|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Cập nhật tình hình dịch virus corona ngày 30/5: Brazil tăng kỉ lục số ca nhiễm, Mỹ cắt quan hệ với WHO

08:04 | 30/05/2020
Chia sẻ
Trong khi Châu Âu đang tăng tốc trên con đường mở cửa trở lại nền kinh tế thì Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm thứ Sáu cho biết Mỹ sẽ cắt đứt quan hệ với WHO do phản ứng của tổ chức này đối với đại dịch.

Xem thêm: Cập nhật tình hình dịch virus corona ngày 31/5

Tính đến 7h sáng nay (30/5), toàn thế giới đã ghi nhận hơn 6 triệu người mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 do virus SARS-CoV-2 gây ra. Trong đó, có 365.407 người đã tử vong và hơn 2,6 triệu người đã hồi phục, theo trang thống kê toàn cầu Worldometer.

Đại dịch COVID-19 đã xuất hiện tại 213 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới sau khi bùng phát tại thành phố Vũ Hán (Trung Quốc) vào tháng 12/2019.

Cập nhật tình hình dịch virus corona ngày 30/5: Brazil tăng kỉ lục số ca nhiễm, Mỹ cắt quan hệ với WHO - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. (Nguồn: AFP)

Việt Nam thêm một ca nhiễm mới

Theo cập nhật từ Bộ Y tế, đến sáng nay (30/5), Việt Nam ghi nhận thêm một ca nhiễm mới, tổng số ca dương tính với COVID-19 là 328. Bệnh nhân 328 là nam, một tuổi, có địa chỉ tại Thiệu Duy, Thiệu Hoá, tỉnh Thanh Hoá, tiếp xúc gần BN314 ở Nga và cùng trên chuyến bay.

Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách li) là 7.870, trong đó cách li tập trung tại bệnh viện là 69; cách li tập trung tại cơ sở khác là 6.870; cách li tại nhà, nơi lưu trú là 931.

Tính đến sáng nay, đã có 279 ca được điều trị khỏi bệnh. Hiện còn 49 ca đang được điều trị tại 9 cơ sở y tế. Trong số các bệnh nhân COVID-19 đang điều trị, theo dõi sức khoẻ tại các cơ sở y tế, hiện có 9 bệnh nhân có kết quả xét nghiệm âm tính lần 1 và 17 bệnh nhân có kết quả âm tính 2 lần trở lên.

Cập nhật tình hình dịch virus corona ngày 30/5: Brazil tăng kỉ lục số ca nhiễm, Mỹ cắt quan hệ với WHO - Ảnh 2.

Nguồn: Bộ Y tế

Về tình hình sức khoẻ của nam phi công người Anh (bệnh nhân 91) đang điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy, theo báo cáo của Bệnh viện Chợ Rẫy, ngày 29/5 bệnh nhân 91 đã có những dấu hiệu khá hơn. Sau khi bệnh nhân ngưng thuốc an thần dãn cơ, bệnh nhân đã tỉnh, có phản xạ ho mạnh hơn và cử động được ngón tay, cơ hoành và cơ khác còn liệt.

Phổi bệnh nhân cải thiện thêm một phần, thông khí phổi đã tăng lên 40% (trước đó là 30%-20%-10%). Bệnh nhân vẫn tiên lượng còn nặng vì lưu lượng ECMO còn cao (dù đang giảm dần các thông số) và nhiễm trùng phổi với chủng vi khuẩn rất khó điều trị.

Trên thế giới: Số ca tử vong ở Brazil vượt Tây Ban Nha

Ghi nhận đến sáng nay, Mỹ tiếp tục là ổ dịch COVID-19 lớn nhất thế giới với tổng cộng 1,79 triệu ca nhiễm và 104.531 ca tử vong, tăng lần lượt 24.685 và 1.201 ca so với một ngày trước đó.

Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 29/5 tuyên bố Mỹ chấm dứt mối quan hệ với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) do phản ứng của tổ chức này đối với đại dịch COVID-19.

Ông Trump cũng cho biết Mỹ sẽ chuyển hướng các khoản tiền đã cam kết hỗ trợ cho WHO sang các nước khác trên toàn thế giới xứng đáng hơn với nhu cầu sức khỏe cộng đồng cấp bách. "Thế giới cần câu trả lời từ Trung Quốc về virus. Chúng ta phải có sự minh bạch", hãng tin AFP dẫn lời Tổng thống Trump.

Đến nay, hầu hết các bang ở Mỹ đã mở cửa trở lại theo các bước khác nhau. Thống đốc Andrew Cuomo hôm 29/5 thông báo thành phố New York sẽ bắt đầu mở lại các hoạt động vào ngày 8/6, bước đầu tiên tiến tới chấm dứt lệnh phong tỏa đã kéo dài từ cuối tháng 3.

Brazil hiện đang là ổ dịch lớn thứ 2 trên thế giới với tổng cộng 468.338 ca nhiễm và 27.944 ca tử vong, tăng vọt lần lượt 29.526 và 1.180 ca. Thành phố Manaus, thủ phủ bang Amazon, là một trong những thành phố bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch COVID-19 ở Brazil. 

Các chuyên gia cho biết số ca mắc bệnh ở Brazil có thể cao gấp 15 lần so với con số được xác nhận vì chưa có xét nghiệm rộng rãi.

Trong bối cảnh số ca nhiễm hàng ngày không ngừng tăng vọt, Tổng thống nước này liên tục có động thái phản đối việc giãn cách xã hội. Tổng thống Jair Bolsonaro hôm 28/5 (theo giờ địa phương) đã kêu gọi mở cửa nền kinh tế, tuyên bố việc đóng cửa các ngành kinh doanh không thiết yếu là một "sự nhục nhã ghê gớm" với đất nước.

Nga đang là ổ dịch lớn thứ 3 thế giới. Trong vòng 24h qua, quốc gia này ghi nhận thêm 8.572 ca nhiễm mới, nâng tổng số lên 387.623 ca, trong đó có 4.374 ca tử vong (tăng kỉ lục 232 ca).

Nga đang bắt đầu tính tới việc nới lỏng một phần các biện pháp phòng chống dịch. Thị trưởng Moskva Sergey Sobyanin hôm 28/5 cho biết, giai đoạn 2 nới lỏng các hạn chế cách li là khả thi do tỉ lệ mắc COVID-19 đã giảm một cách bền vững.

Theo đó, bắt đầu từ ngày 1/6, người dân thành phố Moskva, bao gồm cả người già trên 65 tuổi và công dân mắc bệnh mãn tính, có thể rời khỏi nhà để đi dạo và chơi thể thao.

Các đại lí xe ô tô và cửa hàng, cửa hàng giặt là, cửa hàng sửa chữa giày dép… cũng được mở lại từ 1/6, song phải đảm bảo các điều kiện về giãn cách xã hội và vệ sinh dịch tễ.

Tây Ban Nha đang là ổ dịch lớn thứ 4 trên thế giới, ghi nhận đến sáng nay có tổng cộng 285.644 ca nhiễm và 27.121 ca tử vong, tăng lần lượt 658 và 2 ca trong vòng 24h qua.

Tây Ban Nha bắt đầu nới lỏng các biện pháp hạn chế từ hôm 25/5. Từ ngày 27/5. Quốc gia này đã bước sang ngày thứ 3 trong chuỗi 10 ngày quốc tang cho các nạn nhân đã tử vong do COVID-19.

Bộ Phát triển Kinh tế Nga hôm 29/5 thông báo Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong tháng 4 vừa qua giảm 12% so với cùng kì năm 2019 do tác động của các biện pháp phong tỏa nhằm khống chế sự lây lan của dịch bệnh. 

Anh đang là ổ dịch lớn thứ 5 trên thế giới với tổng cộng 271.222 ca nhiễm và 37.161 ca tử vong, tăng lần lượt 2.095 và 324 ca so với một ngày trước đó.

Italy, ổ dịch COVID-19 lớn thứ 6 thế giới hôm qua ghi nhận thêm 516 ca nhiễm và 87 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 232.248 và 33.229 ca.

Pompeii - địa điểm khảo cổ nổi tiếng thế giới của Italy - mới đây đã mở cửa trở lại với công chúng sau khi chính phủ nước này quyết định dỡ bỏ lệnh phong tỏa.

Pháp hiện ghi nhận tổng cộng 186.835 ca nhiễm, trong đó có 28.714 ca tử vong. Chính phủ nước này cho biết, các biện pháp sẽ áp dụng cho giai đoạn 2 của quá trình dỡ phong tỏa toàn quốc, bắt đầu từ ngày 2/6 tới. Theo đó, các quán bar, nhà hàng và bảo tàng vào tuần tới.

Thủ tướng Pháp Edouard Philippe hôm 29/5 cũng thông báo các bảo tàng trên khắp nước Pháp được phép mở cửa lại từ ngày 2/7.

Hà Lê