Giải cứu thịt lợn và bài học cho nông nghiệp Việt Nam
Mặc dù “cơn bão” giảm giá thịt lợn đã qua thời kỳ giá rớt mạnh nhất, nhưng gia đình anh Lê Huy Mạnh (Ngọc Lũ, Hà Nam) vẫn chưa hết bàng hoàng vì số tiền lỗ quá lớn. Tới đây, gia đình anh cũng không biết lấy gì để trả nợ tiền vay ngân hàng. Vì có bán hết số lợn còn lại trong chuồng thì số nợ còn lại vẫn lên tới gần 2 tỷ đồng.
Tan hoang sau “bão giá”
Xã Ngọc Lũ (Bình Lục, Hà Nam) trong cái nắng nóng oi nồng những ngày cuối tháng 5, không khí càng trở nên ngột ngạt bởi mùi hôi thối bốc lên từ hàng ngàn chuồng lợn của các hộ dân trong xã. Các rãnh, mương nước, ao, hồ đều có màu đen đặc quánh, bốc mùi nồng nặc. Tiếng lợn kêu “đinh” tai vì thiếu ăn.
Mặc dù trời nắng chang chang nhưng những còn đường trong xã vẫn rất lầy lội, ổ voi, ổ gà chi chít như tổ ong. Hàng ngày, những con đường này đang phải oằn mình chịu đựng hàng trăm chiếc xe chở lợn ngược xuôi.
Từ hàng chục năm nay, người dân Ngọc Lũ vẫn sống như vậy, họ chấp nhận ô nhiễm, độc hại, dịch bệnh, chỉ để đánh đổi lấy mơ ước vươn lên làm giàu với nghề chăn nuôi lợn. Và Ngọc Lũ đã trở thành "thủ phủ" nuôi lợn lớn nhất miền Bắc với số lượng hơn 40.000 con. Thực sự, chăn nuôi lợn đã có thời gian giúp người dân làm giàu, nhiều gia đình xây được nhà cửa khang trang, con cái được học hành tử tế.
Nhưng họ không thể ngờ rằng, đến một ngày giá lợn lại “tụt dốc không phanh”, khiến nhiều gia đình khuynh gia bại sản. Chỉ sau 6 tháng thịt lợn rơi vào vòng xoáy giảm giá, một số hộ còn phải “gánh” số nợ hàng tỉ đồng mà không biết trả bằng cách nào.
Trong các hộ chăn nuôi lợn ở Đội 12, xã Ngọc Lũ (Huyện Bình Lục, Hà Nam), gia đình anh Lê Huy Mạnh đang phải gánh chịu hậu quả nặng nề nhất. Bởi thời điểm ra gia đình anh bỏ ra hơn 1 tỷ đồng để xây dựng chuồng trại, tăng đàn lên thành 1.000 con lại rơi đúng vào thời điểm giá lợn bắt đầu “lao dốc”.
Tháng 6/2016 anh bắt đầu xây dựng thêm 20 ô chuồng, đón thêm hàng trăm con lợn giống. Gia đình anh chuẩn bị “thu hoạch” lứa lợn đầu tiên sau khi sửa sang chuồng trại thì giá lợn bắt đầu rớt giá. Tháng 9/2016, lợn hơi từ mức 56.000 đồng/kg giảm xuống 50.000 đồng/kg, rồi xuống 47.000 đồng/kg. Đến khi giảm xuống 38.000 đồng/kg, người dân Ngọc Lũ cho rằng, giá lợn sẽ không thể giảm thêm nữa.
Tuy nhiên, đến tháng 2/2017, giá lợn hơi tiếp tục “tụt dốc”, xuống còn 22.000 đồng/kg, xuống tiếp mức 15.000 đồng/kg vào tháng 3/2017. Hiện nay, giá lợn hơi đã nhích lên mức 18.000 – 20.000 đồng/kg, nhưng vẫn chỉ bằng một nửa so với chi phí bỏ ra.
Anh Lê Huy Mạnh và những ô chuồng bỏ trống sau "cơn bão" thịt lợn. Ảnh: Hữu Vinh. |
“Chúng tôi cảm thấy bàng hoàng, sững sờ và bất lực trước việc giá lợn giảm giá quá nhanh. Trước đây, tôi bán lợn 7 – 8 triệu đồng/con nhưng giờ chỉ 2,3- 2,4 triệu đồng/lợn, bằng 1/3 so với trước. Bán mỗi con lợn gia đình tôi lỗ từ 3 - 4 triệu đồng. Bán lợn nặng 150 kg còn không bằng giá lúc mua con giống, chưa kể tới việc phải bỏ ra hơn 5 tháng chăm sóc, tiền thức ăn chăn nuôi”, anh Mạnh nói.
Với ánh mắt đượm buồn, anh Mạnh cho hay, từ quy mô hơn 1.000 đầu lợn, anh đã phải bán bớt 600 con để trả nợ, nhiều ô chuồng bị bỏ trống. Lợn cũng bị cắt 2/3 lượng cám nhưng do thua lỗ và lợn không bán được lợn, mỗi ngày anh vẫn phải mua “chịu” từ đại lý gần 4 triệu đồng tiền cám để cho lợn ăn. Trong 3 đại lý bán cám cho gia đình anh Mạnh, 1 đại lý đã ngừng cung cấp vì số nợ của anh quá lớn. Do đó, một số lợn yếu, lợn bé được anh thả tự do ngoài vườn, tự kiếm ăn vì anh không còn tiền để tiếp tục nuôi chúng.
Cùng chung cảnh ngộ này, nhưng thiệt hại ít hơn vì số đầu con chỉ bằng 1/3 so với anh Mạnh, bà Phạm Thị Phương (hàng xóm nhà anh Mạnh) cũng mất ăn mất ngủ vì cơn bão giá lợn. “Giá lợn giảm kỷ lục, nhiều lúc gọi thương lái họ không đến mua. Trong khi, hàng ngày vẫn phải cho lợn ăn, tốn 3- 4 triệu đồng tiền cám. Lợn đói, kêu đinh tai nhức óc. Sót công, sót của khiến tôi nhiều đêm mất ăn mất ngủ”, bà Phương chia sẻ.
Nhớ lại thời điểm trong tâm bão lợn giảm giá, bà Phương nói: “Cứ 3- 4 giờ sáng là tôi tỉnh giấc, không ngủ lại được, ăn miếng cơm nuốt không trôi. Tôi không thể tin bán mỗi con lợn lại lỗ tới 3-4 triệu đồng. Tuổi chúng tôi cũng già rồi, gánh số nợ quá lớn không biết đến bao giờ mới trả nợ được”.
Đối diện nhà anh Mạnh, gia đình ông Phạm Bá Vinh cũng chăn nuôi 350 con lợn. Cơn bão giá lợn đã “quét” gần hết số lợn trong chuồng nhà ông. “Số tiền mua cám cứ ngày càng nhiều thêm mà chúng tôi không còn vốn liếng để tiếp tục cho lợn ăn. Nên giá lợn xuống thấp cũng phải bán để trả nợ ngân hàng. Nhiều đêm thức trắng suy nghĩ vì tiếc của, tiếc nhiều ô chuồng phải để không mà bất lực, không biết làm thế nào”, ông Vinh nói.
Không chỉ người chăn nuôi mà các đại lý bán cám cũng “lao đao” vì người dân không có tiền trả nợ. Ông Văn Định, Chủ đại lý cám Vượng – Định ở xã Ngọc Lũ cho biết: “Nhà nợ ít cũng vài chục triệu, nhà nợ nhiều lên tới vài trăm triệu. Giờ chúng tôi không thể bán chịu thêm nữa, ai có tiền mới xuất cám. Những khoản nợ trước đây sẽ khoanh lại. Tuy nhiên, với giá lợn thấp như hiện nay thì không biết đến bao giờ tôi mới đòi được nợ”.
Theo ghi nhận tại Ngọc Lũ, số người nuôi lợn trên địa bàn xã đã giảm một nửa, nhiều hộ chăn nuôi bỏ trống chuồng trại. Hiện nỗi lo nhất của người chăn nuôi, cũng như các đại lý cám của địa phương là sẽ lấy đâu ra tiền để trả nợ ngân hàng.
Theo đại diện UBND xã Ngọc Lũ, trên địa bàn xã có tới 80% hộ dân chăn nuôi lợn. Trong đó, khu Đội 12 là một trong những khu vực chăn nuôi trọng điểm, có lúc lên tới 10.000 con lợn.
Đối mặt với nợ nần chồng chất
Theo người dân Ngọc Lũ, trong đợt khủng hoảng giá lợn này, nhà nào cũng thua lỗ, hộ ít thì vài trăm triệu, hộ nhiều lên tới vài tỷ đồng. Nhà nuôi ít, trước tích góp được bao nhiêu thì giờ cũng “tay trắng”, những nhà nuôi nhiều thì mắc nợ ngân hàng, đại lý thức ăn chăn nuôi.
Cơn bão lợn đi qua đã để lại cho gia đình anh Lê Huy Mạnh số nợ “khổng lồ” trên 2 tỷ đồng và đống chuồng trại bỏ trống mà theo lời anh thì đó chỉ còn là đống rác thải, cho không ai lấy.
“Tôi vay ngân hàng 300 triệu đồng, mới trả được 100 triệu đồng. Nợ 3 đại lý cám 1,8 tỷ đồng. Ngoài ra, còn vay của anh em họ hàng. Ước tính số nợ của tôi hiện trên 2 tỷ đồng. Lúc hoảng loạn nhất cũng qua rồi, nhưng bây giờ tôi cũng chẳng biết làm thế nào. Vì giá lớn vẫn rất thấp, đành cầm cự để qua đợt giảm giá này, cố gắng duy trì số lợn còn lại”, anh Mạnh nói.
Anh Mạnh đã phải giảm đàn lợn nái từ 35 xuống còn 22 con, anh không dám bán hết số nái này. Vì theo anh, bán hết sẽ không còn đường lùi, cố gắng nuôi một ít để thu lại chút vốn liếng, trả nợ ngân hàng, trả nợ đại lý cám và có cơ hội phát triển sau này.
Trước mắt, để duy trì sinh hoạt gia đình, vợ anh Mạnh đã phải xoay sang bán hàng ngoài chợ để kiếm đồng ra đồng vào. Trước gia đình anh thuê nhân công nuôi lợn, nhưng giờ một mình anh phải cáng đáng hết mọi công việc trong trại lợn.
Còn theo bà Phạm Thị Phương, đội 12, xã Ngọc Lũ, với quy mô đàn 350 con, số lợn này đã khiến gia đình bà lỗ trên 1 tỷ đồng. Trừ đi phần vốn tích lũy hơn chục năm làm nghề nuôi lợn, hiện gia đình bà Phương đang mắc nợ 350 triệu đồng, trong đó 250 triệu đồng nợ các đại lý cám. Với số lượng lợn còn lại trong chuồng chỉ tương đương 40 triệu đồng thì bà không biết lấy đâu ra tiền để trả hết số nợ này.
Nhiều ô chuồng ở nhà bà Phương cũng bị để trống sau "cơn bão" thịt lợn. Ảnh: Hữu Vinh. |
Không bi đát như gia đình bà Phương và anh Mạnh, nhưng gia đình ông Phạm Bá Vinh cũng “trắng tay” sau cơn bão giá lợn. Bao nhiêu tiền của tích góp được qua hơn chục năm nuôi lợn đã “ra đi” chỉ trong vài tháng.
“Tính ra, tổng số lỗ của chúng tôi là hơn 1 tỷ đồng. Vốn liếng sau hơn 10 năm tích góp và bán gần 200 con lợn mới đủ trả nợ. Chúng tôi vừa trả nốt 300 triệu đồng cho ngân hàng để khỏi phải nợ nần, nhưng giờ chẳng còn gì để tiếp tục sinh sống. Nghề nuôi lợn đã gắn bó với Ngọc Lũ vài chục năm nay, nếu không nuôi lợn chúng tôi cũng chưa biết sẽ làm gì”, ông Vinh chia sẻ.
Theo các hộ chăn nuôi ở Ngọc Lũ, trước đây, lợn được bán sang Trung Quốc nên họ không lo về giá cả. Tuy nhiên, hiện nay việc xuất khẩu gặp nhiều khó khăn nên lượng lợn dư thừa quá lớn, khiến nhiều nông dân mất trắng toàn bộ gia sản và rơi vào cảnh nợ nần.
Mặc dù, chính quyền từ trung ương tới địa phương đã nhiều lần kêu gọi “giải cứu” đàn lợn, nhưng số lượng lợn dư thừa vẫn quá lớn so với nhu cầu của thị trường trong nước, khiến giá lợn hơi không nhích lên được bao nhiêu và người dân Ngọc Lũ vẫn phải tiếp tục chờ đợi, hy vọng.
Trước cuộc “giải cứu” lợn năm 2017, hàng loạt nông sản Việt Nam đã phải nhờ người dân cả nước giải cứu Thanh long: Năm 2015 sản lượng thanh long Bình Thuận tăng mạnh, nhưng Trung Quốc lại bất ngờ ngừng nhập khẩu. Thanh Long giảm giá nhanh chóng, xuống chỉ còn hơn 1.000 đồng/kg. Sản lượng 1.500 tấn Thanh long có nguy cơ vứt cho gia súc ăn. Nhiều tỉnh, thành phố đã phải tham gia giải cứu. Dưa hấu: Năm 2015 và 2017, dưa hấu Quảng Nam, Quảng Ngãi giảm giá kỷ lục, hàng ngàn tấn dưa có nguy cơ đổ bỏ. Nhiều cơ quan, công ty, doanh nghiệp đã giúp nông dân hai tỉnh này tiêu thụ dưa hấu. Hành tím: Đầu năm 2015, Indonesia bất ngờ ngừng nhập khẩu hành tím. 150.000 tấn hành tím ở Sóc Trăng không có nơi tiêu thụ, giá giảm chỉ còn 3.000 đồng/kg. Lực lượng thanh niên, đoàn viên đã phải vào cuộc “giải cứu”. Chuối: Đầu năm 2016, Trung Quốc nhập khẩu chuối Việt Nam và đẩy giá lên cao. Nông dân Nam Bộ ồ ạt trồng chuối. Đầu năm 2017, sản lượng chuối quá lớn khiến nguồn cung dư thừa. Trong khi đó, Trung Quốc lại nhập khẩu chuối từ Phillipine khiến giá chuối ở Việt Nam giảm mạnh. Tuy nhiên, không có cuộc giải cứu nào lớn như đối với thịt lợn trong thời gian qua. Từ Chính phủ tới các bộ, ngành, các tỉnh, thành phố đều được kêu gọi để giúp đỡ người chăn nuôi tiêu thụ thịt lợn. Thịt lợn giảm giá đã ảnh hưởng tới 3 triệu hộ chăn nuôi lợn trên cả nước. |