CFO mới của JPMorgan đã từng bị chính ngân hàng này sa thải vì sai lầm trong đầu tư
Theo Bloomberg, rất lâu trước khi ông Jeremy Barnum được thăng chức lên Giám đốc tài chính của JPMorgan, ông đã bị sa thải vì một sai lầm đầu tư – bởi chính ngân hàng này. Sau đó ông chia tay với quỹ đầu cơ BlueMountain Capital Management vì một sai lầm khác trên thị trường.
Đây quả là một bản lý lịch khác thường đối với một người sắp quản lý tài chính của một trong những ngân hàng lớn nhất nước Mỹ.
Nhưng sự nghiệp của ông Barnum đã mở sang trang mới. JPMorgan mời ông quay về vào năm 2007 với nhiệm vụ mơ hồ là trợ giúp các hoạt động giao dịch sản phẩm tín dụng. Như vậy, công việc của ông Barnum chuyển từ việc thực hiện các khoản đặt cược lớn, tự do sang các vấn đề cơ bản, chi tiết. Rất nhanh chóng, ông được cấp trên để ý, con đường tiến thân bỗng chốc rộng mở.
Rất nhiều người đứng lên sau thất bại, nhưng bước đường tiến tới chức Giám đốc tài chính JPMorgan của ông Barnum là một câu chuyện không tưởng đối với Phố Wall, theo Bloomberg.
Ông Barnum giúp mở đường cho các công cụ phái sinh tín dụng, bị đẩy khỏi vị trí đầu tư ở cả công ty bên bán lẫn bên mua, chuyển hướng tập trung vào xử lý rủi ro và có được người đỡ đầu trong nhóm lãnh đạo cấp cao nhất của JPMorgan.
Ông Troy Rohrbaugh, người đứng đầu bộ phận thị trường toàn cầu của JPMorgan, nói trong cuộc phỏng vấn: "Hầu hết mọi người trong Phố Wall đều từng có bước lùi trong sự nghiệp. Vượt qua thất bại giúp họ giỏi hơn trong công việc".
Sông có khúc, người có lúc
Trong suốt 5 năm, ông Barnum làm việc ở bàn giao dịch của JPMorgan, xử lý quyền chọn ngoại hối và công cụ phái sinh trên thị trường mới nổi. Đến 1999, ông được bổ vào nhóm phái sinh tín dụng, nơi ông có thể phát huy năng lực toán học và kết cấu của bản thân. Ông đứng trong trung tâm của sự thay đổi nhanh chóng của thị trường – và của chính JPMorgan.
Lúc này, JPMorgan đang mở đường cho các hợp đồng hoán đổi rủi ro tín dụng, công cụ tài chính cho phép nhà đầu tư hoán đổi hoặc bù đắp rủi ro tín dụng của mình với nhà đầu tư khác.
Năm đó, kết quả của JPMorgan trong mảng chứng khoán có thu nhập cố định tuột dốc. Sau khi nhóm của ông Barnum lỗ lớn, tên ông xuất hiện trong danh sách bị cho thôi việc. Ông gửi cho đồng nghiệp một email chia tay hài hước.
Ông Barnum nhanh chóng được mời gia nhập BlueMountain. Năm 2005, quỹ đầu cơ này bổ nhiệm ông làm người đứng đầu văn phòng ở London.
Năm sau, BlueMountain lỗ nặng vì một khoản đặt cược tín dụng sai lầm vào công ty Cablecom Holdings của Liberty Global, dẫn đến việc ông Barnum ra đi. Trong thông báo lúc đó, giám đốc cấp cao của BlueMountain cho biết việc ông Barnum rời đi "là sự đồng thuận giữa hai bên".
Né đạn
Sau đó sự nghiệp của ông Barnum có bước ngoặt kỳ lạ. JPMorgan trao cho ông cơ hội thứ hai và nhiệm vụ mới: Thay vì tự đánh cược, ông Barnum sẽ dùng kinh nghiệm đầu tư và những bài học đã rút ra để quản lý hoạt động kinh doanh, phát hiện rủi ro và đưa ngân hàng tránh xa rắc rối.
Ông quay về JPMorgan năm 2007 khi Bear Stearns bắt đầu sụp đổ, gây ra hiệu ứng domino trên Phố Wall.
Đến năm 2010, ông Barnum đã trở thành người không thể thiếu đối với các sếp lớn của JPMorgan, sau khi giúp ngân hàng né được những viên đạn từ cuộc khủng hoảng tài chính.
Hai năm sau, ông Barnum trở thành Giám đốc tài chính của bộ phận thị trường toàn cầu. Năm kế tiếp ông được giao thêm vị trí Giám đốc tài chính của khối ngân hàng đầu tư.
Ông đã giúp xử lý một trong những vấn đề đau đầu nhất của CEO Jamie Dimon – bê bối Cá voi London. Văn phòng đầu tư London của JPMorgan đã lỗ hàng tỷ USD vì các khoản đặt cược hoán đổi rủi ro tín dụng liều lĩnh.
Tình cờ, địch thủ của JPMorgan trong vụ bê bối này là BlueMountain, quỹ đầu cơ ông Barnum từng tham gia. Rốt cuộc JPMorgan phải dựa vào BlueMountain để giúp tháo gỡ các vị thế và chấm dứt vấn đề.
Tuần trước, CEO Dimon ra thông báo thăng chức cho ông Barnum thành Giám đốc tài chính của cả ngân hàng.
Một số người trông đợi được thấy ông Barnum tương tác với các nhà phân tích và nhà đầu tư. Đồng nghiệp mô tả ông là người giỏi tranh luận và hiếm khi lúng túng.
"Barnum là kiểu người mà nếu bạn nói chuyện với ông ấy về chính trị Nga năm 1913, ông ấy vẫn sẽ hiểu về vấn đề đó nhiều hơn bạn", ông Shahraab Ahmad, người từng là cấp dưới của ông Barnum cho biết.