|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Cầu vồng nào cho Bamboo Airways?

11:11 | 17/08/2024
Chia sẻ
Với niềm tin “sẽ luôn có cầu vồng sau cơn mưa”, ở tuổi lên 6, Bamboo Airways đang nỗ lực phục hồi các đường bay trong nước và quốc tế, bảo toàn thương hiệu hãng hàng không có tỷ lệ đúng giờ cao, dịch vụ tận tâm, hiếu khách, chất lượng…

“Thiên thời, địa lợi…”

Báo cáo mới nhất của Cục Hàng không Việt Nam cho thấy, thị trường hàng không toàn cầu đã phục hồi hoàn toàn, và có tăng trưởng nhẹ (3%) so với cùng kỳ năm trước dịch Covid-19. Thị trường nội địa cũng ghi nhận những tín hiệu tích cực. Trong sáu tháng đầu năm nay, tổng thị trường hành khách ước đạt 38,1 triệu khách, tăng 6,7% so với cùng kỳ 2023. Tổng thị trường hàng hóa ước đạt 599 nghìn tấn, tăng 22% so với cùng kỳ 2023.

Cùng với những tín hiệu khả quan về lưu lượng hành khách, việc đẩy mạnh đầu tư hạ tầng hàng không đang tạo động lực quan trọng thúc đẩy ngành hàng không Việt Nam tăng tốc phát triển, mở ra nhiều tiềm năng trở thành hub hàng không của khu vực Đông Nam Á.

Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành đang gấp rút “về đích” đúng tiến độ, dự kiến đi vào khai thác năm 2026, tạo lực đẩy cực lớn cho ngành hàng không Việt Nam trong tương lai. Bên cạnh đó, việc nâng cấp, mở rộng các sân bay lớn như Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Đà Nẵng cũng đang được chú trọng, tháo gỡ những bất cập để đẩy nhanh tiến độ.

Hiện Việt Nam có 22 cảng hàng không đang khai thác thương mại. Theo “Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050” vừa được Chính phủ ban hành, dự kiến giai đoạn 2021 – 2025 sẽ hoàn thành công tác lập quy hoạch 30 cảng hàng không, trong đó có 14 cảng hàng không quốc tế.

Nhiều sân bay địa phương như Liên Khương (Đà Lạt), Chu Lai (Quảng Nam) đã được thông qua ngân sách đầu tư để trở thành sân bay quốc tế, sau nhiều năm chờ đợi. Các sân bay ngách ở các địa phương có tiềm năng về du lịch và đầu tư như Điện Biên, Côn Đảo, Cà Mau cũng bắt đầu có động thái triển khai kế hoạch nâng cấp hạ tầng để đón được máy bay có trọng tải lớn.

 Tau bay của Bamboo Airways. (Ảnh: Bamboo Airways).

Cục Hàng không Việt Nam cho biết, trong giai đoạn tới, Cục sẽ tiếp tục chỉ đạo các hãng hàng không thực hiện các giải pháp để tải cung ứng 2024 không thấp hơn so 2023, như tối ưu hóa thời gian khai thác máy bay trong ngày, giảm thời gian quay đầu máy bay, tăng cường các chuyến bay sau 22h... Đồng thời Cục sẽ phối hợp với các hãng hàng không, các cơ quan ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài, nắm bắt các nhu cầu để hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho các hãng hàng không mở mới, tăng cường các đường bay giữa Việt Nam và các quốc gia/vùng lãnh thổ, đặc biệt là các đường bay kết nối đến điểm du lịch như Đà Nẵng, Cam Ranh, Phú Quốc, Đà Lạt.

Đây là những yếu tố hết sức quan trọng để các hãng hàng không nội địa xây dựng chiến lược phát triển trung và dài hạn, đón đầu sự tăng trưởng của thị trường hàng không nội địa và quốc tế.

…nhân hòa

Trong bối cảnh đó, Bamboo Airways – hãng bay đang đón sinh nhật tuổi lên 6 và chờ đón “cầu vồng” sau “cơn mưa” khó khăn, dường như càng có cơ sở củng cố niềm tin.

Hiện nay, dù đội bay đã giảm xuống con số khá khiêm tốn – 8 chiếc và chỉ còn 7,4% thị phần hàng không nội địa, nhưng có lẽ với Bamboo Airways, đây không phải là những con số tiêu cực sau khi Hãng hoàn tất quá trình tái cấu trúc “sâu rộng và toàn diện bậc nhất ngành hàng không Việt Nam”.

Bỏ lại phía sau những “ánh hào quang” một thời về một hãng bay có tốc độ phát triển thần tốc về quy mô đội tàu, mạng bay và thị phần, Bamboo Airways sau lần “đạp phanh” tái cấu trúc đã và đang bắt đầu lại với những con số máy bay, đường bay khiêm tốn hơn, nhưng các chỉ số tài chính tốt dần.

Tính tới mùa hè 2024, Bamboo Airways đã cơ bản hoàn thành tái cấu trúc đội máy bay, tập trung phát triển theo định hướng khai thác đơn dòng tàu bay, với 8 tàu Airbus A321/A320. Đại diện Bamboo Airways cho biết hãng sẽ thuê thêm 1 tàu trong quý 4/2024. Thậm chí vẫn có thể đón thêm tàu để tăng lên quy mô 12 tàu (thêm 4 tàu so với hiện tại) vào cuối năm 2024 và 18 tàu vào năm 2025 nếu thị trường máy bay cho phép.

Nếu như trước đây, Bamboo Airways sở hữu đội bay đa chủng loại, đa dạng tầm bay, hướng đến mạng bay phủ sóng rộng rãi liên vùng, liên châu lục thì nay, hãng tập trung khai thác một dòng tàu bay thân hẹp, dễ dàng kết nối đến các sân bay nội địa, kể cả các sân bay nhỏ sau khi đã được nâng cấp (ví dụ sân bay Côn Đảo). Dòng máy bay này cũng cho phép Bamboo Airways khai thác hiệu quả các đường bay quốc tế trong khu vực Đông Nam Á, Đông Bắc Á… mà hiện hãng đang khai thác theo hình thức bay thuê chuyến du lịch.

Bamboo Airways cho thấy nỗ lực tối ưu hiệu quả thương mại trên toàn mạng bay, nâng cấp chính sách chăm sóc khách hàng, hỗ trợ các đối tác, đại lý trong và ngoài nước. Nhờ đó, hãng ghi nhận doanh thu tăng trưởng, tỷ lệ lỗ, nợ giảm đáng kể, ghế suất tăng, sạch nợ thuê máy bay… Đây là cơ sở để CEO Bamboo Airways Lương Hoài Nam khẳng định hãng đã cơ bản hoàn tất quá trình tái cấu trúc và hướng tới mục tiêu giảm lỗ mạnh mẽ trong năm 2024, hòa vốn từ năm 2025, có lãi ở các năm tiếp theo và niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán trong vòng 3 năm tới.

Mới đây, Bamboo Airways tiếp tục được tổ chức xếp hạng hàng không quốc tế Skytrax đánh giá trong Top 5 hãng bay khu vực tốt nhất châu Á. Ở trong nước, Bamboo Airways vẫn nằm trong Top đầu về tỷ lệ bay đúng giờ. Chất lượng dịch vụ của Hãng được khách hàng yêu thích, khen ngợi. Rõ ràng, Bamboo Airawys có được các điều kiện cần và đủ để hồi phục và phát triển ổn định trong dài hạn, nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút nguồn lực chất lượng từ các nhà đầu tư chiến lược trong và ngoài nước.

Bamboo Airways giờ đây không còn ở trong ánh hào quang cũ, sẵn sàng chấp nhận thực tại, dũng cảm bay qua những cơn mưa bão để hướng về tương lai. Và với những yếu tố thiên thời (thị trường hàng không toàn cầu hoàn toàn hồi phục kể từ cuối năm 2024), địa lợi (thị trường nội địa đang được đầu tư lớn về hạ tầng để bứt phá), nhân hòa, có cơ sở để tin tưởng cánh bay Tre Việt sẽ còn tiếp tục vươn cao, vươn xa “đón cầu vồng”…

Bích Thu