Cao tốc TP HCM - Trung Lương: Chưa biết khi nào thu phí lại
Trạm thu phí Chợ Đệm (cao tốc Trung Lương - TP HCM) dừng thu phí sáng 1-1 - Ảnh: Quang Định |
Ông Nguyễn Mạnh Đức - lãnh đạo Cục Quản lý đương bộ IV (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) - trả lời như vậy khi được hỏi về việc có thu phí trở lại hay không và thời gian nào thu lại.
Phí vẫn chưa đủ để hoàn trả vốn
Tuyến cao tốc TP HCM - Trung Lương (TP HCM, Long An và Tiền Giang) dài 62km, trong đó có 40km là tuyến cao tốc chính, phần còn lại là các tuyến đường nhánh nối vào đường cao tốc.
Đây là tuyến đường cao tốc đầu tiên do VN thiết kế và thi công từ năm 2004 và đưa vào sử dụng năm 2010. Gần hai năm sau, vào năm 2012, tuyến cao tốc này bắt đầu thu phí để hoàn vốn cho ngân sách nhà nước đã ứng trước 9.880 tỉ đồng đầu tư xây dựng.
Để ngân sách có ngay số tiền đầu tư phát triển tiếp cho các dự án xây dựng đường cao tốc trong nước, từ đề xuất của Ban quản lý dự án Mỹ Thuận (chủ đầu tư dự án, hiện nay là Tổng công ty đầu tư phát triển và quản lý hạ tầng giao thông Cửu Long), Thủ tướng Chính phủ đồng ý chấp thuận cho chủ đầu tư mở thầu đấu giá thu phí tuyến đường cao tốc này.
Theo đó, Công ty cổ phần Tập đoàn Yên Khánh đã trúng đấu giá 2.004 tỉ đồng và được quyền thu phí từ 1-1-2014 đến 31-12-2018.
Từ 1-1-2019, khi hết hợp đồng chuyển nhượng quyền thu phí với Công ty cổ phần Tập đoàn Yên Khánh, Tổng cục Đường bộ VN đã tiếp nhận và giao lại Cục Quản lý đường bộ 4 quản lý tuyến cao tốc này.
Theo ông Diệp Bảo Tuấn - phó tổng giám đốc Tổng công ty đầu tư phát triển và quản lý hạ tầng giao thông Cửu Long, có thể trong thời gian qua ngân sách nhà nước đã trả một phần vốn đã ứng trước cho dự án này nên trong giai đoạn trước mắt Tổng cục Đường bộ VN tiếp nhận quản lý để duy tu sửa chữa tuyến cao tốc mà chưa thu phí.
Thực tế trong hai năm đầu tuyến cao tốc này đã thu phí và nộp ngân sách nhà nước khoảng 600 tỉ đồng, cộng với số tiền thu từ đấu giá thu phí là 2.004 tỉ đồng vẫn chưa đủ để hoàn trả vốn cho ngân sách đã ứng trước đầu tư 9.880 tỉ đồng.
Ông Diệp Bảo Tuấn cũng giải thích thêm: Riêng với các dự án cầu Cần Thơ, cầu Mỹ Thuận trước đây chỉ thu phí bảo trì cầu nên ngay sau khi có quy định thu phí sử dụng đường bộ áp dụng với các loại ôtô, Nhà nước đã dẹp bỏ các trạm thu phí ở các cầu trên.
Còn dự án cao tốc TP HCM - Trung Lương cũng như các dự án cao tốc khác sử dụng vốn vay cần được thu phí để hoàn trả vốn cho ngân sách hoặc vốn vay nước ngoài để Nhà nước có vốn đầu tư phát triển đường cao tốc.
Tuyến cao tốc TP HCM - Trung Lương (TP HCM, Long An và Tiền Giang) dài 62km, trong đó có 40km là tuyến cao tốc chính, phần còn lại là các tuyến đường nhánh nối vào đường cao tốc. Đây là tuyến đường cao tốc đầu tiên do VN thiết kế, thi công từ năm 2004 và đưa vào sử dụng năm 2010. |
Chờ văn bản hướng dẫn thu phí lại
|
Nhân viên trạm thu phí: tới luôn bác tài
Việc cao tốc TP HCM - Trung Lương dừng thu phí kể từ 0h ngày 1-1-2019 khiến nhiều tài xế ngỡ ngàng khi qua các điểm thu phí Chợ Đệm, Thân Cửu Nghĩa.
Sáng 1-1, tại trạm thu phí Chợ Đệm (thị trấn Tân Túc, huyện Bình Chánh, TP HCM), các trụ lấy thẻ đã được bọc lại bằng các tấm bạt.
Hai nhân viên trực trạm ở đây liên tục ra hiệu cho xe qua trạm và hô vang "tới luôn" khi nhiều tài xế ngập ngừng dừng xe định lấy thẻ thu phí như thường lệ. Các thanh barie chắn tại các làn đường xe vào cũng được dựng lên để xe đi qua dễ dàng hơn.
Ghi nhận trong buổi sáng có khoảng 50% lượng xe đi qua, tài xế chưa biết thông tin việc thu phí đã ngưng nên vẫn dừng xe đòi thẻ thu phí.
Anh Huỳnh Hữu Nghĩa - một tài xế - cho biết anh chở đoàn rước dâu đi qua trạm thu phí Thân Cửu Nghĩa (Tiền Giang) lúc 10h45 thấy tình hình giao thông tại đây bình thường. Khoảng 11h30, đoàn xe của anh Nghĩa đến trạm thu phí Chợ Đệm.
"Tối 31-12, tôi đọc thông tin trên mạng biết được trạm thu phí này dừng thu từ ngày 1-1. Tuy vậy nhiều tài xế khác không biết nên qua đây vẫn dừng, khi được giải thích họ mới đi tiếp nên đôi lúc làm giao thông gián đoạn thời gian ngắn" - anh Nghĩa cho hay.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, một nhân viên trực tại trạm thu phí Chợ Đệm cho biết thời điểm trước lực lượng tại trạm thu phí này khoảng 60-70 người. Tuy nhiên vài ngày trước, lượng nhân viên thuộc Công ty cổ phần Tập đoàn Yên Khánh đã rút đi nên số lượng nhân viên còn lại chỉ một nửa, chủ yếu là người của Công ty cổ phần 715.
Cũng theo nhân viên này, hiện có khoảng 4-5 người trực/ca (12 tiếng) tại trạm thu phí Chợ Đệm, chủ yếu hướng dẫn, thông tin cho tài xế biết không còn thu phí, tránh tình trạng tài xế không biết dừng đậu lâu dẫn đến ùn tắc giao thông.
Đồng thời lực lượng này cũng được duy trì nhằm bảo vệ tài sản của trạm thu phí hiện hữu như hệ thống máy lạnh, điện... tại trạm. Nhân viên này cũng cho hay việc dừng thu phí có thể kéo dài trong ba tháng, có thể sau đó sẽ tổ chức thu phí trở lại nhưng không biết thời gian cụ thể.
Nhiều người cho rằng việc dừng thu phí nên có biển thông báo phía trước trạm để các tài xế qua đây nắm bắt được, không phải dừng vừa mất thời gian, gây cản trở giao thông.
Tại trạm Thân Cửu Nghĩa sáng cùng ngày, nhân viên túc trực tại trạm rất vất vả trong việc giải thích với tài xế về việc tạm dừng thu phí. Dù các tài xế đều rất vui vẻ nhưng cũng không khỏi ngập ngừng khi đi xe qua buồng thu phí.
"Thật sự là chưa quen với việc trạm thu phí này xả trạm vì từ trước đến giờ có xả lần nào đâu. Chỉ không biết việc xả trạm sẽ kéo dài được bao lâu" - tài xế Nguyễn Văn Trung, quê Vĩnh Long, thắc mắc.
Bên cạnh sự bỡ ngỡ của các tài xế ôtô, trong buổi sáng cùng ngày đã có một số người chạy xe máy hiểu nhầm tưởng đường cao tốc TP HCM - Trung Lương xả trạm có nghĩa là cho xe máy chạy vào nên định đi xe máy vào đường cao tốc. Tuy nhiên, rất may các nhân viên tại trạm đã kịp ngăn lại.
Đây cũng là điều mà ông Nguyễn Mạnh Đức cảnh báo và đưa ra khuyến cáo trước thời điểm tạm dừng thu phí tại các trạm thu phí trên đường cao tốc TP HCM - Trung Lương.
Ông Đức cho biết việc duy trì đội ngũ bảo vệ và nhân viên hướng dẫn tại các cửa trạm thu phí nhằm ngăn chặn xe thô sơ vào đường cao tốc, gây nguy cơ tai nạn, đồng thời sẽ kết hợp giải thích cho tài xế hiểu khi đi qua đây.