Campuchia miễn thuế cho các nhà máy ảnh hưởng do dịch COVID-19
Thủ tướng Campuchia Hun Sen ngày 24/2 cam kết sẽ miễn giảm thuế cho các nhà máy may mặc bị ảnh hưởng bởi sự gián đoạn nguồn cung, do dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 và thuế quan gia tăng sau khi Liên minh châu Âu (EU) rút lại các ưu đãi thương mại đối với nước này.
Tình trạng cách ly và hạn chế đi lại ở Trung Quốc đã gây ảnh hưởng đến dòng luân chuyển hàng hóa và tình trạng thiếu hụt nguồn cung đang khiến chuỗi cung ứng toàn cầu lao đao.
Sự gián đoạn này đang gia tăng thêm áp lực cho ngành may mặc của Campuchia, trong bối cảnh ngành chủ chốt này đang chuẩn bị cho việc mất đi khoảng 20% các ưu đãi thương mại mà nước này đang được hưởng theo quy chế “Tất cả trừ vũ khí” (EBA).
Tỷ lệ này tương đương với khoảng 1 tỷ euro (1,1 tỷ USD) kim ngạch xuất khẩu. EU hiện áp dụng EBA đối với 48 quốc gia trong số những nước nghèo nhất thế giới.
Ủy ban châu Âu sẽ thay thế quy chế miễn thuế bằng các mức thuế tiêu chuẩn đối với các mặt hàng giày dép và may mặc, tất cả các mặt hàng liên quan du lịch và đường, trong đó mức thuế tiêu chuẩn cho hàng may mặc là 12%.
Tổng kim ngạch xuất khẩu của Campuchia sang EU năm 2018 đạt 5,4 tỷ euro (5,9 tỷ USD), cao gấp đôi năm 2013.
Trước tình hình đó, Thủ tướng Hun Sen cho biết bất kỳ nhà máy nào bị “ảnh hưởng nghiêm trọng” vì dịch COVID-19 hay thuế quan gia tăng nói trên sẽ được miễn thuế ít nhất sáu tháng.
Nhà lãnh đạo Campuchia nói thêm chính phủ sẽ hỗ trợ trả lương một phần cho người lao động nếu hoạt động sản xuất phải tạm ngừng.
Cụ thể, khi tạm ngừng hoạt động, các nhà máy sẽ trả 40% lương tối thiểu cho công nhân, trong khi chính phủ sẽ trả thêm 20% nữa, có nghĩa là người lao động sẽ nhận được tổng cộng 60% lương hiện tại của mình.
Thủ tướng Hun Sen cũng cam kết miễn thuế trong bốn tháng cho các khách sạn và nhà nghỉ nhằm giúp bù đắp những thiệt hại đối với ngành du lịch do dịch COVID-19.