Cảng lớn nhất Đồng Nai chốt tăng vốn lên hơn 2.900 tỷ đồng, dù có bất đồng cổ đông lớn
Theo biên bản kiểm phiếu theo hình thức lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản, tờ trình về việc tăng vốn điều lệ của CTCP Dầu khí Đầu tư Khai thác Cảng Phước An (Mã: PAP) từ 2.320 tỷ lên 2.920 tỷ đồng đã được thông qua, dù có bất đồng giữa các cổ đông.
Số lượng tán thành phương án tăng vốn là gần 195 triệu cổ phiếu PAP, tương đương gần 84% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết của tất cả cổ đông có quyền biểu quyết.
Ngược lại, số lượng phản đối cũng có đúng 35 triệu cổ phiếu PAP, chiếm tỷ lệ hơn 15% (đúng bằng số lượng Tập đoàn Dầu khí Việt Nam PVN đang sở hữu). Số lượng không có ý kiến là hơn 1,3 triệu đơn vị, tỷ lệ gần 1%.
Như vậy, dù có sự phản đối của cổ đông lớn, phương án tăng vốn điều lệ vẫn được thông qua theo quy định.
Đây không phải lần đầu tiên cổ đông nắm 35 triệu cổ phiếu tỏ ra bất đồng với nội dung lấy ý kiến. Trước đó, cổ đông này cũng phản đối nhiều tờ trình ĐHĐCĐ năm 2024, nhưng do không đủ tỷ lệ phủ quyết nên các nội dung vẫn được thông qua.

Cảng Phước An đón chuyến tàu đầu tiên cập cảng từ 13/2. Ảnh: PAP.
Công ty Cảng Phước An được thành lập để thực hiện việc đầu tư khai thác cảng tổng hợp Phước An, có vị trí chiến lược nằm bên bờ sông Thị Vải, gần với các tuyến cao tốc và sân bay Long Thành.
Đây là cảng biển lớn nhất tỉnh Đồng Nai với quy mô gần 800 ha, bao gồm phân khu cảng và phân khu dịch vụ hậu cần. Tổng vốn đầu tư gần 20.000 tỷ đồng, có năng lực khai thác 2,2 triệu TEUs và 4 triệu tấn hàng hóa tổng hợp mỗi năm.
Cổ đông sáng lập ban đầu gồm PVN sở hữu 79,54% và Tổng công ty Phát triển Khu công nghiệp sở hữu 17,05%. Tuy nhiên, vào năm 2016, Cảng Phước An phát hành 46 triệu cổ phiếu riêng lẻ cho Công ty TNHH MTV Hoành Sơn và đơn này trở thành công ty mẹ, thay cho PVN
Sau đó, Cảng Phước An tiếp tục phát hành riêng lẻ cho các nhà đầu tư khác dẫn đến giảm tỷ lệ sở hữu của 2 cổ đông lớn. Trong đó, PVN vẫn giữ nguyên 35 triệu cổ phiếu PAP nhưng tỷ lệ sở hữu hiện giảm về 15% và Hoành Sơn sở hữu hơn 40 triệu cổ phiếu với tỷ lệ 17,3%.
Sau 5 đợt tăng vốn lên 2.320 tỷ đồng, Cảng Phước An từ công ty nhà nước đã chuyển thành công ty tư nhân. Tỷ lệ sở hữu của PVN có thể tiếp tục giảm xuống nếu không tham gia vào đợt tăng vốn lên 2.920 tỷ đồng sắp tới.
Về hoạt động kinh doanh, Cảng Phước An mới ghi nhận doanh thu hơn 2 tỷ đồng từ cuối năm ngoái khi bắt đầu đi vào hoạt động. Công ty tiếp tục bị lỗ sau thuế hơn 17 tỷ đồng năm thứ ba liên tiếp, lỗ lũy kế đã hơn 31 tỷ đồng.
Vào ngày 13/2, Cảng Phước An chính thức đón chuyến tàu đầu tiên cập cảng từ khách hàng MSC, được kỳ vọng sẽ thúc đẩy ngành logistics tại Đồng Nai, thu hút các doanh nghiệp lớn đăng ký thủ tục hải quan và góp phần tăng thu ngân sách.
Cổ phiếu PAP trên thị trường đã phản ứng tích cực với thông tin "khai trương cảng". Mã chứng khoán này có phiên tăng trần thứ hai liên tiếp lên 34.360 đồng/cổ phiếu, tăng 33% kể từ đầu năm. Giá trị vốn hóa vượt 8.000 tỷ đồng.