Cân nhắc ủy thác đầu tư
Hiện nay, dịch vụ nhận ủy thác đầu tư tư nhân mặc dù chưa được cấp phép nhưng ngày càng trở nên phổ biến bằng hình thức quảng cáo tới khách hàng thông qua các trang mạng xã hội, hội thảo, email. Nếu không cẩn trọng với các rủi ro của loại hình này, các nhà đầu tư cá nhân rất dễ bị mất trắng số tiền đã bỏ ra.
Ở các trung tâm tài chính London, New York, Singapore, Hong Kong, Tokyo, Zurich, việc nhà đầu tư nhỏ lẻ ủy thác cho các công ty quản lý quỹ để quản lý tài sản dưới hình thức mua chứng chỉ quỹ của các quỹ ETFs, quỹ hưu trí, quỹ đầu tư cổ phiếu, trái phiếu, quỹ đầu tư bất động sản, quỹ tiền tệ là chuyện phổ biến.
Ở Việt Nam, bên cạnh hình thức đầu tư qua các công ty quản lý quỹ, gần đây đã xuất hiện thêm hình thức ủy thác đầu tư thông qua các công ty đầu tư, công ty tư vấn đầu tư với mức cam kết lợi suất hấp dẫn hằng năm.
Hầu hết những doanh nghiệp làm dịch vụ ủy thác này sau khi huy động vốn của khách hàng đã đầu tư vào thị trường chứng khoán. Có thể hiểu nôm na hình thức này như sau: Các nhà đầu tư nhỏ lẻ cùng góp vốn cho một tổ chức, pháp nhân để họ đem tiền đầu tư vào cổ phiếu với mức lợi suất cam kết, tuy nhiên phần lỗ khách hàng phải chịu toàn bộ.
Tổ chức, pháp nhân nhận ủy thác sẽ được hưởng phí quản lý, tư vấn và phần trăm lợi suất chênh lệch cao hơn so với mức cam kết. Hình thức này cũng khá giống và có nhiều điểm tương đồng như việc đầu tư thông qua các công ty quản lý quỹ bằng việc mua chứng chỉ quỹ.
Có một số doanh nghiệp nhận ủy thác đầu tư còn có hình thức trả trước mức lợi suất tới 12%/năm để huy động vốn của khách hàng. Thông qua hình thức huy động vốn trên, một lượng vốn lớn tập trung ở các nhà đầu tư cá nhân dần dịch chuyển sang các tổ chức huy động nhằm đầu tư chứng khoán kiếm lời.
Mặc dù cam kết lợi nhuận và tổ chức có vẻ chuyên nghiệp, nhưng các tổ chức này không hề có vốn đối ứng, thành tích trong quá khứ, bên thứ 3 giám sát, chính sách đầu tư, chính sách quản trị rủi ro. Như vậy, khi gặp rủi ro thị trường, rủi ro thanh khoản, nhà đầu tư sẽ chịu thiệt hại đầu tiên.
Thực tế cho thấy, khi nắm trong tay một lượng vốn lớn tới hàng trăm, thậm chí hàng nghìn tỷ đồng, để đạt mức lợi suất sinh lời 13 - 20% là một thử thách lớn, nhất là khi thị trường bước vào xu hướng giá giảm, cơ hội kiếm lời từ việc cổ phiếu tăng giá mạnh ngày càng thu hẹp.
Hiện nay pháp luật Việt Nam chưa có khung pháp lý về quan hệ ủy thác nói chung, ủy thác đầu tư nói riêng, hợp đồng ủy thác theo Luật Thương mại liên quan đến việc mua bán hàng hóa. Thông thường các bên ký kết các điều khoản trong hợp đồng do bên nhận ủy thác soạn sẵn. Khi xảy ra tranh chấp thì sẽ căn cứ các quy định của hợp đồng để giải quyết. Bởi thế, bên ủy thác sẽ bất lợi và thiệt thòi vì pháp luật không có các quy định bảo vệ họ trong các quan hệ này.
Bên cạnh đó, ủy thác đầu tư (nhận vốn đầu tư) thuộc kinh doanh có điều kiện, phải được cơ quan có thẩm quyền cấp phép. Theo quy định hiện hành thì chỉ có ngân hàng thương mại, công ty tài chính, công ty cho thuê tài chính, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty đầu tư chứng khoán và công ty quản lý quỹ là những định chế tài chính trung gian được nhận ủy thác vốn của tổ chức, cá nhân để đầu tư. Tuy nhiên, có nhiều tổ chức, pháp nhân không thuộc các trường hợp trên vẫn đứng ra nhận ủy thác đầu tư để huy động vốn.
Hiện nay có rất nhiều loại hình đầu tư, kiểu ủy thác đầu tư khi thị trường chứng khoán có những cơn sóng tăng mạnh. Nhà đầu tư cần bình tĩnh, cân nhắc thật kỹ trước khi tham gia lĩnh vực mới nhưng không mới này.