Cập nhật tình hình dịch COVID-19 ngày 1/5: Số ca nhiễm tại Nga tăng kỉ lục, Anh vượt Pháp trở thành ổ dịch lớn thứ 4 thế giới
Xem thêm: Cập nhật tình hình dịch COVID-19 ngày 2/5
Tính đến 7h sáng nay (1/5), toàn thế giới đã ghi nhận hơn 3,3 triệu người mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 do virus SARS-CoV-2 gây ra. Trong đó, có 233.829 người đã tử vong và hơn 1 triệu người đã hồi phục (theo trang thống kê toàn cầu Worldometer.
Đến nay, dịch COVID-19 đã xuất hiện tại 210 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới sau khi bùng phát tại thành phố Vũ Hán (Trung Quốc) vào tháng 12/2019.
Việt Nam: 15 ca âm tính lần 1 trở lên
Theo cập nhật từ Bộ Y tế, đến sáng nay (1/5), Việt Nam tiếp tục không nhận thêm ca mới, tổng số ca dương tính với COVID-19 vẫn là 270.
Đến nay đã có 219 người đã khỏi bệnh, còn 51 người đang điều trị tại 9 cơ sở y tế. Trong đó, số ca có kết quả xét nghiệm âm tính lần 1 là 10 ca, số ca có kết quả xét nghiệm âm tính 2 lần trở lên là 5 ca.
Về tình trạng sức khoẻ của 3 bệnh nhân diễn biến nặng (số 19,91,161), Tiểu ban Điều trị cho biết, trong đó bệnh nhân số 19 và 161 điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TW cơ sở Đông Anh hiện đều không sốt, đang tập cai thở máy, tập phục hồi chức năng.
Riêng bệnh nhân số 161, qua hội chẩn chuyên môn, các thành viên hội đồng nhấn mạnh nếu cấy virus cho kết quả âm tính thì có thê chuyển bệnh nhân về Bệnh viện Bạch Mai để điều trị phục hồi tai biến mạch máu não.
Bệnh nhân 91 đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh tuy không sốt nhưng diễn tiến chậm, tiên lượng nguy kịch.
Như vậy, Việt Nam đã bước sang ngày thứ 15 không có ca mắc mới COVID-19 trong cộng đồng.
Tính đến sáng nay, có 47.735 người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách li). Trong đó, cách li tập trung tại bệnh viện là 272 người, cách li tập trung tại cơ sở khác là 12.246 người và cách li tại nhà, nơi lưu trú là 35.217 người.
Trên thế giới: Anh trở thành ổ dịch lớn thứ 4 thế giới
Ghi nhận đến sáng nay, Mỹ tiếp tục là ổ dịch COVID-19 lớn nhất thế giới với hơn 1.095.019 ca nhiễm và 63.856 ca tử vong, tăng lần lượt 30.825 và 2.201 ca so với một ngày trước đó.
Một số tiểu bang ở Mỹ đã bắt đầu dở bỏ các hạn và mở cửa dần các hoạt động kinh doanh, bất chấp cảnh báo từ các chuyên gia y tế nhưng để làm hài lòng người dân.
Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố chính quyền liên bang sẽ không gia hạn các hướng dẫn về giãn cách xã hội sau khi các qui định này hết hạn vào ngày 30/4/2020, bất chấp cảnh báo của giới chuyên gia.
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm qua đã đe dọa Trung Quốc bằng việc áp thuế quan mới khi ông đẩy mạnh các cuộc tấn công vào Bắc Kinh và nói rằng ông đã thấy bằng chứng liên kết giữa một phòng thí nghiệm Vũ Hán với bệnh truyền nhiễm.
Châu Âu – nơi chiếm tới hơn một nửa số ca tử vong trên toàn cầu tiếp tục ghi nhận những dấu hiệu cho thấy tốc độ gia tăng số ca nhiễm đang chậm lại. Một số nước chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch đang rục rịch mở cửa lại nền kinh tế.
Tây Ban Nha - ổ dịch lớn nhất Châu Âu và lớn thứ 2 trên thế giới, ghi nhận đến sáng nay có tổng cộng 239.639 ca nhiễm và 24.543 ca tử vong, tăng lần lượt 2.740 và 268 ca(thấp nhất kể từ 20/3) trong vòng 24h qua.
Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez hôm 28/4 đã công bố một lộ trình gồm 4 giai đoạn để gỡ bỏ lệnh phong toả và đưa Tây Ban Nha ra khỏi cuộc chiến chống COVID-19. Dự kiến lộ trình này sẽ hoàn tất vào cuối tháng 6/2020.
Italy, ổ dịch COVID-19 lớn thứ hai tại Châu Âu và lớn thứ 3 thế giới hôm qua ghi nhận thêm 1.872 ca nhiễm và 285 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 205.463 và 27.967 ca.
Chính phủ nước này bắt đầu cho phép một số công nhân xây dựng và công nhân tại các nhà máy quay trở lại làm việc từ hôm 27/4. Bắt đầu từ ngày 4/5, người dân sẽ được tập thể dục ngoài trời và thăm người thân nhưng với điều kiện tuân thủ giãn cách xã hội và đeo khẩu trang.
Các nhà hàng có thể cung cấp các cửa hàng bán lẻ và bán buôn có thể tiếp tục kinh doanh từ ngày 4/5, các cửa hàng khác cùng với bảo tàng và thư viện sẽ được mở cửa trở lại sau ngày 18/5.
Đến sáng nay, Anh đã vượt Pháp và trở thành ổ dịch lớn thứ 4 trên thế giới với tổng cộng 171.253 ca nhiễm và 26.771 ca tử vong, tăng lần lượt 6.032 và 674 ca so với một ngày trước đó.
Thủ tướng Anh Boris Johnsonh hôm 30/4 tuyên bố nước này hiện đã vượt qua đỉnh điểm của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, đồng thời cam kết trong tuần tới sẽ đưa ra một lộ trình dỡ bỏ các biện pháp phong tỏa trên toàn quốc.
Pháp hiện đang là ổ dịch lớn thứ 5 trên thế giới với 167.178 ca nhiễm và 24.376 ca tử vong, tăng lần lượt 758 và 289 ca so với một ngày trước đó.
Thủ tướng Pháp Edouard Philippe hôm qua (29/4) cho biết, nước này sẽ được phân chia thành các khu vực màu đỏ hoặc màu xanh khi lệnh phong tỏa được nới lỏng.
Bộ thể thao Pháp hôm 30/4 cho biết, những người chạy bộ và đi xe đạp sẽ phải giữa khoảng cách ít nhất 10 mét (33 feet) khi lệnh giãn cách xã hội được dỡ bỏ vào ngày 11/5 tới.
Đức hiện đang là ổ dịch lớn thứ 5 tại Châu Âu và lớn thứ 6 trên thế giới với 163.009 ca nhiễm và 6.623 ca tử vong; tăng vọt lần lượt 1.470 và 156 ca so với một ngày trước đó.
Chính phủ Đức đã cho phép các cửa hàng và một số doanh nghiệp nhỏ mở cửa trở lại. Tuy nhiên, lệnh phong tỏa toàn quốc vẫn kéo dài đến hết 3/5.
Bộ trưởng Kinh tế Đức Peter Altmaier cảnh báo quốc gia này sẽ trải qua cuộc suy thoái tồi tệ nhất trong lịch sử, ông cũng dự đoán GDP sẽ giảm xuống mức kỉ lục 6,3%.
Trong vòng 24h qua, Nga – điểm nóng mới ở Châu Âu ghi nhận thêm số ca nhiễm mới tăng kỉ lục thêm 7.099 ca và thêm 101 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 106.498 và 1.073 ca. Tổng thống Putin chiều 28/4 đã quyết định kéo dài thời hạn áp dụng các biện pháp duy trì giãn cách xã hội đến ngày 11/5.
Truyền thông Nga ngày 30/4 đưa tin, Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin đã có xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2. Tổng thống Nga Vladimir Putin nhanh chóng ký sắc lệnh bổ nhiệm Phó Thủ tướng thứ nhất Andrei Belousov làm người thay thế tạm thời.
Tại Châu Á, Iran hiện đang là ổ dịch lớn nhất khu vực với 94.640 ca nhiễm và 6.028 ca tử vong, tăng lần lượt 983 và 71 ca so với một ngày trước đó. Ngày 29/4, Tổng thống Iran Hassan Rouhani tuyên bố quốc gia này sẽ nối lại các hoạt động kinh doanh dù tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp.
Trung Quốc đại lục – nơi bùng phát dịch nhưng hiện không còn là tâm dịch của thế giới. Tính đến sáng nay, nước này ghi nhận tổng cộng 82.862 ca nhiễm COVID-19 (tăng 4 ca) và 4.633 ca tử vong.
Sau nhiều tháng đóng cửa, hàng chục nghìn học sinh trung học trở lại trường học ở Bắc Kinh và Thượng Hải đã được trở lại trường học.
Tại Đông Nam Á, Singapore hiện đang là ổ dịch lớn nhất khu vực với tổng cộng 16.169 ca nhiễm (tăng 528 ca) và 15 ca tử vong (tăng 1 ca). Một dấu hiệu tích cực là số ca nhiễm hàng ngày tại nước này đang có chiều hướng giảm trong những ngày qua. Chính phủ nước này đã gia hạn kéo dài cách li xã hội tới ngày 1/6.
Indonesia hiện đang là ổ dịch lớn thứ 2 khu vực với tổng cộng 10.118 ca nhiễm và 792 ca tử vong (cao nhất khu vực), tăng lần lượt 347 và 8 ca so với một ngày trước đó.
Philippines hiện đang là ổ dịch lớn thứ 3 khu vực với 8.488 ca nhiễm và 568 ca tử vong, tăng lần lượt 276 và 10 ca so với một ngày trước đó.
Malaysia – ổ dịch lớn thứ 4 khu vực tính đến sáng nay ghi nhận tổng cộng 6.002 ca nhiễm (tăng 57 ca), trong đó có 102 ca tử vong.
Thái Lan hôm qua ghi nhận thêm 9 ca nhiễm, nâng tổng số lên 2.954 ca, trong đó có 54 ca tử vong.