|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

CEO Vũ Đức Biên: Vietravel Airlines đang hồi sinh sau cú sốc đại dịch

08:00 | 24/01/2023
Chia sẻ
Năm vừa qua đối với Vietravel Airlines gần như một năm “hồi sinh” trở lại sau dịch. Điều này tốn rất nhiều công sức, nhưng không còn cách nào khác, bởi nếu không chịu thay đổi, chắn chắn không thể tiếp tục theo đuổi hoài bão phát triển hãng hàng không phục vụ ngành du lịch lữ hành Việt Nam, CEO Vietravel Airlines chia sẻ.

Thực hiện chuyến bay đầu tiên vào ngày 26/12/2020 song vừa ra mắt, hãng hàng không non trẻ đã phải chịu trận “phong ba bão táp” từ đại dịch và phải ngủ đông gần một năm. Cuối năm 2021, nhận thấy dịch bệnh đã được kiểm soát, Vietravel Airlines đã chính thức cất cánh trở lại.

“Một năm qua, Vietravel Airlines như chú chim non đang mọc lại được chút ít lông sau khi trải qua cú sốc đại dịch”, ông Vũ Đức Biên, Tổng Giám đốc Vietravel Airlines chia sẻ với chúng tôi.

Mặc dù vậy, càng trải qua khó khăn càng vững vàng, Vietravel Airlines đã khôi phục lại đường bay nội địa và thậm chí mở thêm các đường bay quốc tế trong năm 2022, xa hơn và việc phát triển mạng lưới bay quốc tế đến các thị trường như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc,…

Nhân dịp đầu Xuân, chúng tôi đã có buổi trò chuyện với “cơ trưởng” Vũ Đức Biên về quá trình cầm lái chiếc “máy bay” Vietravel Airlines.

Năm 2022 được đánh giá là một năm rất thách thức với ngành hàng không do hàng loạt yếu tố cả quốc tế và trong nước như: Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp hồi đầu năm, xung đột Nga – Ukraine khiến giá dầu thô tăng cao, Trung Quốc vẫn duy trì chiến lược đóng cửa,… Những thách thức này tác động như thế nào đến ngành hàng không và Vietravel Airlines?

 Ông Vũ Đức Biên,CEO Vietravel Airlines.

Năm 2022, thị trường hàng không có phục hồi nhưng phục hồi chưa hoàn toàn, trong khi thị trường nội địa hồi phục mạnh mẽ còn thị trường quốc tế vẫn rất khó khăn mà phần lớn lợi nhuận của các hãng hàng không tập trung vào thị trường quốc tế.

Do chưa mở ra được đường bay quốc tế nên các hãng hàng không của Việt Nam tập trung hết vào thị trường nội địa. Toàn bộ lượng tàu bay của các hãng hàng không Việt Nam là hơn 200 chiếc tập trung hết vào thị trường nội địa khiến cung vượt cầu, giá vé thấp đi. Do đó, doanh thu và lợi nhuận của các hãng hàng không giảm đi.

Bên cạnh đó, chi phí xăng dầu lại tăng lên, trung bình giá nhiên liệu bay chỉ khoảng 60-70 USD/thùng nhưng lúc cao điểm nhất lên tới 147 USD/thùng và nay dù có giảm xuống những vẫn cao ở mức 120 USD/thùng. Chi phí xăng dầu tăng gần gấp đôi khiến các doanh nghiệp hàng không rất khó khăn.

Mặc dù nhiều thách thức nhưng Vietravel Airlines đã vượt qua khó khăn trong năm 2022, bằng chứng là việc mở hàng loạt đường bay mới. Vậy, yếu tố và chiến lược gì giúp Vietravel Airlines vượt qua những khó khăn kể trên?

Năm vừa qua đối với Vietravel Airlines gần như một năm “hồi sinh” trở lại sau dịch. Một lần nữa, chúng tôi phải cấu trúc lại nền móng, định hình lại chiến lược. Đã và sẽ mất rất nhiều công sức, nhưng không còn cách nào khác, bởi nếu không chịu thay đổi, chắn chắn không thể tiếp tục theo đuổi hoài bão phát triển hãng hàng không phục vụ ngành du lịch lữ hành Việt Nam.

Với một hãng hàng không non trẻ vừa mới ra đời chẳng khác một chú chim bị rụng hết lông sau đại dịch và nay mới mọc lại được chút ít. Năm 2022, Vietravel Airlines đã phục hồi lại các đường bay cũ, có thị trường, mở đường bay mới.

Năm 2023, thị trường hàng không chắc chắn sẽ tốt hơn do dịch bệnh được kiểm soát tại hầu hết quốc gia trên thế giới, thị trường hàng không quốc tế mở cửa trở lại mạnh mẽ hơn.

Không nằm ngoài xu hướng đó, Vietravel Airlines cũng chính thức mở đường bay quốc tế đầu tiên Hà Nội – Bangkok ngày 16/12 và đường bay TP HCM – Bangkok. Năm tới chúng tôi đặt mục tiêu mở đường bay quốc tế Việt Nam - Hàn Quốc vào tháng 4/2023 và Việt Nam - Nhật Bản vào cuối năm. Đây là hai thị trường Đông Bắc Á quan trọng của Việt Nam, chiếm thị phần lớn trong doanh thu hàng không quốc tế của các hãng. 

Là một hãng hàng không non trẻ, Vietravel Airlines đã có những chiến lược gì để cạnh tranh với các đối thủ lớn hơn?

Vietravel Airlines có lợi thế là hệ sinh thái lữ hành. Trong đó, Vietravel đã tái cơ cấu và chia thành hai phần chính là hàng không Vietravel Airlines và lữ hành Vietravel Holiday. Lượng khách du lịch từ Vietravel Holiday sẽ là nguồn thu quan trọng của Vietravel Airlines. Dự kiến, lượng khách từ Vietravel Holiday sẽ chiếm khoảng 40% công suất bay quốc tế của chúng tôi.

Điểm khác biệt so với các hãng khác vì đây là hãng hàng không du lịch. Du lịch đi cùng với hàng không sẽ kết nối và mang đến trải nghiệm về văn hoá nhiều hơn cho khách hàng.

Hiện Vietravel Airlines đã thực hiện đưa các hướng dẫn viên lên máy bay để thuyết trình về điểm đến, mặc dù thời gian không nhiều nhưng chắc chắn sẽ mang thêm thông tin, giới thiệu rõ nét hơn về điểm đến và tạo cho khách hàng trải nghiệm tốt nhất. Vừa rồi, Vietravel Airlines cũng tham gia kết hợp với các chương trình du lịch, ẩm thực tại một số quốc gia. Chúng tôi dự kiến sẽ mang lên máy bay những trải nghiệm văn hoá, ẩm thực cho hành khách. 

Bên cạnh đó, bất kỳ chiến lược gì cũng phải được biến hoá linh hoạt để phù hợp với tình hình thực tế. Với bối cảnh vĩ mô biến động mạnh như hiện nay, chiến lược của Vietravel Airlines có thể thay đổi để đối phó với tuỳ tình hình làm sao để sống sót.

Với nhiều lĩnh vực, năm 2023 được dự báo là gặp rất nhiều khó khăn trong bối cảnh suy thoái kinh tế, người dân thắt chặt chi tiêu, song “trong nguy có cơ”, vậy cơ hội nào cho ngành hàng không Việt Nam, thưa ông?

Năm 2023 mở ra nhiều cơ hội đối với ngành hàng không từ quá trình phục hồi của thị trường. Đặc biệt là việc, Trung Quốc nới lỏng những biện pháp phòng chống dịch COVID-19. Đây là một thị trường rất quan trọng với Việt Nam, do đó, việc quốc gia tỷ dân cho phép nối lại các đường bay quốc tế là cơ hội rất lớn đối với các hãng hàng không Việt Nam. 

Một điểm tích cực không kém quan trọng là giá nhiên liệu bay hiện đang giảm dần. Giá dầu thô trên thế giới đang có xu hướng giảm, đây là yếu tố hỗ trợ rất lớn đối với các doanh nghiệp vận tải nói chung và hàng không nói riêng.

Bên cạnh đó trong xu thế bất ổn phủ rộng trên toàn thế giới thì Việt Nam được coi như một “điểm đến an toàn”. Hiện khu vực Ukraine, Nga đang trong tình trạng bất ổn, châu Âu thì cũng gặp một số vấn đề về năng lượng, Trung Quốc quy định phòng chống dịch COVID-19.

 Đồ hoạ: Alex Chu.

Nếu những khu vực khác tình hình bất ổn ở một số nơi như “vùng biển có sóng lớn” thì Việt Nam với “vùng biển êm đềm” lại là khu vực được khách du lịch hướng tới. Hiện tại, tình hình châu Âu có nhiều điều bất ổn, dòng khách du lịch được dự báo sẽ hướng tới châu Á, đây là cơ hội lớn cho Việt Nam.

Năm 2023, Vietravel Airlines lên kế hoạch mở thêm nhiều đường bay quốc tế, duy trì, vận hành, khai thác để đạt hệ số ghế cao, bắt đầu từ đường bay Hà Nội – Bangkok với mục tiêu hệ số lấp đầy trên 80%. Vietravel Airlines đặt mục tiêu đến năm 2026 có lãi nếu bối cảnh quốc tế không có quá nhiều biến động.

Để hồi phục ngành hàng không trong bối cảnh vẫn còn gặp nhiều khó khăn, theo ông cần có những giải pháp như thế nào?

Chính phủ và các cơ quan quản lý cũng đã nhận biết được các khó khăn để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp ngành hàng không và du lịch. Tuy nhiên, hiện các doanh nghiệp vẫn gặp rất nhiều khó khăn từ các yếu tố khách quan sau đại dịch.

Hai điểm tắc nghẽn lớn nhất với ngành hàng không hiện nay là hạ tầng và tín dụng. Trong khi hạ tầng của chúng ta vẫn quá tải thì việc hồi phục và phát triển là rất khó khăn. Như những đợt cao điểm nghỉ lễ hay dịp Tết Nguyên đán, số lượng chuyến bay tăng lên thì hạ tầng lập tức tắc nghẽn cục bộ.

Do đó, các hãng hàng không có khách, muốn bay mà hạ tầng không đáp ứng được thì Cục Hàng không Việt Nam cũng rất khó để cấp phép. Bên cạnh đó, cần có sự xem xét cân nhắc để bố trí lượng slot nhất định cho các hãng bay mới đối với bay quốc tế.

Ngoài ra, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước cần xem xét để có những chính sách ưu đãi về vốn tín dụng cho ngành hàng không để các hãng vượt qua các khó khăn. Mặc dù Chính phủ đang có một số chính sách tài khoá nằm trong chương trình phục hồi và phát triển hay việc hỗ trợ lãi suất 2% nhưng hiện số lượng nhu cầu của doanh nghiệp khá lớn khiến nhiều doanh nghiệp vẫn chưa tiếp cận được gói này.

Xin cảm ơn ông!

Hạ An