Căn nhà nằm giữa giao lộ ở TP.HCM suốt 5 năm vì vướng mắc đền bù
Đối với những người thường di chuyển qua giao lộ Lũy Bán Bích - Âu Cơ - Ba Vân, quận Tân Phú (TP.HCM), hình ảnh ngôi nhà có 4 mặt tiền với một tầng trệt và một gác xép nhỏ trông khá cũ kỹ, lụp xụp đã trở nên quen thuộc. Nhiều năm qua, ngôi nhà đã án ngữ ở giữa chốt giao thông đông đúc này.
Án ngữ giao lộ suốt 5 năm
Nhiều người thắc mắc về nguồn gốc ngôi nhà có vị trí bất thường này. Tuy nhiên, với những người sống lâu năm ở khu vực này, lý do khiến chủ nhân ngôi nhà kiên quyết bám trụ không phải là điều gì bí ẩn.
Chủ nhân căn nhà số 845A Âu Cơ, phường Tân Thành này là ông Trần Sáu, một người đàn ông hơn 70 tuổi. Hiện ông sống cùng người cháu tại ngôi nhà này, nơi ông mở một tiệm sửa xe.
Căn nhà số 845A Âu Cơ đã 5 năm án ngữ tại vị trí đắc địa giữa giao lộ Lũy Bán Bích - Âu Cơ - Ba Vân, quận Tân Phú, TP.HCM. Ảnh: Quỳnh Danh.
Căn nhà của ông Sáu là một trong những hộ thuộc diện được đền bù để di dời phục vụ Dự án mở rộng đường Lũy Bán Bích, quận Tân Phú. Căn nhà này được giải tỏa với mục đích nhằm mở rộng tầm nhìn để xe lưu thông qua nút giao thông này thoáng hơn. Đây là dự án do Ban quản lý đầu tư xây dựng công trình nâng cấp đô thị TP.HCM làm chủ đầu tư năm 2014.
Bà Trần Thị Nga, 80 tuổi, người đã sống ở khu giao lộ này khoảng 50 năm kể lại, trong khi các hộ dân lân cận đã chấp nhận mức bồi thường và di dời, gia đình ông Sáu vẫn chưa đưa ra được thỏa thuận cuối cùng với UBND quận Tân Phú để thống nhất việc di dời nhà.
Mặc dù đã nhiều lần đẩy nhanh công tác đền bù giải tỏa, chủ đầu tư không chờ được nữa nên dự án đã kết thúc vào cuối năm 2014 mà chưa kịp hoàn tất.
Sau 5 năm kể từ cuối 2014 đến nay, căn nhà số 845A của ông Trần Sáu vẫn án ngữ tại giao lộ sầm uất này.
Theo bà Nga, vào năm 2017, ông Trần Sáu đã một lần chấp thuận với phương án đền bù của UBND quận Tân Phú đưa ra. Theo đó, ông Sáu được đổi một lô đất có diện tích 98 m2, trị giá hơn 2,4 tỷ đồng trên đường Lê Trọng Tấn, phường Sơn Kỳ, đồng thời được bồi thường và hỗ trợ thêm 2,7 tỷ đồng. Tổng mức đền bù khi đó là 5,1 tỷ đồng.
Bà Trần Thị Nga, 80 tuổi, người đã sống tại khu vực này khoảng 50 năm, cho biết giá đất ở đây đã thay đổi chóng mặt trong nhiều năm qua. Ảnh: Quỳnh Danh.
Tuy nhiên, khi ông Sáu xây nhà trên mảnh đất mới này lại có vướng mắc pháp lý về cấp phép. Chính vì vậy, quận Tân Phú đề xuất đổi lô đất khác trên đường Vườn Lài, phường Tân Thành và đang chờ ý kiến chấp thuận của UBND TP.HCM.
"Chuyện nhà ông Sáu chưa chịu di dời ở đây ai cũng biết, nhưng ông Sáu sống rất khép kín, ít giao lưu với hàng xóm. Từ trước đến nay, ông chưa từng kể gì về những bất mãn trong phương án đền bù" - hai vợ chồng chủ cửa hàng vật liệu xây dựng Sơn Nam nằm bên đường chia sẻ.
Mặt bằng giá cao hơn nhiều mức bồi thường
Nói về mức giá đền bù, bà Nga cho rằng nếu không phù hợp thì khó nhận được sự chấp thuận của chủ nhà. Căn nhà từng được ông Sáu mua lại của phường.
"Hai năm nhưng vẫn ngần ấy tiền thì người ta không muốn chuyển cũng dễ hiểu, giá trị đồng tiền đã thay đổi, không còn như trước", bà Nga nói.
Từng sở hữu khoảng 100 m2 đất ở khu vực giao lộ này, bà Nga cho biết giá đất ở đây đã thay đổi chóng mặt trong nhiều năm qua. Căn nhà số 831 Âu Cơ có diện tích hơn 70 m2 với hai mặt tiền từng được vợ chồng bà bán lại với giá hơn 20 cây vàng vài chục năm về trước.
"Thời điểm đầu những năm 2000 khi tôi bán căn nhà này, giá vàng chỉ khoảng 4 triệu đồng/cây. Giờ vàng đã lên đến hơn 40 triệu đồng/cây, thế nhưng, cầm 20 cây vàng đến đây vẫn không thể nào mua lại được miếng đất này", bà Nga kể lại.
Bà cho biết căn nhà số 831 Âu Cơ này đang được chủ mới cho thuê với giá 20 triệu đồng/tháng để làm cửa hàng bán vật liệu xây dựng.
Theo người dân buôn bán xung quanh giao lộ, đây là khu vực có mật độ xe cộ qua lại lớn, kinh doanh nhờ vậy mà ổn định, sầm uất. Đối với vợ chồng chủ cửa hàng vật liệu xây dựng Sơn Nam, đây cũng là lý do khiến họ kiên trì thuê mặt bằng ở khu vực này trong suốt 25 năm qua.
Người dân buôn bán xung quanh giao lộ đánh giá khu vực này là nơi có mật độ xe cộ qua lại lớn, hoạt động kinh doanh nhờ đó ổn định, sầm uất. Ảnh: Quỳnh Danh.
Giá nhà đất ở đây đã lên đến 15 - 20 tỷ đồng/căn mặt tiền tùy diện tích.
Anh Tuyên, chủ một cửa hàng nằm trên đường Âu Cơ đối diện với căn nhà 4 mặt tiền của ông Sáu, gần đoạn cắt với đường Lũy Bán Bích, cho biết căn nhà anh đang kinh doanh có giá khoảng 20 tỷ đồng. Căn nhà ba tầng có mặt tiền dài 5 m, chiều sâu dài 27 m.
Anh Tuyên cũng kể, 3 - 4 năm trước, căn nhà nằm sát cửa hàng của anh chỉ là một bãi đất trống, tuy nhiên, thời điểm đó cũng đã được định giá khoảng 14 tỷ đồng.
Đánh giá khoản bồi thường 5,1 tỷ đồng đối với căn nhà đặc biệt của ông Trần Sáu là chưa thật sự thỏa đáng, tuy nhiên người dân trong khu vực cũng bày tỏ mong muốn gia đình ông sớm di dời đến địa điểm mới để mở rộng tầm nhìn cho các phương tiện qua giao lộ này, tránh gây khó khăn cho người tham gia giao thông.
Trong khi đó, ông Sáu từ chối bình luận thông tin liên quan, và đề nghị hỏi phường về căn nhà của ông.