|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Cắt giảm nợ bảo lãnh Chính phủ để kiểm soát nợ công

19:48 | 29/10/2016
Chia sẻ
Trong số các giải pháp kiểm soát nợ công mà Chính phủ đang trình Quốc hội, có việc cắt giảm mạnh bảo lãnh Chính phủ - Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cho biết trong buổi Họp báo thường kỳ tháng 10 của Chính phủ diễn ra vào chiều nay 29/10.

Cụ thể, 6 nhóm giải pháp mà Chính phủ đưa ra bao gồm:

(1) Kiểm soát tốc độ gia tăng nợ công thấp hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế, tỉ lệ trượt giá; kiểm soát chặt chẽ bội chi ngân sách nhà nước; đầu tư của Nhà nước chỉ tập trung vào các lĩnh vực trọng yếu của nền kinh tế, có sức lan tỏa lớn.

(2) Xây dựng, điều hành thực hiện các kế hoạch tài chính ngân sách, kế hoạch vay, trả nợ công giai đoạn 5 năm và hàng năm cần bảo đảm dự phòng cho các rủi ro có thể phát sinh như giá dầu, tỷ giá, các nghĩa vụ nợ tiềm ẩn, các rủi ro bất khả kháng để bảo đảm các chỉ tiêu nợ trong giới hạn cho phép.

(3) Cắt giảm mạnh bảo lãnh Chính phủ, kiểm soát chặt chẽ bội chi và nợ chính quyền địa phương; ưu tiên bố trí nguồn tăng thu, tiết kiệm chi cho chi trả nợ để giảm nợ công, nợ Chính phủ.

(4) Nâng cao hiệu quả đầu tư công, khuyến khích đầu tư theo các hình thức đối tác công tư; thu hẹp đối tượng sử dụng nợ công, chỉ tập trung vào các công trình, dự án trọng điểm, bảo đảm khả năng trả nợ; gắn trách nhiệm giải trình của các Bộ, ngành, địa phương với việc phân bổ và hiệu quả sử dụng vốn vay.

(5) Tiếp tục tái cơ cấu nợ công; thúc đẩy phát triển thị trường vốn trong nước, ưu tiên phát triển nhà đầu tư dài hạn và đa dạng hóa công cụ nợ, mở rộng cơ sở nhà đầu tư.

(6) Tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ, thể chế, chính sách quản lý nợ công, phù hợp với tình hình nước ta và thông lệ quốc tế; hoàn thiện các công cụ quản lý nợ chủ động.

Trước đó, trong phiên họp Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Tài chính – ngân sách cho biết, Chính phủ đề xuất nâng chỉ tiêu giới hạn nợ Chính phủ từ mức 50% GDP hiện nay lên mức trần 55%.

“Chiến lược Tài chính đến năm 2020 phù hợp với quy định của Luật Quản lý nợ công và có tham khảo khuyến cáo của các tổ chức tài chính quốc tế. Tại Chiến lược này, Chính phủ đã xác định mục tiêu đến năm 2020 là nợ công không quá 65% GDP, nợ Chính phủ không quá 55% GDP”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết.

Theo báo cáo mới đây của Chính phủ, nợ công năm 2015 ở mức 50,3% GDP và dự kiến sẽ lên mức trên 53% GDP trong giai đoạn 2016 – 2019. Nguyên nhân, theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng là do Chính phủ phải huy động nguồn vốn để bù đắp bội chi và đầu tư phát triển.

“Việc xác định chỉ tiêu nợ Chính phủ không quá 55% GDP cũng hợp lý giữa các cấu phần nợ công theo hướng giảm nghĩa vụ nợ dự phòng từ bảo lãnh Chính phủ đồng thời kiểm soát mức dư nợ chính quyền địa phương”, Bộ trưởng Dũng nói.

Hoành San

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.