Căng thẳng địa chính trị và biến đổi khí hậu khiến giá lương thực thế giới tăng cao
Giá thực phẩm bán buôn ổn định trong vài tháng gần đây ổn định, dấy lên hy vọng rằng giá bán lẻ các mặt hàng thiết yếu như gạo, bánh mì, sữa sẽ giảm trong năm 2023.
Báo cáo mới nhất của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc cho biết chỉ số giá lương thực tháng 11 ghi nhận tháng giảm thứ 8 liên tiếp sau khi đạt đỉnh hồi tháng 3.
Tuy nhiên, sự ổn định trên thị trường quốc tế không đồng nghĩa với tình hình lạm phát trên thế giới đã được kiểm soát.
Giá lương thực vẫn cao hơn nhiều so với trước đại dịch do căng thẳng Nga - Ukraine và thời tiết xấu hạn chế khả năng sản xuất.
Ông Carlos Mera, chuyên gia phân tích cấp cao tại ngân hàng Rabobank nhận định mặc dù nhu cầu vẫn đang thấp nhưng sản lượng cũng chưa thể mở rộng.
Sau nhiều năm ghi nhận vụ mùa bội thu nhờ thời tiết thuận lợi, giá ngũ cốc vẫn khá vững trong suốt thời gian diễn ra đại dịch do nhu cầu tích trữ của người dân, các công ty và chính phủ các nước. Ngay cả trước khi căng thẳng Nga - Ukraine nổ ra, tình hình hạn hán ở một số vùng trồng lúa mỳ trọng điểm cũng khiến giá mặt hàng này tăng cao.
Cộng gộp các yếu tố bao gồm căng thẳng địa chính trị khiến giá xăng dầu, phân bón tăng; hiện tượng thời tiết tiêu cực La Niña gây hạn hán tại Mỹ, Argentina và Châu Âu đã khiến sản lượng giảm lương thực giảm sút.
“Nguồn cung đang thấp. Nông dân giảm lượng phân bón để tiết kiệm chi phí đặc biệt là tại một số khu vực khó khăn như Châu Phi. Điều này sẽ dẫn đến sản lượng giảm”, ông Josef Schmidhuber, Phó giám đốc thương mại và thị trường tại FAO nhận định. Ông này cho rằng sản lượng ngũ cốc trong thời gian tới sẽ giảm so với những năm trước.
Ông Ervin Prifti, chuyên gia kinh tế cấp cao tại Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết “Sản lượng ngũ cốc toàn cầu trong năm nay giảm và áp lực chi phí đầu vào sẽ khiến giá lương thực tăng cao trong thời gian tới”.
Giá phân bón bắt đầu tăng từ trước khi căng thẳng Nga - Ukraine diễn ra. Giá phân kali tăng vọt sau khi chính phủ các nước phương Tây áp lệnh trừng phạt đối với Belarus, một trong những nhà sản xuất phân bón lớn nhất thế giới. Mặc dù giá phân bón thời gian gần đây đã giảm nhưng vẫn ở mức cao.
Căng thẳng địa chính trị đã ảnh hưởng đến 3 vụ mùa của Ukraine. Vụ thu hoạch của năm 2022 phải đối mặt với các vấn đề cơ sở hạ tầng và một số vùng trồng đang xảy ra xung đột vũ trang. Vụ mùa năm tới được dự báo sẽ giảm mạnh.
Ông Joseph Glauber, nhà nghiên cứu cấp cao tại tổ chức tư vấn an ninh lương thực IFPRI và cựu kinh tế trưởng của Bộ Nông nghiệp Mỹ nhận định “Những khó khăn ở Ukraine hiện tại tương đương với ba đợt hạn hán liên tiếp”.
Triển vọng giá bán buôn thực phẩm toàn cầu cao hơn xuất hiện khi hầu hết quốc gia trên thế giới đang phải vật lộn với lạm phát. Đối với các nước nhóm G7, chi phí thực phẩm đã tăng trung bình 12,7% trong năm qua. Nhiều quốc gia có thu nhập trung bình và đang phát triển mức tăng thậm chí cao hơn. Chẳng hạn như Hungary hơn 40%, Thổ Nhĩ Kỳ là 100%.
Ông Prifiti cho biết “Có thể mất đến hai quý nữa lạm phát lương thực thế giới mới giảm”.
Ông Katharine Neiss, nhà kinh tế trưởng Châu Âu của PGIM Fixed Income, một công ty quản lý quỹ, cho biết ngay cả khi giá bán buôn giảm sẽ không ảnh hưởng nhanh chóng đến giá bán lẻ vì sản xuất lương thực tốn nhiều năng lượng, với tác động của giá dầu và khí đốt tăng cao.
Người tiêu dùng ở các thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển thường dành tỷ trọng lớn trong thu nhập cho thực phẩm. Do đó, các nước này sẽ chịu ảnh hưởng lớn.