Cần sớm khắc phục tình trạng quy hoạch treo
Ông Phạm Sỹ Liêm: Quy hoạch treo làm khổ doanh nghiệp lẫn người dân |
Cần sớm xử lý dứt điểm tình trạng quy hoạch treo. |
Theo báo cáo của UBND TP HCM, toàn TP có 1.269 dự án đã được chấp thuận địa điểm đầu tư và có quyết định thu hồi, giao đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất. Đối với các dự án được giao đất, chấp thuận địa điểm đầu tư nhưng chậm triển khai, gây ra tình trạng quy hoạch treo kéo dài, UBND thành phố đã hủy bỏ quyết định giao, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng của 577 dự án với diện tích gần 6.000ha, và điều chỉnh, cắt giảm quy mô diện tích 33,84ha của 10 dự án. Đây là các dự án đã kéo dài thời gian không chỉ ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân, mà còn gây lãng phí nguồn lực tài nguyên đất đai.
Trong năm 2017, nhiều dự án treo tiếp tục được chính quyền TP điều chỉnh quy hoạch nhằm cởi trói cho người dân. Chẳng hạn, sau 20 năm chậm triển khai, khu dân cư Him Lam và khu chức năng 11B quy mô gần 70ha (xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh) đã bị chính quyền TP xóa bỏ, điều chỉnh ranh quy hoạch để trả lại quyền lợi cho hàng ngàn người dân bị ảnh hưởng.
Tại quận Bình Tân, hơn 20 tuyến đường cũng đã được chấp thuận xóa quy hoạch do thiếu khả thi, chi phí giải phóng mặt bằng quá lớn. Các dự án cùng chung cảnh ngộ còn có KCN Phước Hiệp, KCN Xuân Thới Thượng (Hóc Môn) và KCN Bàu Đưng (huyện Củ Chi). Mặc dù số lượng lớn dự án đã bị thu hồi, nhưng trên thực tế chưa xử lý tận gốc. Nhiều nơi vẫn còn nhiều dự án chậm triển khai, kéo dài chưa được xử lý triệt để, gây bức xúc trong nhân dân. Đơn cử, Củ Chi có dự án Đại học quốc tế, quận Bình Thạnh có khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa, huyện Bình Chánh có khu đô thị Sing Việt, quận 1 có khu Mả Lạng...
Một trong những nguyên nhân nhiều dự án quy hoạch treo là dự án bị đền bù giải tỏa kiểu “da beo”, do người dân không đồng tình về giá đền bù. Để khắc phục tình trạng này, UBND TP đang rà soát lại để sớm ban hành quyết định về giá đất đền bù trên địa bàn cho phù hợp. Đối với đất nông nghiệp, TP tiến hành rà soát lại và sớm đưa đất vào sản xuất kinh doanh.
Về vấn đề hỗ trợ đào tạo và giải quyết việc làm cho người dân có đất bị thu hồi, UBND TP tiếp tục làm theo Nghị quyết 16 của HĐND TP; nắm lại những trường hợp khó khăn để có chính sách giúp người dân ổn định cuộc sống. Mặt khác, TP cũng tính toán việc triển khai các dự án tái định cư một cách hợp lý để tránh tình trạng lãng phí.
Ông Trương Lâm Danh, Trưởng Ban Pháp chế HĐND TP, đề nghị xem lại cuộc sống của người dân sau tái định cư, vì hiện nay đa phần người dân được bố trí tái định cư đều bán căn hộ. Quan điểm của TP là làm sao để người bị thu hồi đất có chỗ ở mới bằng hoặc tốt hơn chỗ ở cũ, nhưng thực tế nhiều người dân sau khi nhận nhà đã bán đi nơi khác ở. “Chúng ta phải có cuộc khảo sát, điều tra để tìm hiểu rõ nguyên nhân, khắc phục những tồn tại người dân mới an cư được” - ông Danh nói.
Về vấn đề quy hoạch sử dụng đất và kế hoạch sử dụng đất của TP, ông Danh cho rằng hiện nay nhiều diện tích đất ở một số lĩnh vực, đất quy hoạch vừa dư thừa, vừa thiếu nhưng TP chưa có giải pháp khắc phục triệt để. Một vấn đề khác là các dự án khi thực hiện cần quan tâm kỹ trong việc tích hợp quy hoạch, vì thực tế có những hộ dân bị giải tỏa tới 2-3 lần nên cần cân nhắc kỹ và khi tiến hành thu hồi đất nên xem xung quanh dự án còn có những dự án quy hoạch nào cần thu hồi đất hay không để thực hiện thu hồi 1 lần giúp người dân sớm an cư.