Chậm phạt doanh nghiệp chây ì lên sàn, vì đâu?
Trên 730 doanh nghiệp chậm lên sàn
Nếu như ở thời điểm tháng 4/2017, có 578 doanh nghiệp sau cổ phần hóa không tuân thủ quy định về đăng ký niêm yết, giao dịch trên thị trường chứng khoán, thì con số này tính đến tháng 7/2017 đã tăng lên 730 doanh nghiệp. Dẫu vậy, theo đại diện Bộ Tài chính, số doanh nghiệp sau cổ phần hóa chưa tuân thủ quy định đưa cổ phiếu lên sàn chứng khoán tập trung sẽ còn gia tăng trong thời gian tới, sau khi Bộ Tài chính cập nhật kết quả rà soát tới đây.
“Thị trường chứng khoán Việt Nam đang rất cần lượng hàng hóa mới có chất lượng. Việc nhiều doanh nghiệp chây ì lên sàn đang tác động tiêu cực đến nỗ lực gia tăng thêm lượng hàng hóa mới có chất lượng cho thị trường.
Khi nhà quản lý thành công trong việc sớm thúc đẩy các doanh nghiệp đã cổ phần hóa lên sàn, thì vừa cải thiện chất lượng minh bạch thông tin của doanh nghiệp, vừa tạo thuận lợi cho nhà đầu tư giao dịch cổ phiếu…”, lãnh đạo một công ty chứng khoán chia sẻ.
Việc hàng trăm doanh nghiệp sau nhiều năm cổ phần hóa nhưng đến nay không chịu lên sàn, theo phản ánh của Nhóm công tác thị trường vốn thuộc Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam, là hình ảnh không đẹp trong cái nhìn của nhà đầu tư nước ngoài. Có những doanh nghiệp sau cổ phần hóa mà nhà đầu tư nước ngoài rất quan tâm tìm kiếm cơ hội đầu tư, nhưng không thể vì doanh nghiệp không lên sàn và cùng với đó là không minh bạch thông tin theo chuẩn hoạt động của công ty niêm yết (xem bảng)…
Việc doanh nghiệp sau cổ phần hóa chậm lên sàn ảnh hưởng tiêu cực đến nỗ lực thu hút dòng vốn đầu tư gián tiếp và cả dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Với các doanh nghiệp niêm yết trên sàn, nhất là các doanh nghiệp đầu ngành, nhờ vào thông tin doanh nghiệp công khai theo quy định pháp luật về chứng khoán mà nhà đầu tư nước ngoài đánh giá được mức độ tiềm năng, cũng như hiệu quả hoạt động của các lĩnh vực, mảng kinh doanh của doanh nghiệp đó.
Từ đó, không chỉ giúp họ đưa ra quyết định đầu tư trực tiếp hay gián tiếp (thông qua mua cổ phần), mà quan trọng hơn là đầu tư vào ngành, lĩnh vực nào cho hiệu quả.
“Xử phạt là giải pháp cuối cùng…”
Ông Phạm Hồng Sơn, Phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) cho biết như vậy khi trả lời câu hỏi vì sao việc xử phạt các doanh nghiệp chây ì lên sàn lại tỏ ra quá chậm.
“Điều quan trọng là tuyên truyền, vận động để các doanh nghiệp tự giác đăng ký niêm yết, giao dịch trên thị trường chứng khoán. Sau khi triển khai các bước này, nếu doanh nghiệp cố tình chậm trễ đưa cổ phiếu lên sàn thì UBCK sẽ xử phạt. Sắp tới, việc này sẽ được triển khai quyết liệt. Doanh nghiệp càng sớm lên sàn thì càng bảo vệ quyền lợi của cổ đông và chính doanh nghiệp tốt hơn…”, ông Sơn cho hay.
Bà Phạm Thị Thanh Hương, Phó Chánh thanh tra UBCK cho biết, thực ra khi Nghị định 145/2016 sửa đổi Nghị định 108/2013 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán có hiệu lực từ ngày 15/12/2016, với mức phạt cao lên đến 300 - 400 triệu đồng đối với hành vi vi phạm quy định về thời hạn đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán, nhiều doanh nghiệp đã thể hiện sự quan tâm và ý thức được việc phải sớm đưa cổ phiếu lên sàn để tránh bị phạt nặng.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, quá trình đưa cổ phiếu lên sàn mất khá nhiều thời gian, bởi doanh nghiệp phải tổ chức Đại hội đồng cổ đông để xin ý kiến cổ đông, cũng như ý kiến của cơ quan đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước, kiểm toán báo cáo tài chính...
“UBCK mong các doanh nghiệp tự giác xúc tiến các bước để đưa cổ phiếu lên đăng ký niêm yết, giao dịch trên thị trường chứng khoán tập trung, qua đó cải thiện tính minh bạch cho doanh nghiệp, góp phần gia tăng thanh khoản cho thị trường.
Khi phát hiện các doanh nghiệp cố tình chậm đưa cổ phiếu lên sàn, chúng tôi sẽ đánh giá nguyên nhân của tình trạng này là do chủ quan hay khách quan, trên cơ sở đó đưa ra quyết định xử phạt kịp thời để đảm bảo tính răn đe…”, bà Hương nói.