|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

36 dự án chậm tiến độ, Hà Nội cho phép giải ngân linh hoạt các dự án công

21:36 | 14/07/2019
Chia sẻ
Theo đó, UBND Thành phố ban hành cơ chế giải ngân linh hoạt kế hoạch vốn chuẩn bị đầu tư các dự án đầu tư cấp Thành phố giai đoạn 2019- 2020, đã có chủ trương đầu tư và dự toán công tác chuẩn bị đầu tư.
avatar_1563113228054

Dự án đường vành đai 2 thành phố Hà Nội. Ảnh minh họ

UBND TP Hà Nội vừa ban hành Văn bản số 2527/UBND-KHĐT về triển khai cơ chế giải ngân linh hoạt kế hoạch vốn chuẩn bị đầu tư các dự án đầu tư cấp Thành phố trong giai đoạn 2019- 2020.

Theo đó, các đối tượng, điều kiện áp dụng cơ chế này gồm: Các dự án đầu tư công cấp Thành phố đã được cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư và dự toán công tác chuẩn bị đầu tư đã được cấp có thẩm quyền quyết định đến ngày 31/10 của năm trước năm kế hoạch. 

Các dự án còn lại (kể cả các dự án đã được Thành phố giao nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư thông qua các thông báo kết luận, văn bản chỉ đạo) phải được UBND Thành phố quyết định cho phép chuẩn bị đầu tư và dự toán công tác chuẩn bị đầu tư đã được cấp có thẩm quyền quyết định đến ngày 31/10 của năm trước năm kế hoạch.

Thực hiện cơ chế giải ngân linh hoạt chi phí: Lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư công quan trọng quốc gia, nhóm A; lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư dự án đầu tư công nhóm B, nhóm C và lập dự án đầu tư; lập hồ sơ đề xuất dự án, báo cáo nghiên cứu khả thi dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư và các công tác khác có liên quan của giai đoạn chuẩn bị đầu tư trong tổng nguồn vốn giao cho công tác chuẩn bị đầu tư hằng năm theo dự toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt và không phụ thuộc mức vốn giao của từng dự án.

36 dự án chậm tiến độ

Trước đó vào ngày 27/6, tại hội nghị giao ban trực tuyến quý II/2019 của Thành ủy, HĐND, UBND thành phố Hà Nội với lãnh đạo quận, huyện, thị xã trên toàn địa bàn thành phố, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, sau 5 tháng triển khai kế hoạch giải ngân vốn (tính đến hết ngày 31/5/2019), chỉ một số ít đơn vị có kết quả giải ngân vốn khá, còn lại là thấp, dưới mức bình quân chung của thành phố. 

Đặc biệt, có 36/55 dự án trọng điểm đang chậm tiến độ giải ngân vốn.

Tính đến hết ngày 31/5/2019 còn 10 đơn vị chưa thực hiện giải ngân gồm các quận, huyện như: Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, Hoài Đức, Phú Xuyên... và cả 6 Ban Quản lý dự án của thành phố đều có tỷ lệ giải ngân dưới mức bình quân chung.

Về tiến độ triển khai các công trình, dự án trọng điểm, theo ông Nguyễn Mạnh Quyền, hiện trong số 29 dự án ngân sách và ODA với tổng mức đầu tư hơn 154 nghìn tỷ đồng, đã hoàn thành 5 dự án và 1 hạng mục dự án, 4 dự án khởi công mới trong năm 2019, 2 dự án dự kiến chuyển đổi hình thức đầu tư từ hợp đồng xây dựng và chuyển giao (BT) sang ngân sách.

Đối với 24 dự án đối tác công tư (PPP), tổng mức đầu tư khoảng hơn 337 nghìn tỷ đồng, đến thời điểm này có 3 dự án đang triển khai, 21 dự án còn lại tạm dừng theo ý kiến của Bộ Tài chính để chờ Nghị định hướng dẫn của Chính phủ.

Đối với 2 dự án xã hội hóa, dự án Bệnh viện Tim Hà Nội đã có văn bản đề nghị chuyển đổi sang đầu tư bằng vốn ngân sách và vốn vay tín dụng, dự án Hạ tầng khu công viên phần mềm đang bổ sung làm rõ thêm các nội dung để báo cáo Thành ủy chấp thuận chủ trương lựa chọn nhà đầu tư, chủ trương đầu tư dự án. 

Như vậy, trong tổng số 55 dự án trọng điểm của thành phố giai đoạn 2016-2020, đến nay có 19 dự án đáp ứng tiến độ ban đầu, 36 dự án chậm tiến độ.

Qua phân tích thực trạng tình hình giải ngân cho thấy, nút thắt làm cho tỷ lệ giải ngân thấp tập trung vào các dự án trọng điểm được giao vốn lớn nhưng chưa kịp khởi công, giải phóng mặt bằng còn vướng mắc, số lượng các dự án khởi công mới chưa đạt theo kế hoạch giao. 

Một số dự án đã có khối lượng thực hiện nhưng chưa được giải ngân do các chủ đầu tư đang hoàn tất nghiệm thu theo quy định. Ngoài ra, những dự án chuyển tiếp vẫn còn vướng nhiều vấn đề như giải phóng mặt bằng, sự đồng thuận của người dân nên kết quả giải ngân chậm.


Hiểu Minh