|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

CEO Dat Bike: Lợi nhuận chưa bao giờ trở thành ưu tiên số một, mục tiêu năm 2023 là tăng trưởng gấp 10 lần

14:37 | 19/04/2023
Chia sẻ
Ông Nguyễn Bá Cảnh Sơn, CEO Dat Bike mới đây đã có những chia sẻ về cách startup này thay đổi để thích nghi trong bối cảnh kinh tế khó khăn. Theo ông Sơn, Dat Bike đã phải hy sinh một số nguồn lực để cân bằng giữa các mục tiêu ngắn hạn và dài hạn khi việc gọi vốn không dễ như trước.

Vừa qua, Forbes Việt Nam, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) và Do Ventures phối hợp tổ chức Diễn đàn Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2023 (Forbes Vietnam Innovation Forum) với chủ đề “Cưỡi trên ngọn sóng số”.

Trong khuôn khổ diễn đàn, ông Nguyễn Bá Cảnh Sơn, CEO startup Dat Bike, đã có những chia sẻ về cách mà startup này thích ứng và vượt qua khó khăn trong giai đoạn gọi vốn khó khăn, cũng như những mục tiêu cả trong ngắn hạn và dài hạn.

Theo ông Sơn, Dat Bike là startup về xe điện hai bánh, được ra đời với mục tiêu chuyển đổi tất cả người dùng xe xăng tại Việt Nam nói riêng và Đông Nam Á nói chung sang sử dụng xe điện. “Cách mà Dat Bike hoạt động và đạt được mục tiêu đề ra là cố gắng làm ra những sản phẩm xe điện vượt trội hơn xe xăng về khả năng vận hành, cụ thể là các yếu tố như quãng đường đi được, thời gian sạc và công suất tối đa”, ông Sơn cho biết.

Chia sẻ về lợi thế cạnh tranh so với các doanh nghiệp khác, ông Sơn cho biết cách thức vận hành của Dat Bike là làm từ R&D (nghiên cứu và phát triển) đến sản xuất và cuối cùng là bán hàng. Điều này giúp Dat Bike có thể “chạy nhanh hơn” những doanh nghiệp khác.

“Sau hơn ba năm hoạt động, Dat Bike đã cho ra mắt ba mẫu xe và sắp tới sẽ cho ra mắt thêm nhiều mẫu nữa. Tổng số vốn gọi được là hơn 16 triệu USD. Tất nhiên, đây là lĩnh vực khó và Dat Bike cũng sẽ cố gắng để gọi thêm vốn”, ông Sơn chia sẻ.

Dat Bike là startup về xe điện hai bánh. (Ảnh: Forbes Việt Nam).

Cân bằng giữa mục tiêu ngắn hạn và dài hạn

Bike không có những sức ép về mặt ngắn hạn, nên vẫn tăng trưởng đều, song tất nhiên cũng phải cẩn trọng trong bối cảnh thị trường hiện nay, theo ông Sơn. Ông nói thêm rằng tất cả startup đều mong muốn thay đổi thế giới theo một cách nào đó, và có thể coi đó là mục tiêu dài hạn.

“Tài nguyên và nguồn lực là thứ hữu hạn. Vì vậy, mình phải lựa chọn để xem nên đạt được mục tiêu dài hạn hay ngắn hạn. Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu hiện tại tương đối bất ổn, các mục tiêu ngắn hạn sẽ khó đạt được.

Đối với mình, cách xử lý để cân bằng giữa mục tiêu ngắn hạn và dài hạn là chỉ xử lý các vấn đề ngắn hạn để “đủ sống sót”. Sau đó, những tài nguyên còn lại sẽ tập trung cho các mục tiêu dài hạn. Tựu chung lại, mình phải đạt được các kết quả tối thiểu có thể chấp nhận được với chi phí thấp nhất. Và kết quả tối thiểu có thể chấp nhận được đối với startup như Dat Bike là “sóng sót” trong ngắn hạn”, ông Sơn nhấn mạnh.

Cụ thể, ông Sơn cho biết với những dự án được ví như “hái sao trên trời”, Dat Bike sẽ chấp nhận kéo giãn tiến độ thực hiện để có nguồn lực xử lý các vấn đề ngắn hạn. Chẳng hạn, Dat Bike có dự án phát triển động cơ điện hoàn toàn ở Việt Nam với thiết kế riêng. Hiện tại, doanh nghiệp đã có thiết kế về khả năng vận hành với giá thành tốt hơn động cơ nhập khẩu.

Ông Nguyễn Bá Cảnh Sơn, CEO Dat Bike. (Ảnh: Dat Bike).

Dat Bike cho biết động cơ là chi tiết duy nhất hiện tại mà startup này nhập khẩu, trong khi đó, các chi tiết khác đã được sản xuất trong nước theo công nghệ riêng. Dự án này mang tính dài hạn, và nếu có thể thực hiện được thì lợi thế cạnh tranh của Dat Bike ở tầm dài hạn sẽ rất lớn.

Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện tại, ông Sơn cho biết Dat Bike sẽ khó đầu tư để làm nhà máy sản xuất động cơ vào năm 2023 như mục tiêu đã đề ra trước đó, và có thể chuyển qua những năm sau đó.

Lợi nhuận chưa bao giờ là mục tiêu số một của Dat Bike

Ông Sơn nói thêm rằng tất cả vòng gọi vốn của Dat Bike sẽ tập trung chủ yếu vào hai mục tiêu: Nghiên cứu và phát triển các sản phẩm tốt hơn cũng như nâng cao quy mô sản xuất và bán hàng. Trong năm nay, mục tiêu của Dat Bike là ra mắt các mẫu xe mới có thể giúp doanh nghiệp tăng trưởng gấp 10 lần.

“Giai đoạn 2021 – 2022, Dat Bike tăng trưởng hơn 10 lần. Tôi vẫn muốn giữ thành công đó và hy vọng sẽ lặp lại trong năm 2023. Những mục tiêu này không thay đổi, nhưng cách làm sẽ phải thay đổi”, ông Sơn chia sẻ.

Trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện tại, ông Sơn cho biết Dat Bike sẽ rất khó để mở các kênh bán hàng nhanh. Thay vào đó, doanh nghiệp có thể sẽ đi theo các hướng khác, chẳng hạn như làm việc với các đơn vị - đại lý bán xe. CEO Dat Bike cho biết cách làm sẽ phải thay đổi để doanh nghiệp cố gắng đạt được các mục tiêu ngắn hạn.

“Dat Bike đang hy sinh những lợi thế về mặt dài hạn, và doanh nghiệp cũng chưa thể hoạt động tích hợp theo chiều dọc. Ngoài ra, biên lợi nhuận cũng sẽ bị ảnh hưởng, song ở thời điểm hiện tại, lợi nhuận đối với Dat Bike không phải vấn đề quan trọng nhất”, ông Sơn chia sẻ.

“Lợi nhuận chưa bao giờ là ưu tiên số một của Dat Bike, nhất là trong bối cảnh hiện tại. Mục tiêu của Dat Bike là thay đổi thế giới nên lợi nhuận trong ngắn hạn không quan trọng lắm. Tuy nhiên, tất nhiên mỗi xe bán ra vẫn phải có lãi.

Có lãi ở đây không phải vì Dat Bike tập trung vào lợi nhuận mà để chứng minh rằng mô hình kinh doanh của Dat Bike là một mô hình kinh doanh có thể kiếm lời, không chỉ cho nhà đầu tư mà còn cho chính bản thân Dat Bike”, CEO Dat Bike nói thêm.

Dat Bike không phải là một startup quá xa lạ tại Việt Nam. Năm 2019, ông Sơn từng mang Dat Bike lên sóng chương trình truyền hình Shark Tank Việt Nam để gọi vốn. Khi đó, Shark Bình, một “cá mập” trên sóng Shark Tank thừa nhận xe máy điện đang là xu hướng, nhưng thẳng thắn cho biết “sẽ không ai mua xe của Dat Bike”.

"Những gì em đang làm về mặt kinh doanh, về mặt thị trường hơi sai, nhầm thời điểm, nhầm sản phẩm. Anh còn chưa nói đến định giá và mọi thứ. Anh khuyên em hãy nên làm một cái gì đó khác", Shark Bình đưa ra lời khuyên với Dat Bike thời điểm đó. 

Anh Nguyễn