Cần sửa Luật dầu khí đề phù hợp với chiến lược kinh tế biển
Ảnh chỉ có tính minh họa. (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN) |
Luật Dầu khí đã đến lúc phải sửa đổi để tạo hành lang pháp lý mới cho ngành dầu khí phát triển hiệu quả và thực hiện thành công Nghị quyết Trung ương 8 khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Đây là ý kiến chung của nhiều đại biểu tham dự tọa đàm “Ngành dầu khí trong tầm nhìn mới về chiến lược biển” ngày 28/10 tại Hà Nội.
Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Nguyễn Văn Phúc cho biết, ngành dầu khí có vai trò quan trọng trong bảo đảm an ninh năng lượng, bảo đảm cân đối vĩ mô, bảo đảm an ninh quốc phòng trên biển và đối ngoại.
Ngành dầu khí cũng có vai trò tạo ra tác động lan tỏa đối với các ngành dịch vụ, công nghiệp hỗ trợ, trong tạo việc làm cho người lao động cả nước cũng như đóng góp quan trọng vào ngân sách nhà nước và các địa phương.
Đặc biệt, ngành dầu khí là bộ phận rất quan trọng của kinh tế biển nói chung và Chiến lược phát triển kinh tế biển Việt Nam.
Tuy nhiên, trong bối cảnh có nhiều thay đổi, hành lang pháp lý cho hoạt động của ngành dầu khí là Luật Dầu khí đã không còn phù hợp để ngành dầu khí phát triển mạnh mẽ và đóng góp hiệu quả cho nền kinh tế.
Theo ông Phúc, mặc dù được sửa đổi vào năm 2000 và 2008 nhưng cho đến nay Luật Dầu khí vẫn chỉ giới hạn ở hoạt động dầu khí thượng nguồn là thăm dò khai thác mà chưa để cập đến hoạt động dầu khí ở khâu trung nguồn và hạ nguồn.
Vì vậy, việc thu hút đầu tư vào chuỗi giá trị dầu khí từ khâu thượng nguồn đến hạ nguồn gặp nhiều khó khăn.
Cùng quan điểm này, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) Trần Kim Chung chỉ rõ: Ngành dầu khí một trong các ngành trọng tâm trong Chiến lược phát triển kinh tế biển Việt Nam.
Vì vậy, Chiến lược này sẽ được thực hiện thành công nếu có hệ thống thể chế pháp lý phù hợp, cùng với chiến lược tài chính và ngân sách đặc thù cho các ngành trọng điểm liên quan thực hiện mục tiêu nhiệm vụ, trong đó có ngành dầu khí.
Theo đó, bên cạnh việc sửa Luật Dầu khí, cơ chế tài chính ngân sách cho phát triển ngành dầu khí phải được tính toán ngay cho tầm nhìn trung hạn và dài hạn thay vì chỉ trong ngắn hạn như hiện nay.
Cũng theo ông Chung, ở giai đoạn trước đây khi giá dầu cao, sản lượng khai thác lớn, đúng ra Chính phủ phải có giải pháp tạo quỹ dự trữ từ nguồn giá trị gia tăng dầu khí vượt trội cho đầu tư phát triển ngành dầu khí, giải quyết các vấn đề trọng tâm phát sinh khi giá dầu xuống thấp như giai đoạn vừa qua.
Vì vậy, đây là vấn đề mà Chính phủ cần xem xét trong thời gian tới để ngành dầu khí có thể thực hiện tốt nhệm vụ đề ra trong Chiến lược phát triển kinh tế biển.
Bổ sung ý kiến về tạo cơ chế tài chính cho ngành dầu khí, tiến sỹ Nghiêm Vũ Khải của đoàn đại biểu Quốc hội Hải phòng, đồng thời là Phó Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam chỉ rõ: Có những giai đoạn như 2006-2008, ngành dầu khí đã đóng góp cho ngân sách tới 24-15% nhưng nguồn tiền mà ngành dầu khí đóng góp được sử dụng vào nhiều việc khác, chưa quay trở lại đầu tư thích đáng cho ngành dầu khí.
Vì vậy, để thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế biển, Chính phủ và các cơ quan quản lý nhà nước như Bộ Khoa học Công nghệ, Bộ Công Thương cần có đầu tư thích đáng cho ngành dầu khí; trong đó phải hình thành quỹ công nghệ để phát triển công nghiệp dầu khí và phát triển kinh tế biển, ông Khải nhấn mạnh.
Tại toạ đàm này, Thành viên Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) Phạm Xuân Cảnh cho biết, cùng với Nghị quyết 41-NQ/TW ngày 23/7/2015 của Bộ Chính trị về “Chiến lược phát triển ngành Dầu khí Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn 2035,” Nghị quyết trung ương 8 khóa XII ngày 21/10/2018 vừa qua về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Nghị quyết số 36-NQ/TW) chính là cơ hội, là định hướng, là động lực quan trọng quyết định sự phát triển của PVN trong thời gian tới.
Tuy nhiên để ngành dầu khí thực hiện thành công các Chiến lược quan trọng này, Chính phủ, Quốc hội cần sớm hoàn thiện thể chế phát triển ngành dầu khí theo đúng tinh thần Nghị quyết 41 của Bộ Chính trị; trong đó có nội dung sửa đổi Luật Dầu khí, xác lập lại vấn đề quản lý nhà nước với ngành dầu khí và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.
Bên cạnh đó, việc sớm xác định cơ chế chính sách để thu hút đầu tư nước ngoài và đầu tư trong nước vào hoạt động dầu khí là rất cần thiết. Đặc biệt, việc sớm giải quyết nguồn lực và cơ chế tài chính tài chính cho hoạt động cốt lõi tìm kiếm thăm dò khai thác dầu khí là rất cấp bách.
Đây là cơ chế tài chính không phải cho PVN mà là cho chính hoạt động dầu khí chung, nhất là khi trong Chiến lược phát triển Kinh tế biển đã đặt ra một loạt các nhiệm vụ với ngành dầu khí như “gắn việc tìm kiếm, thăm dò dầu khí với điều tra, khảo sát, đánh giá tiềm năng các tài nguyên, khoáng sản biển khác, khoáng sản biển sâu, đặc biệt là các khoáng sản có trữ lượng lớn, giá trị cao, có ý nghĩa chiến lược,” ông Cảnh nhấn mạnh.
Ghi nhận những đề xuất của các đại biểu, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Nguyễn Đức Kiên khẳng định, hiện bối cảnh kinh tế xã hội đã có nhều thay đổi đòi hỏi các cơ quan quản lý và ngành dầu khí phải có cách nhìn mới về vấn đề tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí, về ứng dụng khoa học công nghệ cũng như phương thức đi tắt đón đầu của ngành dầu khí trong tương lai.
Theo ông Kiên, sắp tới Luật Dầu khí sẽ phải sửa đổi như trong báo cáo thẩm tra kinh tế-xã hội 2018-2019.
Hiện Hội đồng Dân tộc và các ủy ban của Quốc hội cũng đã trao đổi với Chính phủ về kế hoạch sửa Luật Dầu khí trong năm 2019-2020 cho phù hợp với tình hình.