữ hơn 3,5 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 12,3% số cp đang lưu hành).

Luỹ kế 9 tháng đầu năm 2022, doanh thu dịch vụ trò chơi trực tuyến đạt hơn 4.000 tỷ đòng, chiếm 70% doanh thu thuần và giảm 12,7% so với cùng kỳ. Doanh thu dịch vụ quảng cáo trực tuyến đạt 933 tỷ đồng, tăng 28,7% so với cùng kỳ.

Tăng trường mạnh trong doanh thu của VNG 9 tháng đầu năm là dịch vụ giải trí gia tăng trên mạng viễn thông và internet, đạt 683,6 tỷ đồng tăng 109,6% so với cùng kỳ và chiếm 11,86% tổng doanh thu của VNG. Có sự tăng trưởng này là do sự tăng trưởng mạnh về doanh thu của mảng thanh toán và tài chính.

Với CTCP Giao nhận Vận tải miền Trung, tiền thân là Chi nhánh Công ty Giao nhận Kho vận Ngoại thương TP HCM tại Đà Nẵng được thành lập năm 1998. Năm 2002, công ty trở thành CTCP với vốn điều lệ ban đầu 3 tỷ đồng.

Lĩnh vực kinh doanh chính của công ty là giao nhận quốc tế tại khu vực miền Trung Việt Nam trên cơ sở là một nhà cung cấp dịch vụ giao nhận vận tải đường bộ, đường biển, hàng không, vận tải đa phương thức, thuê tàu, chuyển phát nhanh, dịch vụ kho bãi logistics, khai thuê Hải quan.

Tính đến ngày 24/10, công ty 4 cổ đông lớn là CTCP Giao nhận Kho vận Ngoại thương Việt Nam (nắm giữ gần 305.000 cổ phiếu, tỷ lệ 9,68%); CTCP Vinafreight (nắm giữ hơn 878.000 cổ phiếu, tỷ lệ 27,89%); CTCP Logistics Vinalink (nắm giữ hơn 878.000 cổ phiếu, tỷ lệ 27,89%); CTCP Transimex (nắm giữ hơn 708.000 cổ phiếu, tỷ lệ 22,49%).

Doanh thu thuần 9 tháng đầu năm 2022 của công ty đạt 51,3 tỷ đồng, doanh thu dịch vụ vụ kinh doanh kho bãi và kinh doanh bất động sản đầu tư lần lượt đạt 3,1 tỷ đồng và 1,7 tỷ đồng. Công ty ghi nhận khoản lỗ gộp gần 366 triệu đồng. 

Diệu Nhi