|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Chậm thủ tục, dự án hạ tầng bị kéo dài

07:05 | 20/09/2019
Chia sẻ
Nhà đầu tư đã thực hiện các dự án theo hợp đồng ký kết nhưng nhiềukhó khăn chậm trễ trong các thủ tục khiến công trình bị kéo dài.
Chậm thủ tục, dự án hạ tầng bị kéo dài - Ảnh 1.

Khu vực quanh sân bay Nha Trang (cũ). Ảnh: Nguyễn Chung

Bỏ ngàn tỉ... rồi chờ

Nếu nhà đầu tư sai chỗ nào thì xử phạt, buộc khắc phục theo quy định chỗ đó. Còn nếu dự án bị chậm do lỗi của chính quyền, của nhà nước thì cũng phải xử lý. Không thể để mọi việc giậm chân tại chỗ. Trách nhiệm của trung ương và các bộ ngành liên quan là cũng phải tháo gỡ những điểm nghẽn này nhanh chóng vì càng để lâu càng gây thiệt hại cho nền kinh tế chứ không chỉ nhà đầu tư.

Luật sư Trương Thanh Đức


Công ty cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn (Tập đoàn Phúc Sơn) được UBND tỉnh Khánh Hòa giao thực hiện 3 dự án hạ tầng theo hình thức xây dựng - chuyển giao (BT) gồm: Dự án các tuyến đường, các nút giao thông kết nối khu sân bay Nha Trang; Dự án Đường vành đai kết nối nút giao Ngọc Hội và dự án nút giao Ngọc Hội có tổng mức đầu tư hơn 3.336 tỉ đồng.

Cả 3 dự án BT được sử dụng diện tích quỹ đất để thanh toán tương ứng là 20,64 ha đất thương mại, dịch vụ tại khu trung tâm đô thị, thương mại, dịch vụ, tài chính, du lịch Nha Trang (trên nền sân bay Nha Trang cũ).

Ngay sau khi các hợp đồng dự án BT được ký kết vào tháng 11.2017, các dự án đối ứng cũng được cấp phép xây dựng trên cơ sở mặt bằng đã được bàn giao. Theo báo cáo của Tập đoàn Phúc Sơn gửi Thủ tướng vào đầu tháng 4.2019, đơn vị này đã thực hiện các dự án BT với chi phí 902 tỉ đồng.

Bên cạnh đó, sau khi được Sở Xây dựng tỉnh Khánh Hòa cấp phép xây dựng vào tháng 12.2017 về các dự án đối ứng, nhà đầu tư đã triển khai thi công xây dựng đảm bảo yêu cầu về tiến độ, chất lượng và cơ bản đã hoàn thành hệ thống hạ tầng kỹ thuật của dự án (đạt 91%) với tổng chi phí 1.462 tỉ đồng. 

Đồng thời, dù việc thẩm định và phê duyệt giá trị tiền sử dụng đất tại khu trung tâm đô thị, thương mại, dịch vụ, tài chính, du lịch Nha Trang vẫn chưa hoàn thành, nhà đầu tư chưa nhận được bất kỳ thông báo nào của chính quyền về việc thực hiện nghĩa vụ tài chính nhưng công ty đã xác định sơ bộ giá trị chênh lệch giữa giá trị tiền sử dụng đất của dự án đối ứng và chi phí đầu tư các dự án BT nên chủ động nộp ngân sách nhà nước 376,8 tỉ đồng vào tháng 11.2018 tại Cục Thuế tỉnh Khánh Hòa.

Tuy nhiên, đến nay nhà đầu tư không thể thực hiện các thủ tục nghiệm thu, thanh toán và thu hồi vốn đầu tư các dự án cũng như hoàn thành nghĩa vụ tài chính đối với nhà nước.

Mặt khác, công tác đền bù, giải phóng mặt bằng các dự án BT hiện đang gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc làm ảnh hưởng lớn đến tiến độ đầu tư. Cụ thể, diện tích còn lại chưa hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng và bàn giao cho nhà đầu tư tại dự án các tuyến đường, các nút giao thông kết nối sân bay Nha Trang là 8,47 ha trên tổng số 13,15 ha (chiếm 64,41%). Trong khi đó, mặt bằng để thi công xây dựng đã hết từ tháng 11.2018.

Đối với dự án Đường vành đai kết nối nút giao Ngọc Hội, diện tích còn lại chưa giải phóng mặt bằng và bàn giao cho nhà đầu tư là 27,09 ha trên tổng số 47,14 ha (chiếm 57,47%). Đối với dự án Nút giao Ngọc Hội thì diện tích chưa giải phóng mặt bằng và bàn giao cho nhà đầu tư là 4,8 ha trên tổng số 10,3 ha (chiếm 46,6%).

Trong khi đó, nhà đầu tư đã tính toán, tự nguyện giảm 5% giá thành xây lắp. Tuy nhiên, với tình hình thực tế hiện nay thì dự án không thể thực hiện được theo tiến độ ký kết. Vì vậy, nhà đầu tư kiến nghị Thủ tướng sớm có ý kiến chỉ đạo tỉnh Khánh Hòa và các cơ quan liên quan đẩy nhanh công tác lập, thẩm định, phê duyệt giá trị tiền sử dụng đất của khu trung tâm đô thị, thương mại, dịch vụ, tài chính, du lịch Nha Trang để nhà đầu tư có cơ sở làm các thủ tục nghiệm thu, thanh toán và thu hồi vốn đầu tư các dự án BT.

Bên cạnh đó, chính quyền cần đẩy nhanh công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư để nhà đầu tư sớm có thể thi công xây dựng hoàn thành các dự án BT và thực hiện nghĩa vụ tài chính với nhà nước.

Thiệt hại đôi đường

Việc chậm trễ trong các thủ tục liên quan đến các dự án hạ tầng không phải chỉ lần đầu diễn ra. TS Phạm Văn Hùng, Phó phân viện trưởng Phân viện Khoa học công nghệ giao thông vận tải phía nam, nhận xét đây là câu chuyện muôn thuở đã diễn ra nhiều năm qua, ở nhiều địa phương. Việc chậm trễ các thủ tục kéo theo tiến độ dự án kéo dài, thiệt hại cho cả nền kinh tế lẫn nhà đầu tư.

“Có những việc tưởng chừng đơn giản, cứ theo đúng quy định mà làm nhưng vẫn kéo dài và chậm trễ. Có thể vì nhiều lý do khách quan lẫn chủ quan nhưng việc để chậm trễ các dự án như ở Khánh Hòa thì trách nhiệm của chính quyền tỉnh là có”, TS Phạm Văn Hùng chia sẻ thêm.

Đồng quan điểm, luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty luật Basico, cho rằng nhiều quy định của VN còn chồng chéo, không rõ ràng khiến cho cả chính quyền lẫn nhà đầu tư đều lúng túng trong việc thực hiện các dự án có liên quan đất công. Việc chậm giải phóng mặt bằng, chậm giao mặt bằng cho nhà đầu tư đã trở thành “chuyện thường ngày ở huyện” và nói mãi không xong. 

Thậm chí một số nhà đầu tư nước ngoài đã kiện chính chuyền là chủ đầu tư các dự án vì chậm trễ giao mặt bằng khiến dự án kéo dài và họ bị thiệt hại.

An Yến

Đề xuất ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt cho xe ô tô hybrid, không áp thuế với điều hoà
Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh đề xuất, bổ sung quy định dòng xe điện hybid không có sạc ngoài được hưởng ưu đãi thuế suất thuế TTĐB với mức thuế suất bằng 70% mức thuế suất của dòng xe xăng dầu.