|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Cái giá của nhượng quyền thương hiệu

21:01 | 14/11/2018
Chia sẻ
Thay vì đầu tư và phát triển một thương hiệu mới sẽ tốn nhiều thời gian, nguồn lực tài chính, việc tìm kiếm thương hiệu đã thành công trên thị trường quốc tế là một trong những giải pháp cho các doanh nghiệp gia nhập thị trường, lĩnh vực kinh doanh mới một cách nhanh chóng.
cai gia cua nhuong quyen thuong hieu Thời của nhượng quyền thương hiệu
cai gia cua nhuong quyen thuong hieu

Khách theo dõi cách pha chế trà, cà phê và chờ dùng thử sản phẩm của doanh nghiệp tại một gian hàng trong khuôn khổ triển lãm. Ảnh: N.H.

Mặc dù có nhiều sự thuận lợi, song mức giá phải trả cho việc nhượng quyền thương hiệu không phải thấp. Các chuyên gia đã đưa ra thông tin nay trong Triển lãm quốc tế Công nghệ cửa hàng và nhượng quyền thương hiệu lần thứ 10 (VIETRE) và Triển lãm quốc tế cà phê lần thứ 3 do Coex Việt Nam và Retail and Franchise Asia, Hiệp hội các Nhà bán lẻ Việt Nam và Công ty cổ phần Quảng cáo và Hội chợ thương mại Vinaxad hợp tác tổ chức từ ngày 1 đến 3/11 vừa qua tại Trung tâm hội chợ và triển lãm Sài Gòn (quận 7, TPHCM).

Một câu chuyện thực tế

Anh V.D., Giám đốc một doanh nghiệp xuất khẩu nông sản tại TPHCM, đến triển lãm với mục tiêu tìm kiếm một thương hiệu nhượng quyền để phát triển kinh doanh trên thị trường nội địa. Anh cho biết đây là lĩnh vực mới mà công ty muốn đầu tư nên cần nhiều thành viên trong ban giám đốc cùng trải nghiệm và sau đó mỗi người đưa ra đánh giá để quyết định chọn thương hiệu nào. Trong đó, mức giá nhượng quyền là điều anh quan tâm nhất.

Phát biểu tại buổi làm việc liên quan đến nhượng quyền thương mại giữa Việt Nam và Malaysia, một buổi hội thảo trong khuôn khổ triển lãm, bà Nguyễn Phi Vân, một chuyên gia về nhượng quyền thương mại, cho biết Việt Nam là một nước có dân số đông nên nhu cầu tiêu dùng ngày càng tăng và đây là cơ hội tốt để có những thương vụ nhượng quyền. Điều này cũng thể hiện khá rõ khi số lượng những doanh nghiệp nước ngoài đến tham gia khá đông.

Cụ thể, theo thông tin từ ban tổ chức, triển lãm thu hút khoảng 50 doanh nghiệp đến từ 14 quốc gia, vùng lãnh thổ như Hàn Quốc, Malaisia, Đài Loan, Trung Quốc…. với 150 mô hình nhượng quyền. Để tiếp cận khách hàng dễ dàng hơn, gần như các gian hàng của các doanh nghiệp nước ngoài đều bố trí những nhân viên người Việt Nam hoặc nói được tiếng Việt để làm cầu nối với khách tham quan. Một số doanh nghiệp tham gia triển lãm chia sẻ với Sài Gòn tiếp thị là họ có tham vọng xâm nhập thị trường Việt Nam trong thời gian tới, trong đó, những thành phố lớn như TPHCM, Hà Nội là đích nhắm.

Nhượng quyền một thương hiệu giá bao nhiêu?

Nhìn chung giá nhượng quyền mà các công ty đưa ra không đồng nhất và phụ thuộc vào cách đánh giá “sức mạnh” của mỗi thương hiệu. Cụ thể, một thương hiệu trà sữa đến từ Đài Loan cho biết giá nhượng quyền thương hiệu trà sữa này trên toàn lãnh thổ Việt Nam là 200.000 đô la Mỹ (khoảng 4,6 tỉ đồng), bao gồm tên thương hiệu trà sữa này và công thức chế biến các loại trà sữa có trong thực đơn của công ty đang kinh doanh.

Nhưng cũng một thương hiệu trà sữa khác cũng đến từ Đài Loan, trong tờ rơi phát tại triển lãm, mức phí cấp phép nhượng quyền là 68.000 đô la Mỹ (hơn 1,5 tỉ đồng), song công ty này đưa ra chương trình giảm giá đặc biệt khi giảm 12.000 đô la Mỹ (khoảng 276 triệu đồng) cho khách hàng nào ký hợp đồng nhượng quyền ngay tại hội chợ và chuyển khoản trước 30% trong ba ngày.

Một công ty đến từ Hàn Quốc với các loại thức ăn như pizza, các món chế biến từ thịt gà dù không cho biết con số cụ thể nhưng chia sẻ rằng doanh nghiệp Việt Nam muốn được nhượng quyền thì phải trả cái giá khá cao. “Hiện tại, thương hiệu chúng tôi nổi tiếng ở Hàn Quốc với 650 cửa hàng, đã có mặt tại tại Trung Quốc, Singapore, Malaysia. Điều đó chứng tỏ thương hiệu của chúng tôi dễ dàng nhận diện ở các nước, đi liền với đó là mức giá tương xứng”, một nhân viên tại gian hàng của thương hiệu này cho biết.

Theo bảng công bố xếp hạng 500 thương hiệu nhượng quyền trong năm 2018 trên trang entrepreneur.com, giá nhượng quyền của những thương hiệu này từ vài chục ngàn đến vài trăm ngàn đô la Mỹ, thậm chí có những thương hiệu có giá rất cao như Dunkin’ với 1,7 triệu đô la, cao nhất là McDonald’s với mức giá 2,2 triệu đô la.

Triển lãm quốc tế Công nghệ cửa hàng và nhượng quyền thương hiệu không chỉ có những ngành hàng ăn, uống mà còn xuất hiện thêm một số lĩnh vực khác như dịch vụ, thẩm mỹ, giáo dục…. Điều đó chứng tỏ nhượng quyền đang là hình thức phát triển mạnh trong những năm qua và hứa hẹn tiếp tục là lĩnh vực sôi động trong những năm tới.

Theo phía Coex Việt Nam, một trong những đơn vị tổ chức, đây là triển lãm thường niên mà công ty muốn duy trì nhằm tạo điều kiện cho các bên có một sân chơi, có thể một lúc gặp được nhiều doanh nghiệp muốn nhượng quyền, những doanh nghiệp đang tìm kiếm cơ hội làm ăn có thể gặp gỡ một lúc được nhiều đối tác tiềm năng chỉ trong một thời gian ngắn.

Tự Phong

[Cập nhật] KQKD ngân hàng 2024: Xuất hiện nhà băng có lợi nhuận tăng bằng lần
Nhiều ngân hàng thông báo vượt chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh đã được đại hội đồng cổ đông giao. Trong đó, một số nhà băng ước tính tăng trưởng lợi nhuận, dư nợ tín dụng cả năm 2024 sẽ ở mức hai con số.