|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Cấp thiết xây dựng chỉ dẫn địa lý tỏi Lý Sơn

11:55 | 22/10/2018
Chia sẻ
Chậm xây dựng chỉ dẫn địa lý cho nông sản, chuyện mất thương hiệu trên thị trường là điều khó tránh khỏi.

Đồng thau lẫn lộn

Tỏi - cây trồng đặc trưng, chủ lực trên huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi). Cùng với cây hành, tỏi Lý Sơn từ lâu vốn đã nổi tiếng trên thị trường cả trong lẫn ngoài nước. Tỏi Lý Sơn có mùi thơm đặc trưng, vị cay nhưng vẫn dịu ngọt. Đặc biệt, bên cạnh làm gia vị, chế biến thực phẩm, tỏi Lý Sơn còn là nguồn dược liệu quý giá chữa được nhiều bệnh nhất là về tiêu hóa và tim mạch...

cap thiet xay dung chi dan dia ly toi ly son
Cần sớm xây dựng chỉ dẫn địa lý cho tỏi Lý Sơn

Thế nhưng, gần đây loại nông sản được mệnh danh là “vàng trắng” của địa phương này lại đang đứng trước nguy cơ mất thương hiệu trên thị trường do tình trạng đồng thau lẫn lộn.

Trên thực tế, thời gian gần đây tình trạng tỏi giả, tỏi kém chất lượng đang được nhiều tư thương tuồn về Lý Sơn. Theo đó, chỉ tính từ đầu năm 2018 đến nay, cơ quan chức năng ở địa phương đã phát hiện nhiều trường hợp tỏi từ các nơi khác được vận chuyển ngược ra “vương quốc” tỏi.

Thậm chí, có trường hợp vận chuyển tỏi cả bằng đường bưu điện để ra đảo. Nguyên nhân chính, khiến sản phẩm tỏi từ các nơi khác đổ dồn về địa phương là do chênh lệch giá, khi ăn theo thương hiệu tỏi Lý Sơn. Giá các loại tỏi bình thường trên đảo khoảng 120 nghìn đồng/kg.

Nhưng, ở những nơi khác như tại Khánh Hòa chỉ khoảng 40 nghìn đồng/kg. Chênh lệch lên đến hàng chục nghìn đồng/kg khiến nhiều người tham gia. Chưa kể, đến các loại tỏi quý hiếm hơn như tỏi “cô đơn”, chênh lệch còn lên đến hàng trăm nghìn đồng/kg. Cụ thể, các loại tỏi “cô đơn” trồng ở trong đất liền chỉ dao động khoảng 200 nghìn đồng/kg. Tuy nhiên, nếu mang trót lọt ra đảo Lý Sơn, rồi gắn mác tỏi “cô đơn” xịn được trồng trên đảo này có giá lên đến hơn 1 triệu đồng/kg...

Chị Bùi Thanh Nga, trú tại TP. Đà Nẵng vừa có chuyến du lịch tại Lý Sơn kể lại, trước khi ra đảo đã được cảnh báo, khéo mua phải... tỏi giả. Ra đến đảo, thấy bày bán rất nhiều các sản phẩm tỏi hành, không có kinh nghiệm nên đành phải nhờ người quen sinh sống trên đảo mua giúp...

Được biết, hầu hết các loại tỏi từ trong đất liền mang ra Lý Sơn chủ yếu được trồng ở Ninh Hiển, thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa). Nếu nhìn bằng mắt thường rất khó phân biệt được đâu là tỏi Ninh Hiển hay tỏi “xịn” được trồng tại đảo Lý Sơn. Ngay cả những người trồng tỏi ở Lý Sơn cũng khó để có thể nhận ra đâu là sản phẩm của mình, huống gì là các “thượng đế” bình thường.

Thực tế, giống tỏi ở Ninh Hiển cũng chính là giống tỏi được lấy từ Lý Sơn... Với việc đồng thau lẫn lộn, đã và đang gây ảnh hưởng lớn đến thương hiệu tỏi và gây bức xúc cho nhiều hộ nông dân ở Lý Sơn. Thương hiệu tỏi Lý Sơn, từng được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) công nhận thương hiệu nhãn hiệu tập thể từ năm 2009. Thế nhưng, kể từ sau khi mặt hàng này được công nhận thương hiệu, có uy tín trên thị trường thì việc bảo vệ thương hiệu lại gặp rất nhiều khó khăn.

Cần ngăn chặn tận gốc

Trước tình trạng thương lái đưa tỏi từ đất liền ra đảo, rồi gắn mác tỏi Lý Sơn để thu lợi bất chính, các cơ quan chức năng ở địa phương đã và đang thực hiện nhiều giải pháp để bảo vệ thương hiệu cho tỏi Lý Sơn. Hiện, cơ quan chức năng ở địa phương vẫn đang tập trung rà soát, kiểm tra các chủ tàu hàng nhằm phát hiện ngăn chặn tình trạng chở tỏi từ đất liền ra đảo.

Tuy nhiên, theo nhiều người giải pháp này mới chỉ giải quyết được phần ngọn. Bởi, tỏi được vận chuyển ra đảo không hề dán nhãn mác tỏi Lý Sơn nên ở góc độ pháp lý, đây chỉ là việc thông thương hàng hóa bình thường, chưa kể việc vận chuyển cũng rất tinh vi.

Người viết (PV) từng nhiều lần theo các chuyến tàu từ cảng Sa Kỳ ra Lý Sơn. Người viết từng chứng kiến, trên một chuyến tàu, tiểu thương đã cho đóng tỏi giả vào các thùng xốp, rồi trà trộn cùng những thùng trái cây, thực phẩm... qua mắt lực lượng chức năng để ra đảo. Khi tàu vừa cập đảo, những thùng xốp này nhanh chóng được đưa lên bờ, rồi chở đi mất hút.

Ngoài việc tiểu thương lén lút đưa các sản phẩm tỏi giả Lý Sơn ra đảo, thì chính những sơ hở trong việc bảo vệ thương hiệu nông sản cũng đã khiến tình trạng thật giả lẫn lộn càng khó kiểm soát. Trên thực tế hiện nay, các hộ dân trồng tỏi trên đảo sau khi thu hoạch đều đưa tỏi ra thị trường tiêu thụ thông qua các đại lý. Về phần các đại lý kinh doanh tỏi Lý Sơn trên đảo đều làm bao bì hết sức hời hợt.

Hầu hết, tỏi được đựng trong những bao lưới, với nhãn mác rất đơn giản, rất dễ làm nhái. UBND tỉnh Quảng Ngãi cũng từng có những cảnh báo về vấn đề này và có văn bản yêu cầu huyện Lý Sơn sớm hỗ trợ Hội Sản xuất kinh doanh và chế biến hành tỏi Lý Sơn xây dựng nhãn hiệu, logo, tem chống giả cho tỏi Lý Sơn chính thống thay vì để các hộ kinh doanh làm tự phát.

Theo đại diện UBND huyện Lý Sơn, tỏi Lý Sơn hiện mới ở mức là công nhận nhãn hiệu. Bởi vậy, một số tư thương lợi dụng nhãn hiệu này để trà trộn, lấy danh nghĩa tỏi Lý Sơn để kinh doanh. Điều này, khiến nhiều người trồng tỏi trên đảo bức xúc. Người tiêu dùng lẫn các du khách đều có những băn khoăn, đắn đo khi chọn mua các sản phẩm hành, tỏi ngay ở trên đảo.

Được biết, huyện đảo Lý Sơn cũng đã có kế hoạch thành lập chợ đêm để bán các mặt hàng đặc trưng ở địa phương, trong đó có tỏi “xịn” Lý Sơn cho du khách. Những người buôn bán trong chợ phải cam kết không bán các loại tỏi ngoài, với giá được niêm yết.

Tuy nhiên, về lâu dài để bảo vệ thương hiệu cho tỏi Lý Sơn, ngoài việc tăng cường kiểm soát, ngăn chặn việc vận chuyển tỏi từ đất liền ra đảo hay thành lập chợ đêm... theo nhiều người cần cấp thiết xây dựng chỉ dẫn địa lý tỏi Lý Sơn. Cũng như các nông sản khác, lợi ích từ xây dựng chỉ dẫn địa lý cho tỏi Lý Sơn sẽ mang lại giá trị gia tăng cho nhà sản xuất; Ngăn chặn tình trạng hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng.

Đặc biệt, khi có chỉ dẫn địa lý rõ ràng thì sẽ có những quy định về chế tài xử lý những trường hợp vi phạm. Có như vậy, mới mong ngăn chặn được vấn nạn đồng thau lẫn lộn như hiện nay, góp phần bảo vệ thương hiệu cho một trong những nông sản nổi tiếng ở miền Trung.

Xem thêm

Nghi Lộc