Cần minh bạch hóa thông tin nhìn từ những sai phạm trong quy hoạch
Khổ vì quy hoạch "treo"
Thời gian gần đây, câu chuyện quy hoạch đang trở nên nóng hơn bao giờ hết. Đây cũng là vấn đề khiến không ít người dân bức xúc, gây ra những vụ khiếu kiện kéo dài. Tình trạng điều chỉnh quy hoạch vô tội vạ, biến đất công cộng thành nhà cao tầng, tự ý nâng chiều cao và mật độ xây dựng,… ngày càng diễn ra phổ biến, hậu quả để lại là những khu đô thị bị "băm nát", gây mất mỹ quan. Song, công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý dường như vẫn còn bỏ ngỏ.
Nhiều quyết định về quy hoạch, công tác đền bù, tái định cư ở địa phương đã gây thiệt thòi và bất công cho người dân. Vụ lùm xùm kéo dài liên quan đến Khu đô thị mới Thủ Thiêm là một ví dụ. Dự án qua 3 lần điều chỉnh quy hoạch dang dở, hiện nay đã giải phóng hơn 99% mặt bằng, tuy nhiên, suốt nhiều năm nay, hàng trăm hộ dân vẫn còn khiếu kiện vì cho rằng đất của họ nằm ngoài ranh giới quy hoạch nhưng vẫn bị giải tỏa; thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư sai quy định.
Người dân Thủ Thiêm bức xúc vì đất của họ ở ngoài ranh quy hoạch nhưng vẫn bị chính quyền quận cưỡng chế trái phép. (Ảnh: Báo giao thông)
Năm 2018, người dân Thủ Thiêm đã yêu cầu UBND TP HCM cho xem bản đồ gốc 1/5000 để xác định ranh giới giải tỏa mặt bằng nhưng thành phố lại thông báo bản đồ bị thất lạc. Cử tri Quận 2 cho rằng, việc thất lạc bản đồ là một thiệt thòi cho người dân, vì bản đồ 1/5000 kèm theo Quyết định 367 mới biết ranh nào thu hồi đất của người dân. Đây cũng mấu chốt chính trong việc khiếu kiện của cả trăm hộ dân Thủ Thiêm kéo dài hàng chục năm qua.
Mới đây, Thanh tra Chính phủ vừa công bố chính thức kết luận thanh tra và chỉ ra hàng loạt sai phạm liên quan đến Khu đô thị Thủ Thiêm. Tuy nhiên, người dân Thủ Thiêm không đồng tình với kết luận này và cho rằng, quyền lợi của họ bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dự án nhưng trong kết luận lại không nhắc tới.
Bên cạnh đó, có những trường hợp các hộ dân nằm trong vùng quy hoạch, muốn nhận tiền bồi thường để phục vụ cho cuộc sống nhưng cũng không được giải quyết. Đáng nói, nhiều dự án đã được duyệt quy hoạch nhưng để treo trong thời gian dài không triển khai, người dân sống trong vùng quy hoạch không thể sửa nhà, mua, bán theo quy định,...
Người dân Khu đô thị Cổ Nhuế (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cũng từng trải qua hơn một thập kỷ sống khổ trong vùng quy hoạch "treo".
Cụ thể, theo phản ánh của người dân, dự án Khu đô thị mới Cổ Nhuế được UBND TP Hà Nội chấp thuận chủ trương đầu tư từ năm 2004 nhưng đã hơn 10 năm trôi qua, không rõ vì lý do gì mà dự án vẫn không triển khai tiếp. Phần đất nông nghiệp chỉ được đền bù với giá "bèo", chủ đầu tư đã xây dựng các công trình để bán. Còn phần đất thổ cư của hàng chục hộ dân thì bị "treo" và chờ xin ý kiến.
Trong khi đó, dù nhà cửa đã xuống cấp nhưng người dân không được xây mới, sửa chữa. Người dân cũng không biết phần dự án liên quan đến khu vực họ sinh sống có được triển khai tiếp hay không,…
Thực trạng trên là minh chứng cho thấy, vấn đề minh bạch hóa thông tin quy hoạch hiện nay vẫn chưa được chú trọng. Người dân gần như bị động trước thông tin quy hoạch, khi cần lại không biết kiểm chứng ở đâu. Thậm chí, nhiều trường hợp, việc mập mờ thông tin dự án đã tạo điều kiện cho giới "cò mồi" tung tin đồn, thổi giá đất. Tình trạng sốt đất ảo tại một số địa phương như Đà Nẵng, Quảng Nam hồi đầu năm là một minh chứng.
Minh bạch thông tin quy hoạch để giảm thiểu bất cập
Theo báo cáo của Jones Lang LaSalle (JLL), năm 2016, Việt Nam xếp thứ hạng khá thấp về tính minh bạch trong thị trường BĐS (xếp hạng 68/109 quốc gia). Năm 2018, chỉ số này đã có sự cải thiện khi Việt Nam vươn lên đứng thứ 61/109 quốc gia về tính minh bạch trong thị trường BĐS.
Tuy nhiên, thực tiễn hiện nay cho thấy, thị trường BĐS Việt Nam vẫn thiếu thông tin minh bạch. Báo cáo gần đây nhất của Kiểm toán Nhà nước vẫn cho thấy, sai phạm trong quy hoạch còn xảy ra nhiều, nguyên nhân chính do sự quản lý lỏng lẻo, có dấu hiệu sân trước sân sau, lợi ích nhóm. Đặc biệt có nhiều điều luật chồng chéo nhau tạo kẽ hở cho nhà đầu tư và cơ quan chức năng bắt tay "lách luật".
Theo một số chuyên gia, việc công khai mọi thông tin liên quan đến giao dịch bất động sản như quy hoạch, công năng, chất lượng, hạ tầng, tính chất pháp lý… sẽ giúp cho thị trường trở nên minh bạch hơn, cũng như bảo vệ được quyền và lợi ích của các bên liên quan khi có vấn đề phát sinh.
Trên thực tế, không phải đến tận bây giờ, câu chuyện minh bạch hóa thông tin mới được chú trọng. Những năm trước đây, các cơ quan quản lý nhà nước cũng đã có động thái trong việc minh bạch thông tin thị trường BĐS, tuy nhiên hiệu quả chưa thực sự rõ rệt.
Cách đây 5 năm, để chuẩn bị cho việc ra đời Nghị định 117 về xây dựng, quản lý và sử dụng hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường BĐS (có hiệu lực từ ngày 1/1/2016), Bộ Xây dựng đã thành lập Phòng Thông tin Thống kê (trực thuộc Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản).
Trong đó, Bộ Xây dựng đã có đề xuất công khai mọi thông tin liên quan đến giao dịch BĐS, đồng thời đề xuất bỏ quy định giao dịch BĐS phải qua sàn. Tuy nhiên, đề xuất này đã nhận nhiều phản ứng trái chiều của giới chuyên gia và các nhà quản lý
Ngoài ra, Bộ này còn có các cơ quan trực thuộc khác hỗ trợ việc thu thập thông tin về thị trường như Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về chính sách nhà ở và thị trường BĐS, Viện Kinh tế xây dựng (đơn vị soạn thảo thông tư hướng dẫn thi hành Nghị định 117).
Xuất phát từ thực tiễn, việc minh bạch hóa thông tin là cách tốt nhất giải quyết những vướng mắc trong câu chuyện quy hoạch hiện nay. Có không ít ý kiến cho rằng, thông tin quy hoạch cần được công khai trên mạng và các phương tiện truyền thông để người dân nắm được khu vực đó quy hoạch gì, ranh giới quy hoạch thế nào, thuộc quyền sở hữu của ai, pháp lý ra sao,… Từ đó, nếu phát sinh tranh chấp sẽ dễ dàng xử lý và không xảy ra tình trạng "đá bóng qua lại".
Ngoài ra, việc minh bạch hóa thông tin quy hoạch sẽ giúp người dân có được những thông tin thiết thực khi có nhu cầu mua nhà đất để sinh sống hoặc đầu tư.
Tại Kỳ họp Quốc hội thứ 7 diễn ra mới đây, Bộ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, để tăng tính minh bạch trong công tác quy hoạch, trong năm 2019 Bộ Xây dựng sẽ hoàn thành việc lập Cổng thông tin điện tử quốc gia quy hoạch đô thị vừa để tra cứu, cung cấp thông tin vừa là công cụ để giám sát thực hiện quy hoạch.
Cùng với đó, Bộ cũng sẽ yêu cầu các địa phương thực hiện Nghị định số 117 của Chính phủ về xây dựng, quản lý và sử dụng hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường BĐS để bảo đảm tính công khai, minh bạch. Điều này được kỳ vọng sẽ giải quyết tình trạng bất cập trong quy hoạch, góp phần làm lành mạnh hơn thị trường BĐS trong thời gian tới.