|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Căng thẳng Biển Đỏ: Sự lựa chọn cân bằng giữa lợi ích và an ninh

08:15 | 09/02/2024
Chia sẻ
Thị trường dầu mỏ toàn cầu đang ngày càng chuyển dịch theo hướng địa phương do cuộc xung đột ở Biển Đỏ và giá cước vận tải tăng cao, khiến nguồn cung trong khoảng cách gần trở nên hấp dẫn hơn.

 

 

Tàu hàng của Công ty MV Ever Given di chuyển qua kênh đào Suez. Ảnh: AFP/TTXVN

Sự sụt giảm lưu lượng tàu chở dầu qua Kênh đào Suez đang thúc đẩy bước khởi đầu của sự chia rẽ, với một khu vực thương mại tập trung quanh Lưu vực Đại Tây Dương và bao gồm Biển Bắc và Địa Trung Hải, và còn một khu vực khác bao gồm Vịnh Ba Tư, Ấn Độ Dương và Đông Á. Tuy nhiên, vẫn có sự vận chuyển dầu thô giữa các khu vực này thông qua hành trình dài hơn và tốn kém hơn quanh mũi phía Nam châu Phi, mặc dù các mô hình mua hàng gần đây cho thấy sự mất kết nối.

 

Theo các thương nhân, trên khắp châu Âu, một số nhà máy lọc dầu đã bỏ qua việc mua dầu thô Basrah của Iraq vào tháng trước, trong khi những người mua từ lục địa này đang mua hàng từ Biển Bắc và Guyana. Tại châu Á, nhu cầu đối với dầu thô Murban của Các Tiểu Vương quốc Arập Thống nhất (UAE) tăng vọt đã khiến giá giao hàng tức thì tăng đột biến vào giữa tháng Một và dòng chảy từ Kazakhstan đến châu Á giảm mạnh.

Dữ liệu theo dõi tàu biển từ Kpler cho thấy lượng dầu thô từ Mỹ đến châu Á đã giảm hơn 30% trong tháng trước so với tháng 12.

Sự phân mảnh này sẽ không kéo dài, nhưng hiện tại đang khiến các quốc gia phụ thuộc vào nhập khẩu như Ấn Độ và Hàn Quốc gặp khó khăn hơn trong việc đa dạng hóa nguồn cung. Đối với các nhà tinh chế, động lực thị trường đang thay đổi nhanh chóng và cuối cùng có thể làm giảm lợi nhuận.

Viktor Katona, nhà phân tích dầu thô hàng đầu tại công ty phân tích dữ liệu Kpler, cho biết: “Việc chuyển hướng sang việc vận chuyển hàng hóa dễ dàng hơn về mặt hậu cần có ý nghĩa thương mại... Đó là một hành động cân bằng khó khăn, lựa chọn giữa an ninh nguồn cung và tối đa hóa lợi nhuận”.

Kpler cho biết trong một ghi chú công bố ngày 30/1 rằng số lượng tàu chở dầu đi qua Kênh đào Suez trong tháng trước đã giảm 23% so với tháng 11. Sự sụt giảm thậm chí còn rõ rệt hơn đối với khí dầu mỏ hóa lỏng và khí tự nhiên hóa lỏng, giảm mức tương ứng là 65% và 73%.

Trong các thị trường sản phẩm, dòng nhiên liệu diesel và máy bay phản lực từ Ấn Độ và Trung Đông đến châu Âu, cũng như dầu mazut và naphtha của châu Âu hướng tới châu Á bị ảnh hưởng nhiều nhất. Giá naphtha tại châu Á, một nguyên liệu hóa dầu, đạt mức cao nhất trong gần hai năm vào tuần trước do lo ngại nguồn cung từ châu Âu sẽ trở nên khó khăn hơn..

Tác động của các cuộc tấn công ở Biển Đỏ đang ảnh hưởng đến giá dầu thông qua chi phí vận chuyển cao hơn, điều này đang khuyến khích các nhà máy lọc dầu chuyển sang mua hàng tại địa phương, nơi họ có thể tìm thấy nguồn cung. Kpler cho biết giá cước đối với tàu chở dầu thô Suezmax từ Trung Đông tới Tây Bắc Âu đã tăng khoảng 50% kể từ giữa tháng 12. Dầu thô Brent chuẩn toàn cầu tăng khoảng 8% trong cùng kỳ. Trong khi đó, chi phí vận chuyển dầu từ Mỹ đến châu Á, nơi sản lượng đang tăng mạnh, đã tăng hơn 2 USD/thùng trong khoảng thời gian ba tuần vào tháng Một, theo các nhà giao dịch tham gia thị trường.

 

 

 

Giovanni Staunovo, nhà phân tích hàng hóa tại UBS Group AG, cho biết: “Vẫn có thể đa dạng hóa nhưng giá sẽ cao hơn. Trừ khi dầu có thể được chuyển đến người tiêu dùng cuối cùng, nếu không sẽ làm giảm lợi nhuận của các nhà máy lọc dầu”.

Tình hình ở Biển Đỏ dự kiến sẽ không dẫn đến sự sắp xếp lại các dòng dầu trong dài hạn, tuy nhiên cũng khó có thể đạt được giải pháp cho cuộc xung đột trong thời gian tới.

Thay vào đó, có nguy cơ gián đoạn đáng kể hơn, đặc biệt là sau cuộc tấn công của phiến quân Houthi vào một tàu chở nhiên liệu của Nga vào cuối tháng Một.

Adi Imsirovic, Giám đốc công ty tư vấn Surrey Clean Energy, cho biết: “Địa chính trị không tốt cho thương mại. Nếu tôi là người mua hàng, tôi sẽ thận trọng. Đây là thời điểm khó khăn đối với các nhà tinh chế, đặc biệt là các nhà tinh chế châu Á, những người cần phải linh hoạt hơn”.    

Hằng Linh

VDSC: Dự trữ ngoại hối đã hao hụt đáng kể trong năm 2024
Các chuyên gia phân tích của VDSC cho rằng bộ đệm để ứng phó với áp lực tỷ giá là dự trữ ngoại hối đã hao hụt đáng kể trong năm 2024, ước tính khoảng 8-10 tỷ USD. Điều này khiến cho tỷ giá dễ biến động khi có áp lực về luồng ngoại tệ rút ra.