|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Cách nào xuất khẩu cà phê bền vững?

08:42 | 20/02/2017
Chia sẻ
Năm 2017 xuất khẩu cà phê sẽ giảm từ 20 đến 30% so với 2016, do hạn hán, đặc biệt là do diện tích cà phê già cỗi ngày một tăng... Để xuất khẩu cà phê bền vững, ngoài việc đẩy mạnh tái canh thì việc nâng cao chất lượng, xuất khẩu cà phê chế biến là những giải pháp tối ưu thời gian tới. 

Tái canh chậm

Theo Hiệp hội Cà phê, ca cao Việt Nam (Vicofa) xuất khẩu mặt hàng cà phê năm 2017 sẽ chỉ đạt khoảng 1,3 triệu tấn, giảm 20-30% so với năm trước. Việc sản lượng cà phê sụt giảm đã được cảnh báo từ nhiều năm nay khi diễn biến thời tiết ngày một cực đoan, hạn hán xảy ra trên diện rộng tại các tỉnh Tây Nguyên. Ngoài ảnh hưởng của thời tiết, sản xuất cà phê cũng đang đối diện nhiều khó khăn khác. Theo Bộ NN&PTNT, từ năm 2014 đến năm 2020, diện tích cà phê cần tái canh tại 5 tỉnh Tây Nguyên là 120.000ha, trong đó tái canh thay thế 90.000ha, ghép cải tạo 30.000ha. Tuy nhiên, theo thống kê mới đây nhất của các tỉnh, từ năm 2010 đến năm 2016, 5 tỉnh Tây Nguyên mới tái canh được 80.000ha.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh cho rằng: Việc tái canh cà phê đang diễn ra rất chậm. Nguyên nhân do các tỉnh chưa cân đối cũng như điều chỉnh cụ thể quy hoạch. Bên cạnh đó, nguồn vốn tái canh còn hạn chế, các doanh nghiệp khó tiếp cận vốn vay... Đặc biệt, do năng suất thấp, nhiều hộ trồng cà phê đã chặt bỏ để trồng các loại cây trồng khác khiến sản lượng ngày một giảm.

cach nao xuat khau ca phe ben vung
Nông dân tỉnh Gia Lai thu hoạch cà phê. Ảnh: Thanh Phong

Tập trung cho khâu chế biến

Theo dự báo của Tổ chức Cà phê quốc tế (ICO), giá cà phê thời gian tới sẽ tiếp tục tăng mạnh do sản lượng cà phê các nước đều giảm. Đặc biệt, cà phê Việt Nam hiện chiếm khoảng 15% thị phần toàn cầu, đứng thứ 2 trên thế giới về xuất khẩu cà phê nói chung và đứng đầu thế giới về xuất khẩu cà phê Robusta. Để duy trì mức tăng trưởng và giá trị xuất khẩu, ngành cà phê cần chuyển sang chế biến thay vì xuất khẩu thô như hiện nay và tận dụng lợi thế riêng để phát triển xây dựng thương hiệu cà phê Việt.

Ông Lương Văn Tự, Chủ tịch Vicofa cho biết: Giá trị của cà phê nhân chỉ chiếm 1/20 trong chuỗi giá trị ngành cà phê, phần còn lại nằm ở các khâu chế biến sâu và phân phối. Trong bối cảnh nhu cầu cà phê trên thế giới tăng, sản lượng sụt giảm, ngành cà phê cần cơ cấu lại để nâng cao tính cạnh tranh. Trong đó, cần tập trung vào khâu chế biến, rang, xay, hòa tan và các sản phẩm khác để xuất khẩu, từ đó nâng kim ngạch xuất khẩu đến năm 2030 lên 5-6 tỷ USD. Trước đây, các nước chỉ nhập khẩu cà phê nhân của Việt Nam làm nguyên liệu và bảo hộ khâu chế biến trong nước. Do đó, các sản phẩm cà phê rang xay, cà phê hòa tan của Việt Nam thường bị áp thuế 20% khi xuất khẩu vào các thị trường này. Tuy nhiên, gần đây, với việc tham gia các hiệp định tự do thương mại, mức thuế đã được giảm về 0%. Đây là cơ hội rất lớn cho các sản phẩm cà phê chế biến sâu của Việt Nam.

Thực tế, theo Cục Chế biến, Thương mại - nông - lâm - thủy sản và nghề muối (Bộ NN& PTNT), chế biến sâu cho cà phê chỉ mới đạt hơn 100.000 tấn/năm, trong đó chủ yếu là cà phê bột, cà phê hòa tan. Ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Vicofa, Chủ tịch Công ty cổ phần Intimex - một trong những công ty sản xuất và xuất khẩu cà phê lớn của Việt Nam cho rằng: Nhà nước cũng như các bộ, ngành cần có chính sách cũng như nguồn vốn hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước. Tất cả các hãng cà phê rang xay hàng đầu trên thế giới đều đã có mặt tại Việt Nam. Với nhiều lợi thế về vốn và thị trường tiêu thụ, có thời điểm, các doanh nghiệp FDI đã tự đẩy giá thu mua nguyên liệu, gây khó khăn rất lớn cho các doanh nghiệp trong nước.

Cũng phải ghi nhận, để duy trì tăng trưởng, không ít doanh nghiệp cà phê trong nước bắt đầu tập trung vào khâu chế biến và xây dựng phát triển thương hiệu; nghiên cứu thiết lập nhiều kênh tiêu thụ trong nước và thị trường thế giới.

Tuy nhiên, ngoài việc phát triển thị trường thế giới, các doanh nghiệp cũng nên tập trung khai thác thị trường trong nước. Đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp cà phê phát triển bền vững, tránh phụ thuộc quá nhiều vào các nhà nhập khẩu quốc tế.

Việt Phong