|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Cắt bớt 'quyền lực' của Hiệp hội Lương thực Việt Nam

07:41 | 06/05/2017
Chia sẻ
Bộ Công Thương đang lấy ý kiến dự thảo Nghị định về điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo theo hướng bãi bỏ các quy định không hợp lý về quy mô kho chứa, cơ sở xay, xát thóc gạo,... Ngoài ra, dự thảo nghị định cũng giảm bớt vai trò của Hiệp hội Lương thực Việt Nam trong việc xuất khẩu gạo.

Cụ thể, dự thảo Nghị định kinh doanh xuất khẩu gạo quy định về điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo theo hướng không quy định điều kiện về quy mô kho chứa, cơ sở xay, xát thóc gạo, không khống chế địa bàn đầu tư xây dựng các cơ sở này.

Đây là điểm thay đổi đáng chú ý so với Nghị định 109 khi đưa ra các tiêu chí về kho chứa, cơ sở xay, xát thóc gạo,... khiến nhiều thương nhân bị loại khỏi "cuộc chơi" xuất khẩu gạo Việt Nam.

Để đảm bảo hoạt động xuất khẩu gạo, dự thảo thay thế Nghị định 109 chỉ quy định yêu cầu các cơ sở này phải đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia do Bộ NN-PTNT ban hành; đảm điều kiện về an toàn thực phẩm và đã được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định của Luật An toàn thực phẩm.

cat bot quyen luc cua hiep hoi luong thuc viet nam

Xuất khẩu gạo dần được cởi trói.

Ngoài ra, dự thảo bổ sung quy định đối với thương nhân đã xây dựng vùng nguyên liệu hoặc liên kết sản xuất, tiêu thụ thóc, gạo theo lộ trình do Bộ Công Thương ban hành thì không cần điều kiện về kho chứa, cơ sở xay xát thóc, gạo.

Bên cạnh đó, dự thảo bổ sung quy định đối với mặt hàng gạo hữu cơ, gạo đồ, gạo tăng cường vi chất dinh dưỡng, gạo dược liệu, thương nhân được xuất khẩu không hạn chế về số lượng, không cần đáp ứng điều kiện kinh doanh, không cần cấp giấy chứng nhận; khi xuất khẩu chỉ cần thực hiện thông báo hợp đồng xuất khẩu, thủ tục xuất khẩu thực hiện tại cơ quan Hải quan.

Lý do, theo Bộ Công Thương, thực tế có một số doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu mặt hàng gạo đặc sản, hữu cơ với số lượng nhỏ, nhu cầu và khả năng đầu tư xây dựng kho chứa, cơ sở xay, xát thóc gạo còn hạn chế nên không đáp ứng điều kiện theo quy định như trường hợp Doanh nghiệp tư nhân Cỏ May (Đồng Tháp), Công ty CP Thương mại và Sản xuất Viễn Phú (Cà Mau).

Trong điều kiện thị trường khó khăn, với định hướng xây dựng thương hiệu, nâng cao giá trị, sức cạnh tranh, xây dựng thương hiệu của sản phẩm, đối với trường hợp thương nhân sản xuất, xuất khẩu mặt hàng gạo có chất lượng, giá trị gia tăng cao (gạo hữu cơ, gạo dinh dưỡng, gạo đồ.v.v.) thì không nên quy định điều kiện kinh doanh và cần cơ chế thông thoáng để doanh nghiệp được tự do xuất khẩu.

Ngoài ra, liên quan đến vai trò của Hiệp hội Lương thực Việt Nam VFA), dự thảo Nghị định cũng đã giảm đi nhiều quyền của Hiệp hội này trong việc điều phối xuất khẩu gạo.

Cụ thể dự thảo bãi bỏ Điều 18 quy định tiêu chí đăng ký hợp đồng xuất khẩu gạo và Điều 19 quy định giá sàn gạo xuất khẩu vốn được trao cho Hiệp hội Lương thực Việt Nam tại Nghị định số 109/2010/NĐ-CP

Tại Nghị định 109, việc đăng ký hợp đồng xuất khẩu gạo giao cho VFA thực hiện. Thế nhưng, thời gian qua, xung quanh việc tổ chức đăng ký hợp đồng của Hiệp hội này có nhiều ý kiến phản đối, cho rằng tiềm ẩn nguy cơ đối với việc bảo mật thông tin giá cả, khách hàng của doanh nghiệp khi đăng ký hợp đồng; coi đây là một thủ tục cản trở xuất khẩu cần bãi bỏ để tạo thuận lợi, thông thoáng cho doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh.

Theo quy định tại Điều 19 Nghị định 109, Bộ Tài chính là cơ quan hướng dẫn phương pháp xác định giá sàn gạo xuất khẩu. Căn cứ hướng dẫn của Bộ Tài chính, VFA công bố giá sàn gạo xuất khẩu trong từng thời kỳ, làm cơ sở cho việc ký kết và đăng ký hợp đồng xuất khẩu.

Nhưng trong đợt sửa đổi Nghị định 109 này, Bộ Tài chính đã đề nghị bỏ quy định này vì cho rằng việc công bố giá sàn trên thực tế chưa phù hợp với diễn biến giá cả thị trường, mang tính hình thức, gây khó khăn cho việc giao dịch, ký kết hợp đồng của thương nhân.

Thực tế cho thấy, giá sàn được áp dụng những năm qua nhiều khi chỉ mang tính tượng trưng, hình thức, trong khi giá cả thị trường biến động mau chóng và rất phức tạp do nhiều yếu tố. Việc quyết định giá cả liên quan trực tiếp đến lợi ích của thương nhân xuất khẩu, do thị trường điều tiết theo các quy luật của thị trường. Mặt khác, cho đến nay, chưa có báo cáo chính thức nào về việc phát hiện, xử lý vi phạm giá sàn gạo xuất khẩu.

Lương Bằng

VDSC: Dự trữ ngoại hối đã hao hụt đáng kể trong năm 2024
Các chuyên gia phân tích của VDSC cho rằng bộ đệm để ứng phó với áp lực tỷ giá là dự trữ ngoại hối đã hao hụt đáng kể trong năm 2024, ước tính khoảng 8-10 tỷ USD. Điều này khiến cho tỷ giá dễ biến động khi có áp lực về luồng ngoại tệ rút ra.