|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

CEO JPMorgan cảnh báo tình trạng 'lạm phát đình trệ' có thể tái diễn ở Mỹ

10:01 | 24/04/2024
Chia sẻ
CEO Jamie Dimon của JPMorgan cảnh báo Mỹ có nguy cơ rơi vào tình trạng lạm phát đình trệ như những năm 1970. Ông cho biết gã khổng lồ ngành ngân hàng Mỹ đã chuẩn bị sẵn sàng để đối phó với kịch bản này.

Tỷ phú Jamie Dimon, CEO JPMorgan Chase. (Ảnh: Bloomberg).

CEO Jamie Dimon của ngân hàng lớn nhất nước Mỹ JPMorgan Chase lo ngại nền kinh tế số một thế giới có thể sẽ gặp phải những vấn đề tương tự nửa thế kỷ trước. 

Tại sự kiện do Câu lạc bộ Kinh tế New York tổ chức hôm 23/4, ông Dimon bình luận: “Phải, tôi nghĩ có khả năng điều đó sẽ xảy ra lần nữa”.

Trong những năm 1970, nền kinh tế Mỹ bị bủa vây bởi lạm phát đình trệ - tình trạng tăng trưởng thấp và lạm phát cao. Và ông Dimon cho rằng nước Mỹ ngày nay có rủi ro rơi vào tình cảnh tương tự.

Trong phiên hỏi đáp, ông nói thêm: “Tôi e rằng nền kinh tế bây giờ đang giống với những năm 1970... Trong một số trường hợp, tình trạng của nền kinh tế sẽ giống với thập niên 1970, khác hẳn những gì chúng ta đã trải qua trong năm 20 qua”.

CEO của JPMorgan đã cảnh báo suốt nhiều tháng về những rủi ro có thể khiến “lạm phát duy trì ở mức cao hơn và lâu hơn dự kiến của thị trường”, theo lá thư ông gửi cổ đông hồi tháng 4.

Các quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dường như cũng có chung suy nghĩ đó. Tuần trước, Chủ tịch Jerome Powell và một số đồng nghiệp của ông đã bày tỏ thái độ thận trọng về kế hoạch giảm lãi suất.

Họ phát đi thông điệp rõ ràng là nhiều khả năng lãi suất sẽ được duy trì ở mức hiện tại trong thời gian lâu hơn do lạm phát tăng cao bất ngờ, theo tờ Yahoo Finance. 

Trong lá thư tháng 4, ông Dimon cho biết JPMorgan đã chuẩn bị sẵn sàng cho các kịch bản “lãi suất từ 2% đến 8% hoặc thậm chí là cao hơn”. Ông lặp lại dự đoán đó tại Câu lạc bộ Kinh tế New York. Và ông nói thêm: “Chúng tôi cũng có thể đối phó với lạm phát đình trệ”.

Trong sự kiện, ông Dimon cũng tiếp tục thảo luận về một số chủ đề quen thuộc khác, bao gồm nỗi lo về chi tiêu của chính phủ Mỹ, nỗ lực giảm quy mô bảng cân đối kế toán của Fed, xung đột ở Ukraine, Trung Đông và nguy cơ chúng làm gián đoạn các thị trường hàng hóa quan trọng.

Cùng lúc đó, ông nhận định nền kinh tế Mỹ “đang bùng nổ”, ca ngợi sự bền bỉ của người tiêu dùng Mỹ, tín dụng của các ngân hàng, giá nhà và giá cổ phiếu.

Theo vị tỷ phú, tăng trưởng kinh tế là chìa khóa để giải quyết mọi vấn đề. Ông giải thích: “Chúng ta cần làm nhiều hơn và tốt hơn nữa, chúng ta cần cố gắng để nền kinh tế tăng trưởng”.

Vị CEO được hỏi ông có muốn phục vụ trong chính phủ hay không. Ông lặp lại lời nói đùa trước đây để thể hiện sự chán ghét đối với quá trình bầu cử: "Tôi luôn nói rằng tôi muốn trở thành tổng thống, nhưng bạn sẽ phải tự đem ghế đến cho tôi”.

Ông Dimon không phát đi bất kỳ tín hiệu nào về thời điểm rời khỏi JPMorgan. Ông chỉ nói ông muốn “để lại một công ty tuyệt vời” và “muốn giúp đất nước của mình”. Ông bày tỏ niềm lạc quan: “Tôi rất kỳ vọng vào tương lai”.

Giang

Ông Donald Trump nhậm chức Tổng thống Mỹ có ảnh hưởng đến mục tiêu GDP của Việt Nam?
Theo chuyên gia Đinh Trọng Thịnh, ông Donald Trump trở lại vị trí Tổng thống Mỹ vào năm tới có thể sẽ giải quyết các cuộc xung đột đang leo thang theo hướng hòa bình, làm cho chính trị thế giới ổn định hơn. Từ đó, nhiều nền kinh tế phát triển trong đó có Mỹ sẽ tăng trưởng tốt hơn, thu nhập người dân cao hơn khiến nhu cầu mua sắm tăng lên sẽ thúc đẩy xuất hàng hóa từ Việt Nam.