|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

CEO Snapchat: Bí mật giúp TikTok tạo ra tăng trưởng bùng nổ là tiền và rất nhiều tiền

07:21 | 12/09/2022
Chia sẻ
Ông Evan Spiegel, CEO Snap, mới đây đã có những chia sẻ cá nhân liên quan đến thế đang lên của nền tảng video ngắn TikTok trên quy mô toàn cầu.

 

 TikTok đang trở thành một thế lực mạng xã hội khiến cả các công ty công nghệ lớn của Mỹ e dè. (Ảnh: WSJ). 

Các công ty mạng xã hội Trung Quốc ngày càng cảm thấy sức ép đến từ TikTok, nền tảng video tăng trưởng nhanh nhất trên thế giới thuộc sở hữu của ByteDance, theo Forbes.

“Như thế TikTok đang làm mọi người khiếp sợ”, Scott Galloway, dẫn chương trình podcast Pivot đồng thời là giáo sư marketing tại NYU Stern, chia sẻ với Evan Spiegel, CEO Snap, tại sự kiện Code Conference diễn ra mới đây.

TikTok đang quyết liệt lôi kéo người dùng trẻ từ Meta và thậm chí trở nên phổ biến giữa nhóm người dùng trẻ hơn Snapchat hay Instagram, theo một nghiên cứu vào tháng 8 của Pew Research Center. Theo Forbes, đại dịch cũng giúp TikTok đến được với nhóm người dùng lớn tuổi hơn ở Mỹ, điều mà trước đó nó gặp rất nhiều khó khăn khi tiếp cận. Điều đáng nói là các mạng xã hội Mỹ lại không được hoạt động tại Trung Quốc. Do đó, TikTok đang “ăn bữa trưa của họ”, nhà báo Kara Swisher nhận định.

Tại sự kiện Code Conference năm nay, nhiều CEO công nghệ và truyền thông hàng đầu thế giới cùng với đó là những người hoạt động trong mảng chính trị đã có mặt. Họ bày tỏ sự quan ngại về sức mạnh và sự phát triển thần tốc của TikTok và thậm chí kêu gọi cấm nền tảng video này. TikTok là mạng xã hội lớn duy nhất không có đại diện tại sự kiện.

“Lý do điều này thực sự thách thức cho các công ty để đáp trả tại Mỹ, và ở khắp nơi trên thế giới, là quy mô đầu tư của TikTok”, Spiegel, CEO Snap, chia sẻ. Snap mới đây sa thải 20% định biên nhân sự của mình.

“Thứ không ai có thể kỳ vọng ở Mỹ là quy mô đầu tư mà ByteDance đã thực hiện vào thị trường Mỹ, và tất nhiên là cả Châu Âu nữa, vì nó là điều không thể tưởng tượng được – không một startup nào có thể đầu tư hàng tỷ và hàng tỷ và hàng tỷ USD vào việc thâu tóm người dùng như vậy trên toàn thế giới”, ông Spiegel nói.

“Nó hoàn toàn khác với các chiến lược mà bất kỳ công ty công nghệ nào từng áp dụng trước đó vì đây không phải một chiến lược sáng tạo, nó thực sự chỉ là chi tiền để thâu tóm người dùng với số lượng lớn”, người đứng đầu Snap nói thêm.

Số lượng người dùng lớn là thứ đã giúp thuật toán gợi ý nội dung của TikTok mạnh mẽ hơn bao giờ hết, Spiegel nhận định. “TikTok dẫn đầu sớm bằng cách đầu tư mạnh vào mở rộng, chi nhiều tiền để làm điều đó. Từ đây, TikTok có thể “huấn luyện” thuật toán của mình và có các dòng nội dung cá nhân hoá mà các dịch vụ mới khó lòng có được”, ông giải thích.

Về phần mình, Spiegel nói rằng Snap sẽ cạnh tranh với TikTok bằng cách tiếp tục tập trung vào kết nối với gia đình và bạn bè, thay vì với người lạ. Đây là cách tiếp cận mà ông cho rằng đã tạo ra sự thành công cho Snap. (TikTok có cách tiếp cận ngược lại khi trang “For You” của ứng dụng này hiển thị cả các video đến từ người dùng bạn không theo dõi thông qua thuật toán gợi ý).

Ông Sundar Pichai, CEO Google, cũng nhìn nhận TikTok là một trong những đối thủ mới nhất và lớn nhất của công ty này, đặc biệt là đối với YouTube. Chia sẻ trong một bài phỏng vấn thuộc sự kiện Code Reference, ông thừa nhận “cạnh tranh ở mảng công nghệ đang cực kỳ khắc nghiệt” và một phần của sức nóng, giống như đến từ TikTok, xuất hiện một cách đột ngột.

 (Đồ hoạ: Thái Sơn). 

Trong khi đó, thượng nghị sỹ Amy Klobuchar, người đang lãnh đạo vấn đề chống độc quyền ở mảng công nghệ nhắm đến nhóm Google, Apple, Amazon và Meta, cảnh báo rằng TikTok có thể cũng sẽ sớm nằm trong nhóm này. “Nếu TikTok đạt đến quy mô như nhóm “công ty gác cửa internt”, họ sẽ được thêm vào danh sách”, bà chia sẻ.

Theo Forbes, chỉ trích lớn nhất tại Code Conference dành cho TikTok có lẽ đến từ ông Mathias Dopfner, CEO của Axel Springer, đơn vị xuất bản sở hữu những trang thông tin như Insider, Politico và Protocol khi ông kêu gọi cấm TikTok. Một trong những lý do mà ông Dopfner là bản thân các công ty như Amazon, Facebook hay Google cũng không được hoạt động tại Trung Quốc.

Mặc dù Axel Springer là một trong những công ty xuất bản lớn hiếm gọi tại Đức và Châu Âu không hợp tác với TikTok, ông Dopfner thừa nhận họ có thể không còn lựa chọn thay thế nào khác.

“Tôi không chắc chúng tôi còn có thể duy trì điều này vì chúng tôi đang ở giai đoạn không làm được điều đó nữa, chúng tôi đã để mất quá nhiều trong nhóm độc giả trẻ”, ông nói.

Mặc dù nhận thấy các vấn đề với TikTok, bà Jen Psaki, cựu người phát ngôn Nhà Trắng, cho rằng “không dùng TikTok sẽ là một cản trở lớn”. “Khi bạn không dùng các nền tảng như vậy… với sức mạnh của họ và mức độ tiếp cận người dùng của họ, bạn đang tự loại mình ra khỏi cuộc chơi”, bà nhận định thêm.

Theo số liệu của Statista, TikTok đang có 1 tỷ người dùng hoạt động hàng tháng tính ở thời điểm tháng 1/2022. Con số này chưa bao gồm 600 triệu người dùng sử dụng Douyin hàng tháng. Douyin là phiên bản dành cho thị trường Trung Quốc của TikTok.

Với thành tích này, TikTok đứng thứ 6 trong danh sách các nền tảng có nhiều người dùng hàng tháng nhất thế giới, sau Facebook (2,91 tỷ), YouTube (2,56 tỷ), WhatsApp (2 tỷ), Instagram (1,47 tỷ) và WeChat (1,26 tỷ).

Nam Khánh

Nhìn lại ngành chứng khoán Việt Nam sau 24 năm qua các làn sóng M&A (Phần 2)
Làn sóng M&A thứ nhất ngành chứng khoán Việt Nam sớm kết thúc và để lại kết quả không mấy khả quan, các tổ chức quốc tế lần lượt rời đi. Làn sóng M&A mới nổ ra với mô hình thâu tóm toàn bộ cổ phần, “thay tên đổi họ” với sự gia nhập của các tập đoàn Hàn Quốc và những định chế trong nước.