Campuchia thu về gần 100 triệu USD từ xuất khẩu cao su trong 4 tháng đầu năm 2021
Theo Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản Campuchia, xuất khẩu cao su tự nhiên của nước này đạt 61.056 tấn, trị giá 99,87 triệu USD trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 4 năm 2021, giảm 15% về lượng nhưng tăng 2,5% về trị giá so với 71.749 tấn và 97,43 triệu USD của cùng kỳ năm 2020.
Nguyên nhân khiến doanh thu từ xuất khẩu cao su của Campuchia tăng là do giá cao hơn hồi đầu năm ngoái.
Ông Men Sopheak, chủ sở hữu của Sopheak Nika Investment Agro-Industrial Plants Co Ltd, một công ty kinh doanh cao su tại Campuchia cho biết, nhu cầu gia tăng ở Trung Quốc, thị trường tiêu thụ cao su lớn nhất thế giới, đã đẩy giá cao su ở Campuchia tăng kể từ đầu vụ cao su hiện tại.
Giá cao su Campuchia trung bình tại các cảng Việt Nam ở mức khoảng 1.800 USD/tấn, tăng so với mức hơn 1.400 USD của cùng kỳ năm trước.
Heng Piseth, người đứng đầu Sở Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản tỉnh Tbong Khmum, nơi có 78.000 ha diện tích trồng cao su, cho biết nhiều người đã không còn muốn đầu tư vào vào trồng cao su, một số gia đình và công ty thậm chí còn chuyển sang trồng hạt điều hoặc chuối.
Do đó, sản lượng cao su của tỉnh có thể sẽ tương đương với năm ngoái.
"Giá mà các thương nhân và công ty mua cao su từ nông dân năm nay cao hơn đôi chút do nhu cầu trên thị trường quốc tế tăng", Piseth cho biết.
Theo Tổng cục Cao su Campuchia, các đồn điền cao su ở Campuchia có tổng diện tích là 404.159 ha. Trong số này, 292.497 ha (72%) được khai thác để lấy mủ, trong khi 111.663 ha (28%) đang trong giai đoạn chưa trưởng thành và chưa cho thu hoạch.
Năm 2020, Campuchia đã xuất khẩu hơn 350.000 tấn cao su trong 2020, thu về hơn 482 triệu USD, với hầu hết các lô hàng xuất khẩu sang Trung Quốc, Việt Nam, Singapore và Malaysia.