Cầu tín dụng năm 2023 sẽ không cao như trước?
Tín dụng tăng yếu đầu năm
Theo ước tính của một công ty chứng khoán, tính đến cuối tháng 2, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống được ước tính chỉ đạt khoảng 1,1%, chưa bằng một nửa của con số cùng kỳ năm trước (2,7%). Tăng trưởng tín dụng tại Hà Nội và TP HCM ước tăng lần lượt 2% và 0,4% so với đầu năm, đều thấp hơn đáng kể so với mức tăng của cùng kỳ năm trước.
Trong tháng 2, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã thực hiện hút ròng mạnh qua thị trường mở khi lãi suất qua đêm trên liên ngân hàng VND giảm chỉ còn 3,6%/năm vào giữa tháng, thấp nhất kể từ đầu năm và thấp hơn 76 điểm cơ bản so với lãi suất cho vay qua đêm đối với đồng USD.
Tính từ đầu tháng đến 24/2, NHNN đã hút ròng khoảng hơn 189.000 tỷ đồng trên OMO trong khi tháng trước đã bơm ròng 122.000 tỷ đồng. Đây là quy mô rút ròng lớn nhất theo tháng kể từ khi NHNN kích hoạt lại kênh bơm/hút vốn trên thị trường mở từ tháng 6/2022.
Đến gần cuối tháng, lãi suất cho vay qua đêm đã hồi phục nhanh lên xấp xỉ 6,2%/năm, diễn biến phù hợp với việc điều hành cung tiền của NHNN.
Theo các chuyên gia phân tích của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), đây là tín hiệu cho thấy thanh khoản hệ thống đang “thừa nhiều hơn thiếu”: "Chúng tôi cho rằng một phần nguyên nhân đến từ cầu tín dụng thấp và áp lực đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp chưa mạnh trong những tháng đầu năm".
- TIN LIÊN QUAN
-
Lãi vay đang 'ăn hết' lợi nhuận của doanh nghiệp, tiếp cận vốn vẫn là bài toán khó 01/03/2023 - 07:00
Một trong những yếu tố tác động trực tiếp với nhu cầu tín dụng đó là vấn đề "giá cả" mà ở đây là lãi suất cho vay. Mặt bằng lãi suất cao là một trong những yếu tố cơ bản khiến nhu cầu tín dụng ở mức thấp trong thời gian qua.
Nhiều doanh nghiệp phản ánh chi phí lãi vay ở thời điểm hiện tại đang ở mức quá cao (lãi suất cho vay trung dài hạn ở nhiều ngân hàng tăng lên 13 - 35%/năm - PV) và đang ăn mòn hết lợi nhuận của doanh nghiệp.
Mới đây nhất hệ thống ngân hàng đã thống nhất đồng loạt giảm 0,5 điểm % lãi suất huy động kỳ hạn trên 6 tháng để từ đó có cơ sở giảm lãi suất cho vay. Dù vậy, việc giảm lãi suất cũng là vấn đề không phải một sớm một chiều, tác động từ các chính sách này luôn có độ trễ nhất định.
Tăng trưởng tín dụng sẽ không cao bằng năm trước
Trước đó, nhiều công ty chứng khoán cũng dự báo mức tăng trưởng tín dụng trong năm 2023 sẽ ở mức khiêm tốn. Theo Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), với mặt bằng lãi suất cao, khu vực bất động sản gặp khó khăn và triển vọng kinh tế kém tích cực, tăng trưởng tín dụng cả năm 2023 sẽ chỉ ở khoảng 13%.
Trong khi đó, VDSC cho rằng tăng trưởng tín dụng năm 2023 sẽ ở mức 11-12%, đồng thời hạn mức tín dụng tiếp tục được sử dụng như một công cụ để điều hướng tín dụng vào nền kinh tế, sẽ phân bổ theo tình hình cung-cầu tín dụng.
Năm 2023, nhóm chuyên gia VDSC cho rằng ưu tiên của chính sách tiền tệ sẽ dịch chuyển theo hướng kiềm giữ đà tăng lãi suất trong nền kinh tế để hỗ trợ cho đà tăng trưởng kinh tế, đồng thời đảm bảo sự ổn định của hệ thống.
Để thực hiện các mục tiêu này, NHNN có thể phải đánh đổi một số mục tiêu ổn định và an toàn dài hạn để giải quyết vấn đề ngắn hạn. Mục tiêu lạm phát năm 2023 được nới lỏng lên 4,5% và được chia sẻ bởi chính sách tài khoá trong khi điều hành tỷ giá kỳ vọng sẽ bớt áp lực hơn.
Đồng quan điểm, Chứng khoán BIDV (BSC) cho rằng với tình trạng lạm phát Việt Nam đang trên đà tăng mạnh và Fed có thể tăng lãi suất thêm 0,75 điểm % theo kế hoạch hiện hành của họ, NHNN có thể sẽ tăng lãi suất điều hành thêm 0,5 - 1 điểm%. Hiện tượng này sẽ trực tiếp tác động đến lượng tiền chảy vào nền kinh tế Việt Nam, cung tiền và tăng trưởng tín dụng.
BSC đưa ra hai kịch bản cho tăng trưởng tín dụng cho năm 2023. Với kịch bản xấu hơn khi lạm phát Việt Nam tăng cao và Fed nâng lãi suất hơn 0,75 điểm % nhiều khả năng NHNN sẽ tăng lãi suất điều hành thêm 1 điểm % thì mức tăng trưởng cung tiền tín dụng sẽ chỉ khoảng 6% và 10%.
Với kịch bản lạc quan hơn, lạm phát Việt Nam được kiểm soát và Fed nâng lãi suất thêm 0,75 điểm % thì có thể khiến lãi suất điều hành thêm 0,5 điểm %. Cộng với việc thị trường trái phiếu phục hồi sẽ khiến cho cung tiền và tăng trưởng tín dụng tăng cao hơn lần lượt ở mức 12% và 14%.
Theo các chuyên gia Chứng khoán KB (KBSV), trong năm 2023 tăng trưởng tín dụng sẽ chậm lại với rào cản lớn nhất là vấn đề căng thẳng thanh khoản hệ thống.
Theo phân tích từ Chứng khoán KB (KBSV), các điều kiện kinh tế vĩ mô đang có tín hiệu ổn định sẽ tạo điều kiện cho NHNN có các động thái để cải thiện cung tiền nhờ đó giảm áp lực thanh khoản cho hệ thống.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng để cung tiền và tăng trưởng tín dụng đạt được điểm cân bằng sẽ phải mất từ 3-6 tháng chưa kể khả năng vấn đề tỷ giá và lạm phát có thể quay trở lại. Do đó tín dụng sẽ bị kìm hãm trong nửa đầu năm 2023 và được kỳ vọng sẽ cải thiện vào nửa cuối năm.
KBSV dự báo tăng trưởng tín dụng cho cả năm 2023 tương đương các năm trước, ở mức từ 13-14%.
Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh quý I/2023 của NHNN cho thấy dư nợ tín dụng toàn hệ thống tổ chức tín dụng được kỳ vọng tăng bình quân 4% trong quý I/2023 và tăng 13,7% trong năm 2023, giảm 1,9 điểm % so với mức kỳ vọng tại kỳ điều tra trước.
Nhận định về sự yếu đi của nhu cầu tín dụng trong năm 2023 cũng được thể hiện qua các con số kế hoạch tăng trưởng khiêm tốn của một số ngân hàng thương mại được công bố mới đây.
Quán quân lợi nhuận Vietcombank đặt kế hoạch tăng trưởng tín dụng ở mức 12,8% trong khi mức tăng trưởng cho vay khách hàng năm 2021 là 19%, trong đó chưa loại trừ dư nợ 51.000 tỷ đồng dự kiến bán cho một TCTD yếu kém nhận chuyển giao bắt buộc trong năm 2023.
Eximbank đặt mục tiêu tăng trưởng dư nợ 14%, bằng với năm 2022 trong khi Nam A Bank dự kiến tăng 10,4% (năm 2021 tăng trưởng tín dụng đạt 16%).
Dù không phải tất cả ngân hàng đều đặt mục tiêu tăng trưởng dư nợ giảm so với năm trướcnhưng những con số trên cũng phần nào thể hiện sự thận trọng hơn của các ngân hàng trong năm 2023 "hứa hẹn" nhiều khó khăn.
Nhận định về nhu cầu tín dụng năm 2023, giới phân tích cho rằng mặc dù mặt bằng lãi suất đã ở mức tương đối cao ngay cả so với thời điểm trước dịch, nhu cầu vay vốn vẫn luôn hiện hữu. Khi thị trường trái phiếu vẫn đang đóng băng, ngân hàng vẫn sẽ là kênh huy động chính của doanh nghiệp cho đến khi có sửa đổi chính thức của Nghị định 65.
"Thị trường trái phiếu doanh nghiệp còn khó khăn nên sẽ có sự chuyển dịch từ thị trường này sang thị trường ngân hàng. Do đó, nhu cầu tăng trưởng tín dụng sẽ còn cao và đảm bảo cho việc tăng trưởng cho ngành ngân hàng trong thời gian tới", chuyên gia kinh tế PGS. TS Phạm Thế Anh nhận định.