|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Cẩn trọng với nhà máy thép

10:23 | 15/10/2016
Chia sẻ
Dù xã hội vừa phải trả giá quá đắt cho sự cố Formosa nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn lao vào sản xuất thép do lợi nhuận cao từ giá điện rẻ và hàng loạt ưu đãi của chính sách bảo hộ. 

“Tránh vỏ dưa, gặp vỏ dừa”

Mới đây, Ban Quản ký Khu Kinh tế (BQLKKT) Dung Quất (trực thuộc UBND tỉnh Quảng Ngãi) đã có công văn gửi Chính phủ và các bộ, ngành trung ương xin ý kiến về dự án đầu tư Khu Liên hợp sản xuất gang thép của Tập đoàn Hòa Phát tại KKT Dung Quất, trên nền của dự án Nhà máy Thép Guang Lian Dung Quất đang dở dang.

can trong voi nha may thep
Dự án Nhà máy thép Guang Lian Dung Quất sau 10 năm ì ạch đang được kiến nghị chuyển giao cho Tập đoàn Hòa Phát. Ảnh: Tử Trực

Theo BQLKKT Dung Quất, dự án Khu Liên hợp thép Hòa Phát có công suất 4 triệu tấn/năm, được chia làm 2 giai đoạn với tổng vốn đầu tư gần 3 tỉ USD, thời gian hoạt động 70 năm. Khi dự án đi vào hoạt động sẽ đem lại doanh thu khoảng 2 tỉ USD/năm. Dự án đăng ký đầu tư của Hòa Phát phù hợp với quy hoạch tổng thể KKT Dung Quất đến năm 2015 và năm 2020 đã được Thủ tướng phê duyệt.

“Chủ đầu tư cam kết sẽ lựa chọn và sử dụng công nghệ, thiết bị hiện đại, bảo đảm môi trường, tiết kiệm năng lượng. Chủ đầu tư cũng cam kết không thải nước ra môi trường, các xỉ luyện gang thép sẽ được thu hồi và sản xuất nguyên liệu khác cho ngành công nghiệp” - đại diện BQLKKT Dung Quất cho biết.

Ngay sau khi thông tin UBND tỉnh Quảng Ngãi giao dự án nhà máy thép cho Tập đoàn Hòa Phát, rất nhiều người dân các xã Bình Đông, Bình Thanh (huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) tỏ ra lo lắng, bất an. Theo họ, trước đây, dự án nhà máy thép Guang Lian Dung Quất lấy 337 ha đất nhưng gần 10 năm không triển khai đã khiến nhiều người dân gặp khó khăn do thiếu đất sản xuất, phải ở tạm bợ trong các khu tái định cư.

“Chúng tôi đã chịu rất nhiều thiệt thòi rồi, bây giờ nếu lại giao cho chủ đầu tư khác, liệu họ có làm được không hay cũng chiếm đất rồi để đó? Chưa kể những mối hiểm họa về môi trường sau này. Có ai đứng ra cam kết nhà đầu tư mới sẽ không xả thải, không đầu độc môi trường biển như Formosa? Đúng là tránh vỏ dưa, gặp vỏ dừa” - ông Nguyễn Văn Quang, ngụ xã Bình Đông, lo lắng.

Ông Nguyễn Văn Thanh, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Đông, cho biết gần 10 năm qua, dự án thép Guang Lian Dung Quất chiếm đất nhưng không triển khai đã gây nhiều khó khăn cho bà con trong xã nên giờ ai cũng lo lắng. “Chủ trương của UBND tỉnh giao lại dự án cho nhà đầu tư khác, người dân và lãnh đạo địa phương không phản đối nhưng chúng tôi đề nghị xem xét thấu đáo vấn đề bảo vệ môi trường, đặc biệt sau sự cố Formosa...” - ông nhấn mạnh.

Nói không với dự án tỉ đô

Trước đó, giữa năm 2007, Tập đoàn Posco (Hàn Quốc) đã đề xuất dự án nhà máy thép liên hợp tại Đầm Môn, vịnh Vân Phong, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa với tổng vốn đầu tư lên đến 11,5 tỉ USD, công suất 12 triệu tấn/năm. Đây được xem là dự án sản xuất thép lớn nhất Việt Nam.

Dù dự án này được lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa và một số bộ, ngành liên quan lúc đó thống nhất đề nghị xúc tiến triển khai nhưng với tư cách là Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa vừa về hưu, ông Phạm Văn Chi đã gửi rất nhiều đơn thư lên Tổng Bí thư, Chính phủ và bộ ngành quyết liệt phản bác.

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Phạm Văn Chi cho biết sở dĩ ông phản đối dự án thép của Posco vì rất nhiều nguyên nhân, trong đó nguy cơ ô nhiễm môi trường là cực kỳ lớn. Là một kỹ sư chế tạo máy, ông Chi phân tích: Các dự án thép đều muốn đặt gần biển để lợi thế trong việc nhập quặng, than và xuất sản phẩm. Tuy nhiên, việc đặt nhà máy thép gần biển tất yếu sẽ gây ô nhiễm môi trường bởi lượng thép trong quặng ở nước ta cao lắm cũng chỉ 50%-55%.

Để cho ra 1 tấn thép, cần 2 tấn quặng mà 1 tấn quặng phải cần 3 tấn than đốt. Như vậy, để sản xuất 10 triệu tấn thép mỗi năm, cần 20 triệu tấn quặng, 60 triệu tấn than. Với công suất nhà máy thép Posco thì mỗi năm thải ra môi trường 40-50 triệu tấn bã than, bùn đất. Nếu cho hoạt động 20 năm thì lượng xỉ, bã, bùn đất này sẽ thành núi. Để giải quyết núi quặng này chỉ có cách đổ xuống biển.

Theo ông Chi, khi nấu thép thì phải luyện cốc. Muốn luyện được than cốc để nâng nhiệt hàm thì bắt buộc phải thải ra ngoài rất nhiều tạp chất trong than đá. Trong đó, lưu huỳnh, phốt pho…, sẽ tạo thành các loại axít. Lượng thải này bay hơi, ngưng tụ tạo thành các cơn mưa axít rất độc hại cho cả khu vực xung quanh.

Bên cạnh đó, trong luận chứng của Posco, nước làm nguội khi thải ra là 800C nhưng thực chất xấp xỉ 1000C. Nếu công suất trên 10 triệu tấn/năm thì lượng nước làm nguội xả ra môi trường khoảng 70-75 m3/ngày đêm - sẽ hủy hoại sinh vật biển xung quanh. Ngoài ra, trong quá trình đốt than sẽ sinh ra lượng CO2 rất lớn, gây thiếu ôxy cho người dân xung quanh.

Ông Chi cho rằng Việt Nam không cần một lượng thép xây dựng lớn đến như vậy, trong khi xuất khẩu rất khó cạnh tranh với thép giá rẻ của Trung Quốc. Ông Chi nhớ lại: “Nhờ có tiếng nói mạnh mẽ của nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt và sự quyết đoán của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thời điểm đó nên Chính phủ đã cho dừng dự án này. Không có dự án thép tỉ đô để tăng ngân sách thì doanh thu hằng năm về du lịch biển của Khánh Hòa vẫn thuộc nhóm đứng đầu cả nước, được bạn bè thế giới tôn vinh là thiên đường nghỉ dưỡng” - ông Chi đúc kết.

Về hậu quả của những dự án sản xuất thép, ông Chi cảnh báo không thể tránh khỏi ô nhiễm môi trường. “Sau Formosa, nếu có thêm nhà máy thép ở miền Trung thì môi trường biển cả khu vực này sẽ bị đe dọa” - ông lo ngại.

Không được xem thường nguồn nước

Trao đổi về việc tỉnh Quảng Nam dự định xây nhà máy thép ở huyện Nam Giang, khu vực thượng nguồn sông Vu Gia - Thu Bồn, ông Trần Văn Tri, nguyên Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Nam, cho rằng sản xuất công nghiệp bao giờ cũng gây ô nhiễm. Nếu đưa nhà máy lên thượng nguồn mà gây ra ô nhiễm thì hậu quả là khó lường.

“Quản lý tốt thì khắc phục được phần nào hậu quả chứ không thể nói không ô nhiễm. Vấn đề ô nhiễm ở đầu nguồn thời gian qua đã diễn ra, nhất là tình trạng khai thác vàng trái phép đã tác động xấu đến nguồn nước. Vì vậy, cần phải xem xét thật kỹ dự án nhà máy thép ở Nam Giang” - ông Tri kiến nghị.

Theo ông Tri, giữa tỉnh Quảng Nam và TP Đà Nẵng đã có cam kết về việc quản lý lưu vực và phải có quy chế rõ ràng. Quảng Nam không thể tự cho rằng nhà máy thép không ảnh hưởng đến môi trường rồi không bàn với Đà Nẵng.

Trước đó, như Báo Người Lao Động đã thông tin, tỉnh Quảng Nam có chủ trương di dời nhà máy thép của Công ty TNHH Thép Việt Pháp từ thị xã Điện Bàn lên huyện Nam Giang. Công suất và vốn đầu tư của nhà máy mới sẽ được tăng lên nhiều lần. Việc này khiến dư luận tỉnh Quảng Nam hết sức lo ngại nguồn nước bị ô nhiễm bởi nhà máy ở Điện Bàn đã bị người dân tại đây nhiều lần kéo đến bao vây do gây ô nhiễm.

Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Nam cũng có văn bản nêu quan điểm không thống nhất đưa nhà máy lên thượng nguồn do nguy cơ ô nhiễm môi trường. Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cũng đã có văn bản bày tỏ quan ngại với dự án này. Thế nhưng, tỉnh Quảng Nam lại khẳng định “dự án không gây ảnh hưởng nguồn nước Đà Nẵng” nên không cần trao đổi ý kiến với TP này.

Ông Huỳnh Vạn Thắng, nguyên Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Đà Nẵng, cho rằng theo Luật Bảo vệ môi trường, khi lập dự án, địa phương phải lấy ý kiến của cộng đồng những nơi có thể bị ảnh hưởng. Tỉnh Quảng Nam muốn di dời nhà máy thép đến huyện Nam Giang thì bắt buộc phải có ý kiến của người dân địa phương.

Ngoài ra, còn phải lấy ý kiến của người dân vùng hạ lưu, trong đó có TP Đà Nẵng bởi đây là khu vực sử dụng nguồn nước từ sông Vu Gia. Vu Gia là sông thuộc tỉnh Quảng Nam và TP Đà Nẵng nên muốn xây dựng nhà máy thép ở thượng nguồn, phải xin ý kiến của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Sau đó, có thể Bộ Tài nguyên và Môi trường phải lấy ý kiến của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương...

Theo ông Thắng, trong khi TP Đà Nẵng từng từ chối xây dựng nhà máy thép vì lo ô nhiễm thì Quảng Nam, vốn chưa có kết quả đánh giá tác hại môi trường, lại cho rằng nhà máy thép “sạch” rồi vội vàng đồng ý di dời. Nếu Nhà máy thép Việt Pháp không gây ô nhiễm thì tại sao người dân thị xã Điện Bàn liên tục phản đối trong thời gian qua?