|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

CEO có xứng đáng được trả lương gấp 1.000 nhân viên thông thường?

20:08 | 02/06/2021
Chia sẻ
Các CEO được trả lương bằng hàng nghìn nhân viên không phải chuyện hiếm. Nhưng việc tiết lộ sự thật đó cho công chúng có vẻ đã khiến các công ty thấy khó xử, dẫn đến một số doanh nghiệp quyết định tăng lương cho nhân viên.
CEO có xứng đáng được trả lương bằng 1.000 nhân viên thông thường? - Ảnh 1.

Ông Brian Niccol, CEO của Chipotle. (Ảnh: Bloomberg).

Chuỗi nhà hàng đồ ăn nhanh Chipotle là công ty mới nhất tự nguyện tăng lương nhân viên. Tháng trước, Chipotle thông báo rằng rất nhiều người trong số 76.000 nhân viên làm việc theo giờ sẽ được hưởng mức lương 15 USD/giờ.

Động thái này diễn ra gần như ngay sau khi Chipotle tiết lộ CEO Brian Niccol đã kiếm được gần 3.000 lần mức lương trung vị của nhân viên vào năm 2020, tăng mạnh so với con số gấp 1.136 lần hồi năm 2019. Ông Niccol cũng nằm trong top 10 CEO có mức lương chênh lệch so với nhân viên lớn nhất trong số các công ty nằm trong chỉ số chứng khoán Russell 3000, theo hãng nghiên cứu Equilar.

Liệu hai sự kiện diễn ra liên tiếp trên chỉ là ngẫu nhiên? Hay việc tăng lương cho nhân viên thông thường là dấu hiệu cho thấy những giám đốc cấp cao được trả lương cao nhất bắt đầu cảm thấy xấu hổ?

Trong 4 năm qua, Ủy ban Chứng khoán và Sàn giao dịch Mỹ (SEC) đã yêu cầu doanh nghiệp đại chúng tiết lộ "hệ số chi trả cho CEO" – số tiền CEO nhận được trên mức lương trung vị hàng năm của nhân viên.

Tại nhiều công ty, đặc biệt là các công ty lớn với hàng nghìn lao động lương thấp (hãng bán lẻ, nhà hàng và công ty du lịch), việc CEO được trả lương bằng hàng nghìn nhân viên không phải chuyện hiếm. Theo Equilar, có tới 57 công ty như vậy trong chỉ số Russell 3000.

CEO có xứng đáng được trả lương bằng 1.000 nhân viên thông thường? - Ảnh 2.

Lưu ý: Dữ liệu cho năm tài khóa 2020 kết thúc vào 31/12/2020, trừ Western Digital, Abercrombie & Fitch và Burlington Stores.

Bản thân việc buộc các công ty tiết lộ hệ số chi trả cũng là cả một thành tựu. SEC đã mất đến 5 năm để viết ra quy định và gần 8 năm để thi hành nó.

Theo Bloomberg, khi quy định công bố hệ số chi trả lần đầu được đề xuất năm 2013, chủ đề này thu hút gần 200.000 lượt góp ý. Không có gì đáng ngạc nhiên khi đa số doanh nghiệp kịch liệt phản đối, trong khi đó nhà đầu tư và những người ủng hộ quyền cổ đông thì nhiệt liệt ủng hộ.

Thao túng 

Tuy nhiên, những con số được tiết lộ lại thường bị thao túng. Các công ty đa quốc gia lớn thường loại trừ lao động ở nước ngoài được trả lương thấp hơn, cũng như nhân viên bán thời gian hoặc thời vụ.

Gã khổng lồ dược phẩm Merck đính kèm biểu đồ chi tiết cho thấy 4.000 nhân viên bị loại trừ khỏi cơ sở tính toán. Gần 1/3 trong số đó sống tại Ấn Độ, nơi mà người lao động thường được trả lương thấp hơn hẳn Mỹ. Công ty phụ tùng Aptiv cũng lưu ý rằng hệ số của họ "có thể không hoàn toàn chính xác".

Vài công ty lập luận rằng một số khoản trả cho CEO không nên được tính vào hệ số. Ví dụ, tại Chipotle, ông Niccol được nhận một thù lao lớn theo dạng khuyến khích thành tích có liên quan đến đại dịch COVID-19. Nếu không tính đến phần này, hệ số trả cho CEO của Chipotle sẽ "chỉ" là 1.129 lần.

Nữ phát ngôn viên của Chipotle cho biết khoản thù lao bất thường này "không phản ánh chế độ lương thưởng của ông Niccol trong tương lai". Cô cũng khẳng định quyết định tăng lương nhân viên làm việc cố định lên 15 USD không liên quan đến hệ số chi trả CEO cao ngất ngưởng.

Cho đến nay, việc bắt buộc tiết lộ hệ số chi trả có vẻ không ảnh hưởng lớn đến lương thưởng của giới lãnh đạo doanh nghiệp. Tuy nhiên, quy định này cho công chúng thấy được thù lao của các CEO khủng đến cỡ nào, bao gồm cả những thương hiệu phổ biến nhất.

Ông Kevin Johnson, CEO Starbucks, hồi tháng 1 đã bày tỏ kỳ vọng rằng mọi nhân viên trong chuỗi cửa hàng sẽ kiếm được 15 USD/giờ trong vòng ba năm tới. Số tiền ông được trả năm 2020 gấp 1.211 lần so với mức lương trung vị của nhân viên năm 2020.

Tại McDonald's, hệ số chi trả CEO là 1.189 lần. Gần đây McDonald's thông báo sẽ tăng lương nhân viên tại các cửa hàng do công ty sở hữu lên 15 USD/giờ vào năm 2024.

Những công ty khác - bao gồm Walmart, với hệ số chi trả CEO năm 2020 là 1.078 lần – tiếp tục phản đối đề xuất tăng lương tối thiểu lên 15 USD/giờ của Tổng thống Joe Biden.

Có lẽ quy định tiết lộ hệ số lương CEO đã khiến các công ty khó biện hộ việc trả lương quá thấp cho rất nhiều nhân viên. Các công ty dành nhiều năm để chống lại SEC hẳn đã hiểu rõ một điều: Sự chênh lệch về lương thưởng giữa CEO với nhân viên là điều không hay ho gì, thậm chí là đáng xấu hổ.

Giang

Vì sao Mỹ chật vật với lạm phát hơn châu Âu?
Lạm phát có thể đã giảm mạnh từ các mức cao nhất hàng chục năm qua ở cả hai bờ Đại Tây Dương, nhưng tiến triển ở Mỹ đã chững lại, khiến Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) hiện được dự đoán sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất chậm hơn nhiều so với Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).