|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Gia tăng tội phạm cướp ngân hàng, NHNN yêu cầu cảnh giác cao độ

21:59 | 06/05/2019
Chia sẻ
Thời gian qua, trên cả nước xảy ra nhiều vụ tội phạm tiến công vào các ngân hàng, các phòng giao dịch ngân hàng để cướp tài sản. Riêng năm 2018, có tới 6 vụ việc nổi cộm. Trước tình hình, Bộ Công an và Ngân hàng Nhà nước vừa phải lên tiếng khuyến cáo việc chủ động phòng ngừa, ngăn chặn cướp.

Ngày 6/5, Ngân hàng Nhà nước Việt nam (NHNN) ban hành văn bản số 3260/NHNN – PHKQ về việc tiếp tục chủ động phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm cướp ngân hàng

Theo đó, Thống đốc yêu cầu NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố, các tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài nghiêm túc thực hiện chỉ đạo về việc tăng cường công tác phòng ngừa tội phạm cướp tiền tại ngân hàng, đảm bảo an toàn kho quỹ, giao dịch tiền mặt và các văn bản chỉ đạo khác có liên quan. Kịp thời phát hiện bất cập, sai sót trong quy định, quy trình, cơ chế phối hợp với cơ quan chức năng, bố trí bảo vệ, cán bộ, cơ sở vật chất,… để nhanh chóng khắc phục sửa chữa, đảm bảo an toàn tuyệt đối kho quỹ.

Cùng đó, các đơn vị trên chủ động, tích cực phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương và cơ quan công an trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm cướp ngân hàng như: Trang bị đầy đủ các các công cụ hỗ trợ cho lực lượng bảo vệ theo quy định; Thực hiện việc kết nối nút báo động khẩn cấp với cơ quan công an nơi gần nhất trên cơ sở tận dụng tối đa cơ sở vật chất sẵn có của các đơn vị; Lắp đặt các camera giám sát bí mật; Xây dựng, hoàn thiện kịch bản, diễn tập các phương án phòng chống cướp ngân hàng; Tăng cường phổ biến phương thức, thủ đoạn, quy luật hoạt động của tội phạm cướp ngân hàng nhằm trang bị kiến thức, tâm lý cho cán bộ, nhân viên ngân hàng, nâng cao khả năng đối phó khi bị cướp tấn công.

Bên cạnh, khuyến khích các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài xem xét, quyết định việc áp dụng các giải pháp phòng, chống tội phạm cướp ngân hàng bằng kỹ thuật tiên tiến, hiện đại phù hợp với thực tế hoạt động, khả năng tài chính và theo thẩm quyền của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài như: Hệ thống báo động khẩn cấp qua simcard điện thoại di động nhằm chống cậy, phá, trộm cắp tiền tại các máy rút tiền tự động (ATM) và kho quỹ ngân hàng,…

Thống đốc yêu cầu, Giám đốc NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước Thống đốc NHNN về đảm bảo tuyệt đối an toàn kho quỹ tại đơn vị mình. Chủ tịch Hội đồng quản trị (Hội đồng thành viên), Tổng Giám đốc (Giám đốc) tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chịu trách nhiệm chỉ đạo, thực hiện các biện pháp cần thiết để tăng cường đảm bảo an ninh, an toàn trụ sở, quầy giao dịch và kho quỹ trong hệ thống của mình; xử lý nghiêm trách nhiệm Giám đốc chi nhánh, phòng giao dịch và những cán bộ có liên quan thiếu trách nhiệm, chủ quan và không thực hiện đúng quy định để xảy ra những tổn thất cho đơn vị.

Gia tăng tội phạm cướp ngân hàng, NHNN yêu cầu cảnh giác cao độ - Ảnh 1.

Ngân hàng Nhà nước yêu cầu toàn hệ thống tăng cường cảnh giác

Thời gian qua, trên cả nước xảy ra nhiều vụ tội phạm tiến công vào các ngân hàng, các phòng giao dịch ngân hàng để cướp tài sản. Riêng năm 2018, có tới 6 vụ việc nổi cộm.

Cụ thể, hồi 15 giờ ngày 26-1-2018, tại phòng giao dịch Dĩnh Kế thuộc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) chi nhánh Bắc Giang, đối tượng sử dụng súng tự chế, khống chế đe dọa nhân viên ngân hàng và cướp đi số tiền là 1,1 tỷ đồng.

Hồi 16 giờ 23 phút ngày 13-9-2018, tại chi nhánh Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (Vietinbank) Tân Hiệp, huyện Châu Giang, tỉnh Tiền Giang, đối tượng đi xe amáy, trùm kín mặt, vào phòng giao dịch sử dụng súng, khống chế, yêu cầu nhân viên phải bỏ tiền vào túi, sau đó lên xe máy tẩu thoát, số tiền bị cướp là 945 triệu đồng.

Rồi vụ cướp tiền tại Ngân hàng Việt Á xảy ra vào ngày 7-12-2018 tại quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh... Những vụ việc nêu trên cho thấy, loại tội phạm cướp ngân hàng đang ngày càng liều lĩnh và gây nguy hiểm cho xã hội.

Theo Bộ Công an, trước khi thực hiện vụ cướp, các đối tượng thường nghiên cứu, tìm hiểu về quy luật và sơ hở trong công tác bảo vệ, giao dịch của trụ sở mục tiêu. Khi thực hiện thường chỉ có từ một đến hai đối tượng, di chuyển bằng xe máy đến hiện trường, lợi dụng thời điểm phòng giao dịch vắng khách, nhân viên bảo vệ mất cảnh giác, thiếu tập trung đã bất ngờ sử dụng vũ khí đe dọa, uy hiếp bảo vệ, nhân viên rồi cướp số tiền lớn, sau đó nhanh chóng tẩu thoát.

Khi gây án, đối tượng thường đội mũ, đeo khẩu trang, bịt mặt, đi găng tay. Các phòng giao dịch, chi nhánh ngân hàng xảy ra cướp thường không lắp đặt hệ thống báo động, hoặc có nhưng không kết nối với cơ quan chức năng, hay hệ thống báo động không có tác dụng, nhân viên không tiếp cận được khi đối tượng đe dọa, khống chế, gây rất nhiều khó khăn cho công tác điều tra, truy bắt đối tượng.

Để chủ động phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm tiến công ngân hàng, Bộ Công an đã đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo hệ thống các ngân hàng, phòng giao dịch, chi nhánh, tổ chức tín dụng tăng cường các biện pháp phòng ngừa.

Trong đó, hệ thống camera giám sát cần được bố trí cả công khai và bí mật, có khả năng theo dõi, kiểm soát từ xa bên ngoài và bên trong trụ sở giao dịch, chất lượng hình ảnh phải đạt chuẩn, có mầu sắc và độ phân giải cao, rõ nét để phục vụ quá trình điều tra, truy xét, nhận dạng đối tượng gây án, phương tiện sử dụng, hướng đến và đi của đối tượng. Hoặc phải lắp đặt hệ thống báo động và phát tín hiệu khẩn cấp được kết nối với cơ quan công an gần nhất và bố trí tại những nơi nhân viên có thể dễ dàng tiếp cận, bí mật kích hoạt.

Các cơ quan chức năng cũng khuyến cáo cán bộ, nhân viên ngân hàng đặc biệt chú ý cảnh giác trong những thời điểm ít khách giao dịch, có lưu lượng tiền lớn. Trang bị công cụ hỗ trợ được pháp luật cho phép sử dụng để nhân viên bảo vệ có khả năng phòng vệ và ngăn chặn các vụ cướp. Các phòng giao dịch cần yêu cầu khách đến giao dịch phải bỏ che mặt, mũ bảo hiểm, bố trí khu vực ngồi chờ riêng với khu vực giao dịch. Dán thông báo để nâng cao tinh thần cảnh giác cho khách hàng và răn đe các đối tượng.



Khánh Huyền