Câu hỏi ‘lãi suất’ lơ lửng trên đầu các ngân hàng trung ương
Hãy cùng xem 4 ngân hàng trung ương được quan tâm nhất thời điểm này có thể làm gì trong năm 2017 và những rủi ro họ phải đối mặt.
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed): Tăng, tăng nữa, tăng mãi
Các nhà phân tích dự báo Fed sẽ tăng lãi suất ít nhất 2 lần trong năm 2017.
Chiến lược gia Alex Dryden của JP Morgan Asset Management cho rằng, nếu lạm phát tăng trong năm 2017, Fed có thể tăng lãi suất 3-4 lần. Đây là một chu kỳ khá dễ đoán bởi tình hình kinh tế Mỹ đang khá khả quan. Tuy nhiên, đa phần thị trường không đồng tình với ý kiến của ông Dryden.
Diễn biến lãi suất của Fed trong vòng 10 năm qua
Theo nhà kinh tế trưởng Joseph LaVorgna của Deutsche Bank, Fed sẽ không thúc đẩy quá nhanh tiến trình bình thường hóa lãi suất.
Hồi đầu tháng 12, Chủ tịch Fed – bà Janet Yellen – cho biết ngân hàng trung ương Mỹ sẽ tăng lãi suất 3 lần trong năm 2017 nếu tình hình kinh tế không có nhiều biến động lớn ảnh hưởng tới dự báo kinh tế của tổ chức này.
Ông LaVorgna nhận định mối đe dọa lớn nhất tới Fed là các sự kiện địa chính trị.
Ông Dryden tin rằng chính sách tiền tệ sẽ bị ảnh hưởng bởi sự chậm chễ của Quốc hội trong quá trình phê duyệt chính sách kinh tế của tân Tổng thống Donald Trump. Trong khi đó, vị chuyên gia của Deutsche Bank tỏ ra không mấy quan tâm về vấn đề này.
Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB): Giảm, giảm nữa, giảm mãi?
Bức tranh của ECB khá phức tạp. Khu vực sử dụng đồng Euro không tăng trưởng mạnh trong thời gian gần đây và ngân hàng trung ương này đang ở rất xa mức lạm phát mục tiêu 2%. Năm 2017 sẽ chứng kiến một số cuộc bầu cử quan trọng. Sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân túy có thể thay đổi tình hình chính trị tại khu vực và buộc ECB phải tiếp tục duy trì chính sách nới lỏng tiền tệ.
Hồi đầu tháng 12, Chủ tịch ECB – ông Mario Draghi – tuyên bố gia hạn chương trình nới lỏng định lượng nhưng số tiền bỏ ra mua trái phiếu sẽ giảm từ 80 tỷ Euro xuống 60 tỷ Euro từ tháng 4/2017.
Diễn biến lãi suất của ECB trong vòng 10 năm qua
Nhà kinh tế cao cấp Elwin de Groot của Rabobank cho rằng ECB sẽ tiếp tục duy trì lập trường kinh tế linh hoạt theo thị trường cho tới năm 2018 hoặc thậm chí lâu hơn nữa.
Theo ông de Groot, ECB sẽ điều chỉnh việc mua sắm tài sản từ tháng 4 để chuẩn bị cho sự kết thúc của chương trình này. Nhiều khả năng, ECB sẽ phải chờ tới quý III/2018 để có đủ điều kiện tăng lãi suất.
Bên cạnh đó, những rủi ro chính trị cũng đang rất rõ ràng. Nếu các đảng phản đối EU chiến thắng trong năm 2017, nhiều quốc gia có thể nối gót nước Anh. Mức độ rủi ro vẫn đang ở mức thấp nhưng những bất ổn chính trị từ cả trong và ngoài khu vực, đặc biệt là tại Mỹ, có thể khiến mọi chuyện chuyển biến nhanh chóng.
Ngân hàng Trung ương Anh (BOE): Tất cả phụ thuộc vào tăng trưởng
Chủ tịch BOE – ông Mark Carney – nhanh chóng nới lỏng chính sách tiền tệ sau khi 51,8% số phiếu bầu tại Anh ủng hộ Brexit. Lãi suất liên ngân hàng giảm xuống mức 0,25%, chương trình nới lỏng định lượng được bơm thêm 70 tỷ Bảng Anh (88 tỷ USD) và trái phiếu doanh nghiệp được thêm vào danh sách tài sản cần mua của BOE.
Diễn biến lãi suất của BOE trong vòng 10 năm qua
Hầu hết các nhà phân tích đều dự báo tình hình sẽ không thay đổi trong năm 2017 bởi tăng trưởng kinh tế tiếp tục ở mức thấp và lạm phát tăng.
Nhà kinh tế trưởng Philip Shaw của Investec cho rằng BOE sẽ giữ lãi suất ở mức 0,25% trong bối cảnh tăng trưởng chậm nhưng chưa quá yếu và lạm phát hạ nhiệt vào cuối năm sau khi đạt đỉnh 3,5%.
Nhà kinh tế cao cấp Kallum của Berenberg cũng nhận định rằng khả năng BOE thay đổi lập trường trong năm 2017 là rất thấp.
Ông Pickering cho biết tăng trưởng Anh ở mức bình thường (1,5%) trong năm 2016 trong bối cảnh bất ổn Brexit bao trùm nền kinh tế. Tỷ lệ người có việc làm ở mức cao trong khi lãi suất tăng nhờ sự mất giá của đồng Bảng Anh. Những yếu tố này là điều kiện để duy trì chính sách thay vì thay đổi nó.
Tuy nhiên, tất cả sẽ phụ thuộc vào vấn đề tăng trưởng. Nếu GDP và nhu cầu tiêu thụ tại Anh bất ngờ giảm, BOE có thể tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ. Nhưng nếu tăng trưởng được cải thiện trong năm 2017, lạm phát sẽ tiếp tục nóng lên.
Ông Pickering cho rằng, với lập trường cứng rắn hiện nay, nếu Thủ tướng Anh – bà Theresa May – không có những chính sách thúc đẩy tăng trưởng, nguồn cung có thể bị ảnh hưởng nặng nề hơn nhu cầu. Do đó, Brexit có thể thúc đẩy lạm phát trong dài hạn, buộc BOE phải nâng lãi suất. Trong trường hợp nền kinh tế nước này phát triển ổn định trong tương lai gần, thị trường có thể bắt đầu yêu cầu BOE tăng lãi suất từ đầu năm 2017.
Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ): Chờ đợi bất ngờ
Giám đốc quản lý Hiroshi Ugai của JP Morgan dự báo BOJ sẽ giữ nguyên lãi suất trong năm 2017 và chỉ khi lạm phát đạt 2%, chúng ta mới thấy được sự thay đổi.
Diễn biến lãi suất của BOJ trong vòng 10 năm qua
Hồi tháng 9/2016, BOJ khiến tất cả bất ngờ khi thay đổi mạnh mẽ các chính sách: thay đổi mục tiêu tiền tệ để tập trung vào lãi suất trái phiếu. Cùng lúc, Thống đốc Haruhiko Kuroda khẳng định sẽ tiếp tục các biện pháp kích thích kinh tế trong trường hợp cần thiết để đảm bảo lạm phạt sẽ sớm tăng lên mức mục tiêu.
Giám đốc nghiên cứu Michael Every của Rabobank dự báo BOJ sẽ tiếp tục duy trì và tìm cách mở rộng chính sách nới lỏng định lượng. Tuy nhiên, lãi suất tăng tại Mỹ và sự trỗi dậy của chủ nghĩa bảo hộ trên phạm vi toàn cầu sẽ khiến BOJ phải nhanh chóng thay đổi chính sách.