|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Chính phủ nói gì khi Việt Nam tụt 4 bậc trong xếp hạng năng lực cạnh tranh?

21:53 | 04/10/2016
Chia sẻ
Mặc dù theo kết quả công bố tại Báo cáo Năng lực cạnh tranh toàn cầu 2016 - 2017 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, Việt Nam giảm 4 bậc so với năm ngoái, tuy nhiên theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, thực tế, môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam đã có nhiều cải thiện rất tích cực.
chinh phu noi gi khi viet nam tut 4 bac trong xep hang nang luc canh tranh

Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) vừa công bố Báo cáo Năng lực cạnh tranh toàn cầu 2016-2017 (Global Competitiveness Report 2016-2017). Theo đó, Việt Nam xếp ở vị trí 60, giảm 4 bậc so với năm ngoái.

Đề cập đến kết quả này, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Người phát ngôn Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết: Trong các năm gần đây, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đặc biệt quan tâm đến cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Trong 3 năm liền Chính phủ đã ban hành các Nghị quyết số 19 (năm 2014, 2015, 2016) đề ra và tổ chức thực hiện quyết liệt, đồng bộ các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Chính phủ cũng đã thành lập Hội đồng quốc gia về Phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh để tham mưu, tư vấn giúp Chính phủ chỉ đạo công tác quan trọng này. Trên thực tế, môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam đã có nhiều cải thiện rất tích cực.

Ông Dũng dẫn Báo cáo Năng lực cạnh tranh toàn cầu 2016-2017 do WEF vừa công bố cho biết, năng lực cạnh tranh của Việt Nam tụt 4 bậc so với năm trước chủ yếu do nguyên nhân tuy chỉ số của ta vẫn cải thiện hơn năm trước, nhưng do tốc độ chậm hơn so với nhiều nước, nhất là chỉ số về mức độ sẵn sàng công nghệ, đổi mới sáng tạo, chất lượng kết cấu hạ tầng.

"Kết quả đánh giá qua các năm cũng cho thấy, Việt Nam cần phải cố gắng nỗ lực nhiều nhanh hơn nữa trong vấn đề này, nhất là trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu ngày càng gay gắt", ông Dũng nói.

Ông Dũng cũng cho biết: Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Tập trung thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 19; khắc phục các bất cập, nâng cao chất lượng thể chế, thực hiện quyết liệt các khâu đột phá chiến lược...

Chính phủ cũng khẳng định, tiếp tục thực hiện nhất quán tái cơ cấu tổng thể và đồng bộ nền kinh tế, trong đó có tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước (trọng tâm là tập đoàn, tổng công ty), cơ cấu lại thị trường tài chính (trọng tâm là hệ thống ngân hàng thương mại và các tổ chức tài chính, xử lý hiệu quả nợ xấu…) và tái cơ cấu đầu tư (trọng tâm là đầu tư công gắn với cơ cấu lại thu chi ngân sách, bảo đảm an toàn nợ công)...

Theo Mạnh Nguyễn

Bizlive