Cán bộ ngân hàng vẽ đường, gây thiệt hại 1.838 tỉ
Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an vừa có kết luận điều tra bổ sung (lần năm) vụ chiếm đoạt hàng ngàn tỉ đồng ở Ngân hàng (NH) Vietcombank (VCB) Tây Đô. Theo đó, cơ quan này vẫn đề nghị VKSND Tối cao truy tố các bị cáo ra trước TAND TP Cần Thơ để xét xử hai nhóm bị cáo NH và nhóm bị cáo là chủ các doanh nghiệp (DN).
Bên này tạo điều kiện để bên kia lừa đảo
Cụ thể, CQĐT đề nghị VKSND Tối cao truy tố nhóm cán bộ VCB Tây Đô gồm: Nguyễn Minh Chuyển (cựu giám đốc), Trần Anh Huy (cựu trưởng phòng tín dụng) và Nguyễn Hữu Nghĩa (cựu cán bộ) về tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng (theo khoản 3 Điều 179 BLHS 1999, khung hình phạt 10-20 năm tù).
Nhóm bị can là giám đốc các DN gồm: Nguyễn Hùng Cường, Nguyễn Công Trừng, Võ Vũ Bình, Trang Hồng Sơn, Võ Hoàng Thám, Cao Hoàng Thám, Trịnh Minh Tú, Nguyễn Thanh Hùng bị đề nghị truy tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, theo khoản 4 Điều 139 BLHS 1999 (khung hình phạt lên đến chung thân).
Theo cáo trạng, trước đây, trong khoảng thời gian từ năm 2010 đến tháng 12-2014, Chuyển, Huy, Nghĩa và một số cán bộ của VCB Tây Đô có hành vi vi phạm trong việc lập hồ sơ, thẩm định, phê duyệt, giải ngân, kiểm tra, giám sát vốn vay. Các bị can này đã vi phạm về quy chế cho vay đối với khách hàng, không tuân thủ nghiêm túc quy chế cho vay của NH Nhà nước ban hành. Các bị can đã ký và thực hiện 56 hợp đồng tín dụng cho 41 DN thuộc sáu nhóm khách hàng với tổng số tiền giải ngân trên 2.467 tỉ đồng, đến nay không có khả năng thu hồi. Hành vi này đã gây thiệt hại cho VCB Tây Đô tổng số tiền hơn 1.838 tỉ đồng.
Từ vi phạm của các bị can cựu cán bộ NH trên, các bị can là giám đốc các DN trên địa bàn đã lừa đảo chiếm đoạt của VCB Tây Đô trên 1.051 tỉ đồng.
Các bị cáo trong vụ án được đưa ra xét xử tại phiên tòa hình sự sơ thẩm và tòa quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung. Ảnh: N.Giao
Vẽ đường cho hươu chạy
Trước đó, TAND TP Cần Thơ từng trả hồ sơ để điều tra bổ sung, yêu cầu làm rõ nhiều vấn đề liên quan: Làm rõ về dấu hiệu lãnh đạo VCB Tây Đô tổ chức xắp xếp cho các nhóm DN lập thêm pháp nhân mới để lập hồ sơ vay vốn nhằm mục đích thanh toán nợ, chuyển nợ xấu thành nợ tốt; phân định số tiền vay sử dụng trả nợ lại cho VCB Tây Đô là bao nhiêu và sử dụng vào việc khác không thể trả nợ được là bao nhiêu; làm rõ giá trị tài sản thế chấp của năm DN trong nhóm bị cáo Trịnh Minh Tú...
Theo kết luận điều tra bổ sung (lần thứ năm), bị can Nguyễn Hùng Cường (chủ nhóm khách hàng Nam Sông Hậu) khai nhận từ cuối năm 2012, Công ty TNHH Vĩnh Nguyên (thuộc nhóm khách hàng Trường Nguyên) không có khả năng thanh toán nợ cho VCB Tây Đô. Trần Anh Huy (cựu trưởng phòng khách hàng VCB Tây Đô) đề nghị Cường tiếp nhận, điều hành và gánh lại khoản nợ của Công ty Vĩnh Nguyên tại VCB Tây Đô. Huy hướng dẫn Cường sử dụng pháp nhân Công ty Vĩnh Nguyên và lập các pháp nhân mới để vay vốn đảo nợ tại VCB Tây Đô.
Bị can Nguyễn Thanh Hùng (chủ nhóm khách hàng An Đô) khai khi các công ty trong nhóm An Đô không còn khả năng thanh toán các khoản vay đến hạn, Hùng đã trực tiếp gặp Nguyễn Minh Chuyển, Trần Anh Huy để trao đổi và xin phá sản. Chuyển, Huy không đồng ý mà tiếp tục cho các công ty trong nhóm An Đô của Hùng vay để đảo nợ nhằm mục đích không để nợ xấu tại VCB Tây Đô. Do vậy Hùng tiếp tục sử dụng các pháp nhân trong nhóm lập chứng từ, hồ sơ khống để ký hợp đồng tín dụng vay vốn tại VCB Tây Đô. Ngoài ra, một số khoản nợ trong nhóm An Đô, VCB Tây Đô tự sử dụng tiền vay của các nhóm khác để đảo nợ Hùng không biết…
Ngược lại, các bị can là cựu lãnh đạo VCB Tây Đô phủ nhận việc hướng dẫn này.