|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Căng thẳng ở Biển Đỏ đang là trụ đỡ duy nhất của thị trường dầu mỏ?

12:55 | 08/02/2024
Chia sẻ
Các chuyên gia cho biết nếu Biển Đỏ không căng thẳng như hiện nay, giá dầu thô có lẽ sẽ còn xuống thấp hơn.

Kho chứa dầu của một nhà máy chế biến nhiên liệu Nhật Bản. (Ảnh: Kyodo News).

Các cuộc tấn công của phiến quân Houthi vào tàu chở hàng đi qua Biển Đỏ là một rắc rối lớn về mặt địa chính trị lẫn kinh tế. Tình trạng hỗn loạn tại Biển Đỏ đang làm gián đoạn hoạt động vận tải biển và có nguy cơ gây ra áp lực lạm phát.

Vậy, tại sao giá dầu không phản ánh tình trạng căng thẳng tại Biển Đỏ, tờ Markets Insider đặt câu hỏi.

Trả lời câu hỏi trên, các nhà phân tích cho biết trên thực tế giá dầu đã phản ứng với cuộc xung đột. Họ nhấn mạnh các cuộc tấn công của Houthi là lý do duy nhất khiến giá dầu giao dịch ở mức cao như hiện nay.

Tại thời điểm 12h ngày 8/2 (theo giờ Việt Nam), trên nền tảng oilprice.com, giá dầu Brent chuẩn quốc tế đang dao động quanh mức 79,5 USD/thùng, trong khi giá dầu WTI ở mức 74,1 USD/thùng.

Theo các nhà phân tích, nếu căng thẳng trên Biển Đỏ không phải mối lo ngại của thị trường thì giá dầu sẽ giao dịch ở mức 70 - 75 USD/thùng.

Bà Rebecca Babin, nhà phân tích đến từ hãng đầu tư CIBC Wealth Management, cho rằng dù có vẻ giá dầu không tăng cao hơn là mấy, các cuộc tấn công của Houthi ở Biển Đỏ đang nâng đỡ giá dầu giữa lúc một vài yếu tố cơ bản yếu đi.

Điểm yếu đó bắt nguồn từ việc nhu cầu năng lượng của Trung Quốc chững lại và nguồn cung bị dư thừa khi các quốc gia ngoài OPEC tiếp tục bơm thêm dầu vào thị trường.

Nền kinh tế Trung Quốc đang gặp khó khăn do cuộc khủng hoảng trong lĩnh vực bất động sản chưa khép lại và vốn đầu tư nước ngoài vào nước này sụt giảm.

Trong một cuộc phỏng vấn trước đây với Markets Insider, bà Babin từng lưu ý rằng nhu cầu yếu của Trung Quốc, nước nhập khẩu dầu thô hàng đầu thế giới, sẽ là mối đe doạ lớn nhất với thị trường năng lượng trong năm 2024.

 

Bản thân liên minh OPEC cũng là một yếu tố khác đẩy giá dầu xuống thấp hơn vì nhóm này hầu như không thể thúc đẩy giá đi lên bằng cách cắt giảm sản lượng.

Theo bà Babin, liệu OPEC có thể từ từ loại bỏ thoả thuận giảm sản lượng và khiến các quốc gia thành viên tuân thủ quy định chung hay không cũng đang đè nặng lên giá dầu. Tháng 12 năm ngoái, Angola đã quyết định rời khỏi OPEC.

“Thay vì hỏi ‘Tại sao giá dầu không tăng cao hơn’ thì chúng ta nên tự nhủ ‘Nếu không có căng thẳng ở Biển Đỏ, có lẽ giá dầu đã thấp hơn rất nhiều”, vị chuyên gia lập luận.

Trong một ghi chú công bố vào đầu tháng 2, bà Babin cho biết nếu các bên xác nhận ngừng bắn, giá dầu WTI có thể ngay lập tức rớt xuống 70 USD/thùng.

Ngoài ra, nhà phân tích của CIBC Wealth Management lưu ý rằng tình trạng hỗn loạn ở Biển Đỏ không khiến dầu thô biến mất khỏi thị trường hay dẫn đến bất kỳ sự thiếu hụt nguồn cung nào. Đó là một lý do tại sao giá dầu không tăng lên.

Nhà phân tích Hunter Kornfeind của hãng tư vấn năng lượng Rapidan Energy có chung nhận định: “Về mặt kỹ thuật, nguồn cung dầu thô vẫn chưa bị ảnh hưởng”.

Ông Kornfeind giải thích rằng thời gian vận chuyển đang kéo dài hơn, đó là lý do tại sao giá dầu tăng một chút nhưng Rapidan Energy không nhận thấy tình trạng gián đoạn nguồn cung.

Như đã nói, ông Kornfeind dự đoán nếu không có các căng thẳng địa chính trị tại Trung Đông, giá dầu có thể sẽ giảm xuống phạm vi 70 - 75 USD/thùng.

Bà Babin kết luận, khi xét hết các yếu tố hiện có như nhu cầu giảm sút của Trung Quốc, mối lo ngại về nội bộ OPEC,..., nếu các bên không xuống thang căng thẳng để đạt một thoả thuận ngừng bắn thì giá dầu Brent có thể vọt lên mức 90 USD/thùng.

Khả Nhân