|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

CEO WiGroup: Tăng trưởng tín dụng 0,77% hai tháng đầu năm là không quá bất ngờ

10:16 | 05/03/2023
Chia sẻ
Theo ông Trần Ngọc Báu, CEO WiGroup, tăng trưởng tín dụng tín đến ngày 24/2 đạt 0,77% là không quá bất ngờ và mang yếu tố mùa vụ. Giới phân tích cũng cho rằng tăng trưởng tín dụng năm 2023 sẽ thấp hơn so với năm 2022.

0,77% là con số không quá bất ngờ

Mới đây, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng cho biết tính đến ngày 24/2, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 0,77% so với cuối năm 2022 và được đánh giá là rất chậm. Chia sẻ về vấn đề này, ông Trần Ngọc Báu, CEO WiGroup đánh giá đây là con số không quá bất ngờ.

Theo ông, nguyên do là bởi tháng 12/2022 tăng trưởng tín dụng Việt Nam ghi nhận sự tăng trưởng quá mạnh, lên tới 1,94% so với tháng 11/2022 nên việc 1-2 tháng sau đó tốc độ tăng trưởng chậm lại là điều không khó hiểu.

Tăng trưởng tín dụng theo tháng (MoM) chịu tác động khá mạnh bởi yếu tố mùa vụ, hai tháng đầu năm là dịp nghỉ Tết Nguyên đán và khởi động nên tăng trưởng tín dụng thấp là điều không khó hiểu, chúng ta cũng đã thấy hiện tượng tương tự như năm 2018, 2020, 2021,…

Ngoài ra, tổng cầu trong nền kinh tế chịu áp lực suy giảm trong khi lãi suất lại duy trì cao nên các doanh nghiệp cũng thận trọng hơn trong việc mở rộng nguồn vốn.

“Nhìn chung thì theo quan điểm của tôi, con số tăng trưởng tín dụng hai tháng đầu năm đạt 0,77% là điều không quá khó hiểu và mang yếu tố mùa vụ. Vậy nên chúng ta chưa thể kết luận được gì với con số này”, ông Báu nhận định.

  Ông Trần Ngọc Báu, CEO WiGroup. (Ảnh: DNVN). 

Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cũng đã có những lý giải về tăng trưởng tín dụng 0,77% này tại cuộc họp Chính phủ thường kỳ tháng 2. Theo Thống đốc, tín dụng hai tháng đầu năm tăng chậm do thời điểm này trùng vào dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023. Bên cạnh đó, sức khỏe nhiều doanh nghiệp vẫn bị ảnh hưởng bởi COVID-19, không đáp ứng được các điều kiện vay vốn. Đơn hàng của nhiều doanh nghiệp cũng suy giảm khiến nhu cầu vay vốn không cao bằng năm ngoái.

Ngoài ra, những năm trước, tín dụng bất động sản tăng mạnh, chiếm hơn 20% tổng dư nợ của các ngân hàng thương mại, song năm nay, thị trường khó khăn khiến tín dụng bất động sản tăng chậm lại, dù vẫn tăng cao hơn tăng trưởng tín dụng chung của nền kinh tế.

Khó khăn của bất động sản hiện nay là vấn đề pháp lý (chiếm 70%), do đó, nếu khó khăn này được tháo gỡ, các tổ chức tín dụng mới có điều kiện thúc đẩy giải ngân tín dụng bất động sản.

Áp lực lạm phát cao phần nào kiềm hãm tốc độ tăng trưởng tín dụng

Ngay từ cuối năm 2022, giới phân tích đã dự báo rằng tăng trưởng tín dụng năm 2023 sẽ thấp hơn so với năm 2022.

Đơn cử như Chứng khoán Mirae Asset, các chuyên gia cho rằng áp lực lạm phát cao sẽ phần nào kiềm hãm tốc độ tăng trưởng tín dụng. Trong năm 2023, Việt Nam đưa ra mức lạm phát mục tiêu là dưới 4,5%, điều chỉnh tăng 0,5 điểm % so với mức lạm phát mục tiêu dài hạn, nhưng việc kiềm chế lạm phát cũng không đơn giản.

Trong 12 tháng qua, lạm phát cơ bản tăng liên tục từ 0,66% lên 5,21% vào tháng 1/2023. Việc tăng giá các nhóm hàng hóa và dịch vụ thiết yếu như ngành như điện, giáo dục và xăng dầu làm tăng áp lực lạm phát. Nguồn tín dụng mới sẽ phần nào tăng thanh khoản của thị trường chung.

Tuy nhiên, sự suy giảm chất lượng tài sản trong năm 2022 và các rủi ro nợ xấu do thay đổi môi trường lãi suất sẽ khiến các ngân hàng thương mại (NHTM) cẩn trọng hơn trong việc gia tăng tỷ trọng cho các phân ngành/doanh nghiệp có rủi ro cao. Tỷ giá tạm thời ổn định nhưng rủi ro giảm giá đồng nội tệ theo chuyên gia, vẫn còn hiệu hữu do các đợt tăng lãi suất của Fed và nền kinh tế Mỹ vẫn tăng trưởng tốt.

“Nhìn chung, dựa trên những yếu tố vĩ mô chưa khả quan, chúng tôi dự phóng tín dụng sẽ chỉ tăng trong khoảng từ 10-12% trong năm 2023, thấp hơn so với mức tăng trưởng mục tiêu của NHNN”, các chuyên gia Mirae Asset nhận định.

 

Tuy vậy, các chuyên gia vẫn cho rằng trong ngắn hạn, cho vay cá nhân sẽ là động lực cho tăng trưởng tín dụng. Do các bất ổn về kinh tế vĩ mô cũng như áp lực lạm phát, một bộ phận lớn cư dân sẽ có xu hướng hạn chế chi tiêu và tăng tiết kiệm cũng như tìm kiếm kênh đầu tư an toàn dài hạn.

Thêm vào đó, các ngân hàng cũng đang nỗ lực giảm thiểu rủi ro tập trung. Vì vậy, kênh tín dụng bán lẻ vẫn được kỳ vọng là động lực tăng trưởng tín dụng trong năm 2023.

Về phía các tổ chức tín dụng, tăng trưởng tín dụng năm 2023 cũng được kỳ vọng giảm so với năm trước. Theo kết quả điều tra xu hướng kinh doanh quý I/2023 do NHNN thực hiện, dư nợ tín dụng toàn hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD) được kỳ vọng tăng bình quân 4% trong quý I/2023 và tăng 13,7% trong năm 2023, điều chỉnh giảm 1,9 điểm % so với mức kỳ vọng tại kỳ điều tra trước.

Năm 2023, Phó Thống đốc thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết trên cơ sở kết quả tín dụng tăng 14,17% của năm 2022, NHNN đã tính toán định hướng tăng trưởng tín dụng của năm 2023 vào khoảng 14-15%, nhưng vẫn có điều chỉnh phù hợp với diễn biến và tình hình thực tế.

Huyen Vi

Đại biểu đề nghị lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu thêm một năm
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng nên ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm tới nhưng thời gian áp dụng thì lùi lại một năm để cả người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi, chuyển đổi sản xuất.