|
 Thuật ngữ VietnamBiz

Cách phân tích và dự đoán tình hình tài chính để ra quyết định sáng suốt

23:04 | 16/07/2020
Chia sẻ
Không một ai trong chúng ta có khả năng miễn nhiễm với thảm họa tài chính nhưng vẫn có nhiều cách để phân tích và dự đoán những gì sắp xảy ra, từ đó đưa ra các quyết định sáng suốt.

Có một thực tế là tiền ở khắp mọi nơi và bạn có thể kiếm tiền, chi tiêu cũng như đầu tư trong cùng một thời điểm. 

Tuy nhiên, theo Business Insider, nhiều người trong chúng ta vì những vấn đề khách quan hay chủ quan mà có thể bị thất thoát tiền bạc, tài sản, từ đó dẫn đến việc nhanh chóng từ bỏ kế hoạch tài chính cá nhân. Một số người chia sẻ rằng họ chỉ đơn giản là không đủ thời gian hoặc của cải để cảm thấy cần phải có một kế hoạch tài chính.

Tầm quan trọng của một kế hoạch tài chính

Nếu bạn có những mục tiêu cần tiền để đạt được, cho dù đó là nghỉ hưu sớm hay sở hữu một ngôi nhà hoặc đi du lịch nhiều nơi thì bạn buộc phải có một kế hoạch tài chính. Hạn chế chi tiêu và tiết kiệm cho một ý thích có thể là bước đi hiệu quả trong một thời gian ngắn nhưng sự thiếu vắng định hướng mục tiêu sẽ khiến mọi thứ sụp đổ.

Dĩ nhiên, ngay cả với một kế hoạch tài chính thì vẫn luôn có nguy cơ xảy ra sai lầm với việc đầu tư kiếm tiền và quản lí tiền. 

Theo các chuyên gia tài chính thì "Sự hoàn hảo là kẻ giết người trong một kế hoạch tài chính". Nhìn chung, khi có khủng hoàng tài chính cá nhân như bội chi ngân sách hoặc bạn phải trải qua đợt khủng hoảng kinh tế thì kế hoạch tài chính vẫn là yếu tố quyết định thành công cho bạn.

Làm sao để phân tích và dự đoán tình hình tài chính?

1. Xem xét những quyết định tài chính có lợi cho tương lai của bạn

Cách phân tích và dự đoán tình hình tài chính để ra quyết định sáng suốt - Ảnh 1.

Tìm ra mục tiêu tài chính là cách để bạn bắt đầu phấn đấu, nỗ lực cho các mục tiêu đó.

"Mọi người thường cảm thấy khó khăn ngay cả khi phải quyết định xem những điều gì sẽ có lợi cho bản thân họ trong tương lai", bà Katy Milkman - Giáo sư tại Trường Wharton thuộc Đại học Pennsylvania, nước Mỹ chia sẻ. 

Nghiên cứu của bà tập trung vào cách mà mỗi chúng ta học hỏi để hiểu về kinh tế và tâm lí học, sau đó áp dụng để phân tích và dự đoán tình hình tài chính cũng như các lĩnh vực khác của cuộc sống.

Theo đó, xu hướng hiện nay của người trẻ chủ yếu xoay quanh việc "thiên vị" cho hiện tại. Điều đó có nghĩa là chúng ta tập trung năng lực, tiền bạc của mình vào những nhu cầu ở hiện tại, phục vụ cho những mong muốn ngay lúc này. Chúng ta có thể thiếu cân nhắc về những nguy cơ sẽ xuất hiện trong tương lai, ví dụ như mất việc, khủng hoảng tài chính, v.v.

Khi không có nhìn nhận và dự đoán về tình hình tài chính trong tương lai, bạn có thể có những quyết định mua sai lầm và thậm chí là không để tiết kiệm và đó là một mối nguy thực sự. 

Nếu bạn gặp khó khăn trong việc bảo vệ động lực để kiếm và tiết kiệm tiền cho mục tiêu dài hạn thì bạn có thể bắt đầu bằng cách đặt mục tiêu vi mô vì mục tiêu của bạn càng gần thì bạn sẽ càng có động lực và khả năng thực hiện được.

2. Kiểm soát tình hình tài chính của bạn

Cho dù có định hướng cho tương lai thì rất có thể bạn cũng sẽ không có cách nào loại bỏ tất cả mọi rủi ro xảy ra trên con đường của bạn. Tuy nhiên, thông thường thì những sai lầm tài chính lớn nhất xảy ra chỉ vì người ta không chuẩn bị sẵn sàng cho nó.

Khi xây dựng và thực hiện kế hoạch tài chính, bạn luôn phải tính đến những trường hợp bất ngờ vì chắc chắn sẽ có những cản trở, thách thức chặn bước chân của bạn, chỉ là bạn không biết khi nào thì nó xảy ra mà thôi. 

Bạn có thể coi các khoản chi vào các tình huống bất khả kháng là "chi phí đặc biệt". Giả sử, nếu bạn lên kế hoạch và tính toán rõ ràng tiền thuê nhà, tiền mua thực phẩm, v.v. thì bạn vẫn phải tính thêm khoản chi phí đặc biệt khác như đi nhà hàng, bị bệnh, v.v. Nhìn chung, bạn không nên chỉ nghĩ về các khoản cố định.

3. Tập trung vào sự nhất quán thay vì sự hoàn hảo

Giống như giữ dáng và ăn uống lành mạnh, quản lí tài chính tốt là một nhiệm vụ liên tục. Bạn đừng hướng đến sự hoàn hảo mà thay vào đó hãy duy trì tính nhất quán, duy trì quyết tâm và sự kiên trì. 

Đôi khi một cuộc khủng hoảng là một lời nhắc nhở rằng luôn có rủi ro và nếu bạn gặp sai lầm thì cũng không sao cả, điều quan trọng hơn là bạn tiếp tục tiến về phía trước.

Thu Phương