|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

CEO 9X chinh phục thế giới bằng trợ lý tài chính ảo

18:15 | 25/01/2018
Chia sẻ
Trợ lý ảo Nami đảm nhận phần lớn công việc của nhà đầu tư để họ có thể quyết định dễ dàng hơn, như quản lý danh mục đầu tư, quản lý rủi ro, cung cấp kiến thức cho nhà đầu tư bằng những câu hỏi ngắn mỗi ngày.

Sinh năm 1990, Giáp Văn Đại thích ngành Tài chính từ khi mới học lớp 11, song khi tốt nghiệp phổ thông, anh lại học lập trình tại FPT-Aftech. Ngay trong lúc học, Đại ứng tuyển vào công ty Hệ thống thông tin FPT (FIS). Sau một thời gian làm thuê cho FIS và một số công ty khác, Đại thành lập công ty MUAEA vào năm 2012 để triển khai mô hình Co-working Space tại Hà Nội. Đối tượng mà mô hình hướng tới là những người khởi nghiệp với số vốn và kinh nghiệm hạn chế.

Vì thay đổi định hướng kinh doanh và cũng vì khó khăn trong gọi vốn, Đại ngừng hoạt động của MUAEA để thành lập Công ty cổ phần Đầu tư và Công nghệ cao toàn cầu PFM Global để chinh phục mảng công nghệ tài chính (Fintech).

Mục tiêu của anh là thành lập các sàn giao dịch tiền tệ, chứng khoán hay thậm chí tiền ảo ở nước ngoài. Khác với sàn giao dịch truyền thống, trong đó cá nhân hay tổ chức lập sàn rồi thuê người điều hành, sàn giao dịch của Đại sẽ do cộng đồng xây dựng.

ceo 9x chinh phuc the gioi bang tro ly tai chinh ao
Giáp Văn Đại, CEO của Công ty cổ phần Đầu tư và Công nghệ cao toàn cầu PFM Global. Ảnh: Chí Phong

“Trợ lý ảo Nami là một công cụ để thực hiện mục tiêu ấy. Nó đảm nhận phần lớn công việc của nhà đầu tư để họ có thể quyết định dễ dàng hơn”, Đại nói. Chẳng hạn, Nami quản lý danh mục đầu tư, quản lý rủi ro, cung cấp kiến thức cho nhà đầu tư bằng những câu hỏi ngắn mỗi ngày.

Nami đang chạy trên nền tảng Facebook Messenger nên người dùng có thể tiếp cận một cách khá đơn giản. Hiện Nami có hai tính năng là miễn phí và trả phí. Với tính năng miễn phí, người dùng có thể kiếm tra chỉ số giá vàng, chỉ số cặp tiền tệ, chỉ số hàng hoá mức độ tăng giảm biến động trên thị trường, gửi tin tức liên quan hay thông báo khi chỉ số giá đã chạm ngưỡng nào đó.

Với tính năng trả phí, người dùng bỏ thêm 40 USD mỗi tháng để đặt lệnh mua bán trực tiếp, xác định các lệnh đang lãi hoặc lỗ, kiểm tra số dư tài khoản.

“Ban đầu công ty muốn hướng tới thị trường đại chúng. Nhưng số lượng nhà đầu tư ở Việt Nam không lớn và rải rác ở nhiều nơi nên hoạt động quảng bá sẽ rất tốn kém và khó, đặc biệt là đối với một start-up có vốn nhỏ. Vì thế, chúng tôi chuyển hướng sang khách hàng VIP. Đó là những người sẵn sàng chi khoản tiền lớn để hưởng những dịch vụ đặc biệt, như nói chuyện với chuyên gia”, Đại kể.

PFM Global – tên của công ty – mang hàm ý Đại và cộng sự hướng ra thị trường nước ngoài, chứ trong tập trung vào thị trường trong nước. Đại nhìn thấy nhiều lợi ích khi hướng ra nước ngoài.

“Ở Việt Nam, số nhà đầu tư vẫn dưới mức 1 triệu, trong khi 45% dân số Mỹ tham gia thị trường chứng khoán. Tình hình ở châu Âu cũng tương tự. Lãi suất cực thấp ở những nước phát triển buộc người dân phải tìm mọi cách để đầu tư, trong khi lãi suất ở Việt Nam khá cao và gửi ngân hàng vẫn là một cách đầu tư an toàn với đa số người dân”, anh nhận xét.

ceo 9x chinh phuc the gioi bang tro ly tai chinh ao
Hiện tại hơn 22.000 người đang sử dụng trợ lý tài chính ảo Nami. Nó có thể xử lý tới 70% công việc hàng ngày của nhà đầu tư.

Để tạo nên Nami, Đại và các cộng sự phải tự học hỏi, tìm tòi, chia sẻ kiến thức với nhau về trí tuệ nhân tạo (AI). Tới tháng 12/2016, Nami chính thức xuất hiện trên Facebook Messenger. Được xây dựng và phát triển trên nền tảng Facebook Messenger, Nami có khả năng xử lý ngôn ngữ tự nhiên để nhận, hiểu và phản hồi nhiệm vụ mà nhà đầu tư đưa ra thông qua các câu chat, tương tác trực tiếp trên Messenger.

Với công nghệ tự học (Machine Learning & AI), NAMI có thể phân tích thói quen, sở thích, kỹ năng của nhà đầu tư để đưa ra những gợi ý, nhắc nhở, giúp nhà đầu tư giảm rủi ro và gia tăng hiệu suất đầu tư. Đại diện nhóm phát triển sản phẩm NAMI cho biết, các nhà đầu tư cá nhân cần nhiều thời gian để tổng hợp, phân tích thông tin, theo dõi giá và chuyển động giá trên thị trường để đưa ra quyết định có đầu tư hay không. Do đó, họ rất cần một trợ lý hiệu quả như NAMI.

Chỉ sau hơn ba tháng chính thức đưa vào hoạt động, NAMI đã có hơn 22 nghìn người sử dụng.

Dưới đây là cuộc trò chuyện giữa Vietnambiz với CEO Giáp Văn Đại

Khi có ý tưởng kinh doanh, anh đo lường mức độ chấp nhận của khách hàng bằng cách nào?

Đôi khi ý tưởng chưa thu hút sự chú ý của khách hàng ngay lập tức. Vì thế, doanh nghiệp phải “giáo dục” khách hàng để họ nhận ra thứ họ cần. Doanh nhân phải đặt ra câu hỏi: Tiếp cận với khách hàng thế nào? Làm sao chúng ta có thể giúp họ hiểu nhu cầu của họ? Tôi thấy hai cách để “giáo dục” khách hàng bao gồm. Thứ nhất, doanh nghiệp cố gắng tiếp cận mọi khách hàng cá nhân để truyền kiến thức cho họ. Thứ hai, doanh nghiệp “giáo dục” vài nhân vật có ảnh hưởng lớn trong một cộng đồng nhất định rồi họ sẽ giúp chúng ta truyền kiến thức cho phần còn lại của cộng đồng. Như vậy, chiến lược tiếp cận thị trường và khách hàng mới là yếu tố quan trọng.

Riêng với PFM Global, để tiếp cận thị trường, chúng tôi xác định cụ thể đối tượng khách hàng, tính toán xem có đủ vốn để thực hiện chiến lược tiếp cận khách hàng hay không. Đó mới khâu quan trọng, quyết định thành công của ý tưởng.

Vốn có phải là vấn đề với anh không?

Thiếu vốn để mở rộng kinh doanh luôn là thách thức lớn trong mọi thời điểm, từ khi bắt đầu khởi nghiệp đến tận bây giờ. Chúng tôi luôn phải cân nhắc nguồn vốn mà công ty có với tham vọng mà chúng tôi muốn đạt tới.

Tuyển và giữ nhân sự có phải là thách thức với anh?

Công ty có 7 người, nhưng đã tuyển khoảng 140 nhân sự từ khi ra đời tới nay. Mọi người đến rồi đi. Phần lớn họ học ĐH Ngoại thương vì họ có ngoại ngữ tốt. Một số người học FPT Aptech, ĐH Bách Khoa. Vì là công ty công nghệ tài chính nên chúng tôi cần những người vừa am hiểu công nghệ, vừa biết về tài chính. Yêu cầu cao, vốn nhỏ nên công ty khó tuyển những người giỏi. Việc thiếu nhân sự giỏi sẽ ảnh hưởng xấu tới chất lượng sản phẩm. Do đó, chúng tôi phải thiết lập quy trình đào tạo nhân sự cụ thể tới từng chi tiết, chẳng hạn như tháng này họ sẽ học gì, tháng sau họ sẽ học gì. Quá trình đào tạo diễn ra trong ít nhất 6 tháng.

Nhưng vì doanh thu chưa ổn định, lương không cao như nhiều ngân hàng hay công ty tài chính, trong khi nhiều công ty lớn khác cũng tìm cách lôi kéo nhân tài nên các nhân sự lần lượt ra đi. Chỉ còn số ít ở lại và tôi trân trọng những bạn đó, bằng cách trao cho họ trọng trách và cổ phần. Có thể họ không phải là những người giỏi nhất, nhưng họ quyết tâm gắn bó với sứ mệnh và tầm nhìn của công ty.

Nhiều bạn dân công nghệ rất giỏi nhưng cảm xúc của họ không ổn định. Nếu công ty thành công, đương nhiên họ thấy vui. Nhưng nếu công ty phải vật lộn để tồn tại, họ sẽ chán nản và khó quay về trạng thái bình thường. Nhiệm vụ của người quản lý lúc ấy là truyền lửa cho họ để họ lấy lại sĩ khí. Kể cả khi người quản lý không đổ lỗi cho nhân viên khi sự cố xảy ra, nhiều bạn vẫn ra đi vì họ không có tính kiên nhẫn. Một số bạn thôi việc nói rằng họ đã làm tới …3 hay 4 tháng rồi mà chưa thấy thành công. Từ những chuyện đó, tôi nghiệm ra rằng, doanh nghiệp chỉ cần những người phù hợp với hoàn cảnh và văn hóa công ty, chứ không nên và cũng không nhất thiết phải cầu người giỏi đến với mình.

Mỗi khi công ty tuyển người mới, chúng tôi luôn có bảng đánh giá năng lực của họ. Nhưng ngoài ra chúng tôi cũng có bảng xếp hạng những người có khả năng gắn bó với công ty lâu dài. Đây là việc rất quan trọng, bởi khi công ty lâm vào cảnh khó khăn, người chủ phải biết những người nào sẽ tình nguyện sát cánh bên họ để vượt qua. Công ty cũng sẽ dành thời gian, nguồn lực để bồi dưỡng những bạn có khả năng gắn bó lâu dài.

Công ty nhỏ, nhân sự ít và khó tuyển người giỏi. Vậy mỗi khi ai đó xin nghỉ việc, anh thuyết phục họ ở lại không?

Mỗi khi một người nghỉ, tinh thần của những người còn lại sẽ xuống, bởi nhân sự ít nên mọi người coi công ty như gia đình. Nhưng tôi không bao giờ thuyết phục những người muốn thôi việc ở lại. Nhiều nhân viên muốn tôi làm thế, nhưng tôi nói với họ: Anh có thể thuyết phục bạn đó, nhưng nếu họ ở lại, liệu họ sẽ làm việc bao lâu? Tôi nghĩ mọi người đều đã trưởng thành, nên phải suy nghĩ kỹ trước khi ra quyết định. Mọi người trong công ty đều hiểu một khi họ đã xin thôi việc thì sẽ không có cơ hội quay lại.

Gia đình phản ứng thế nào khi anh lập công ty ở độ tuổi còn quá trẻ?

Khi tôi thông báo anh sẽ thôi việc để khởi nghiệp, gia đình tôn trọng ý kiến của anh nhưng cũng hoài nghi, bởi tôi từng làm việc cho nhiều công ty lớn, hưởng chế độ đãi ngộ tốt. Đến giờ gia đình vẫn không có khái niệm tôi đang làm gì.

Chí Phong