|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Cần 2 - 3 tháng để cân bằng cung cầu thị trường thịt lợn

19:57 | 04/05/2017
Chia sẻ
Đây là thông tin được Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn cho biết về tình hình "giải cứu lợn" tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ ngày 4/5.
con khoang 300 400 nghin tan lon duoc xuat chuong can 2 3 thang de can bang
'Còn khoảng 300 - 400 nghìn tấn lợn được xuất chuồng, cần 2 - 3 tháng để cân bằng'. (Ảnh: Dân trí).

Trước các câu hỏi về vấn đề giá lợn giảm "thê thảm" do cung vượt quá cầu, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Hà Công Tuấn cho biết nhiều giải pháp được đặt ra và nước đầu đã có tín hiệu tích cực.

Tuy nhiên, hiện tại cả nước còn 300 - 400 nghìn tấn lợn đã đủ điều kiện xuất chuồng. Vì vậy, với thực trạng hiện nay, phải 2 - 3 tháng nữa mới có thể đưa thị trường thịt lợn cân bằng cung - cầu.

Thứ trưởng cho biết, những ngày qua, giá thịt lợn hơi đã nhích lên so với thời điểm thấp nhất là 5.000 đồng/kg. Tại các siêu thị, cửa hàng bán lẻ, so với 10 ngày trước đây, giá bán thịt lợn cũng đã giảm. Cùng với việc tăng cường sự ủng hộ từ doanh nghiệp, người dân nên giá lợn hơi hiện đã đảm bảo đưa về gần tương đương với giá thành sản xuất.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Tuấn, đây chỉ là những giải pháp trước mắt, còn về lâu dài, Chính phủ đã họp bàn và đề ra nhiều giải pháp. Theo ông, giải pháp quan trọng nhất là phải giải quyết tốt cung cầu, rà soát lại quy mô tổng đàn, cơ cấu hợp lý đàn lợn nái; tổ chức liên kết chuỗi. Đặc biệt, thời gian tới các bộ, ngành sẽ giải quyết vấn đề mở rộng thị trường, đặc biệt là thị trường Trung Quốc.

Vị Thứ trưởng thông tin, những năm trước thị trường Trung Quốc chủ yếu nhập khẩu thịt lợn theo đường tiểu ngạch với số lượng lớn. Tuy nhiên, trong 4 tháng đầu năm nay, số lượng lợn được Trung Quốc nhập khẩu chưa được 10% so với năm ngoái nên ảnh hưởng lớn đến việc tiêu thụ thịt lợn.

Cũng liên quan đến việc xuất nhập khẩu thịt lợn, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết thực trạng hiện lượng thịt và các sản phẩm liên quan tới lợn tạm nhập tái xuất qua Việt Nam bằng hơn 50% sản lượng sản xuất thịt lợn trong nước.

"Tuy là nhập khẩu vào Việt Nam để xuất khẩu đi nước khác nhưng cũng không tránh được trường hợp hàng hóa quay trở lại, thẩm lậu vào nội địa", Thứ trưởng Bộ Công Thương chia sẻ. Mặt hàng tạm nhập, tái xuất liên quan đến thịt lợn chủ yếu là lục phủ ngũ tạng nhập khẩu vào Việt Nam sau đó xuất sang Trung Quốc và có một số lượng lớn thẩm lậu vào Việt Nam.

Vị Thứ trưởng khẳng định vấn đề này đang được Ban chỉ đạo 389 quốc gia rất quan tâm và đang có sự kiểm soát chặt chẽ. Tuy vậy, theo ông, Chính phủ cần có biện pháp kiểm tra khắt khe hơn, thậm chỉ là tạm dừng tạm nhập, tái xuất mặt hàng này để tránh gây ảnh hưởng đến thị trường trong nước.

Còn đối với các thị trường xuất khẩu khác ngoài Trung Quốc, thịt lợn và rau quả của Việt Nam cũng đang bị hạn chế đầu ra. Nguyên nhân chủ yếu do chất lượng mặt hàng chưa đảm bảo, thịt lợn Việt Nam mới chỉ xuất được sang Malaysia và Hồng Kông. Nhưng Việt Nam chủ yếu xuất khẩu lợn sữa với số lượng không lớn, mặt hàng rau quả cũng tương tự.

Bên cạnh các Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương, ngành ngân hàng cũng vào cuộc chia sẻ nỗi lo giá lợn với người dân. Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, NHNN đã cử các đoàn khảo sát tại các địa phương có số lượng chăn nuôi lợn lớn, xem xét xử lý, giãn nợ được hơn 364 tỷ đồng cho các cơ sở chăn nuôi lợn. Cùng với đó, Thống đốc NHNN cũng đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại tạm hoãn, giãn nợ, theo vào khả năng tài chính giảm lãi suất cho vay cho doanh nghiệp và hộ chăn nuôi.

Phó Thống đốc thông tin, hiện dư nợ toàn ngành chăn nuôi lợn đạt gần 30.000 tỷ đồng, trong đó cho vay ngắn hạn chiếm hơn 12.660 tỷ đồng, chiếm 43%, còn lại là cho vay dài hạn. Trong đó, 90% dư nợ thuộc về cá nhân và hộ gia đình, còn lại doanh nghiệp , hợp tác xã chỉ chiếm 10%. Tỷ lệ nợ xấy ngành chăn nuôi đã tăng lên 352 tỷ đồng. Ông Tú cho rằng dù mới chiếm 1,2% dư nợ toàn ngành nhưng vẫn cần phải có giải pháp tháo gỡ cho người nông dân và doanh nghiệp.

Nam Anh