Cần sớm hướng dẫn mức trần lãi suất cho vay
Nhưng mức trần lãi suất 20% quy định trong bộ luật này vẫn chưa rõ ràng khiến các tổ chức tín dụng lúng túng. Đó là băn khoăn của nhiều đại biểu tại hội thảo liên quan đến chủ đề này, diễn ra ngày 23-12 ở TP.HCM.
Cụ thể, điều 468 BLDS 2015 quy định: “Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác”. PGS-TS Nguyễn Thị Mùi, chuyên gia ngành tài chính, cho rằng quy định này về mặt ý tưởng là rất tốt, tích cực nhằm bảo vệ quyền lợi của người yếu thế và giúp hạn chế tín dụng chợ đen, vay nóng, vay nặng lãi. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay khi thị trường tín dụng chính thức chưa đáp ứng đủ nhu cầu vay vốn cho người dân thì việc áp dụng chung mức trần lãi suất 20% cho tất cả các đối tượng là chưa phù hợp.
Bà Mùi dẫn chứng: “ngân hàng thương mại huy động vốn dễ dàng hơn so với các công ty tài chính. Hơn nữa, với lãi suất bình quân đầu vào khoảng 8%-9% mà cho vay 20% là quá cao. Nhưng đối với các công ty tài chính cho vay tín dụng tiêu dùng không có điều kiện huy động vốn rẻ như ngân hàng, chi phí rủi ro cao… nếu bắt họ cho vay giống như ngân hàng thương mại thì họ không thể tồn tại được”.
TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng, bày tỏ quan điểm: “Nếu khống chế trần lãi suất 20% sẽ dẫn đến tình trạng giảm thiểu hoặc triệt tiêu chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước. Do đó, việc không áp dụng trần lãi suất 20% đối với các tổ chức tín dụng là phù hợp với thực tế”.
Nhiều chuyên gia cũng cho rằng nếu khống chế trần lãi suất thì sẽ không thúc đẩy hoạt động cho vay tiêu dùng. Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế ngân hàng, đề xuất: “Để tháo gỡ vướng mắc này, cần sớm có hướng dẫn về mức trần lãi suất cho vay”.