|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Cách ly người trở về từ Trung Quốc như thế nào?

13:54 | 05/02/2020
Chia sẻ
Theo văn bản do Thượng tướng Trần Đơn, Thứ trưởng Quốc phòng ký ban hành, lực lượng chức năng phân luồng tiếp nhận công dân Việt Nam từ Trung Quốc và các quốc gia có dịch về Việt Nam theo cả đường bộ, đường biển, đường hàng không.

Ở đường bộ, 5 cửa khẩu mở cửa đón người dân gồm Hữu Nghị (Lạng Sơn), Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh), Tà Lùng (Cao Bằng), Thanh Thủy (Hà Giang) và cửa khẩu quốc tế đường bộ số 1 (Lào Cai).

Các sân bay gồm Vân Đồn (Quảng Ninh), Cát Bi (Hải Phòng), Nội Bài (Hà Nội), sân bay Đà Nẵng, Cam Ranh (Khánh Hoà), Tân Sơn Nhất (TP HCM) và sân bay Cần Thơ.

Về đường biển, duy nhất cảng Vũng Áng (Hà Tĩnh) được đón tàu đưa công dân từ vùng dịch trở về cập bến.

Cách ly người trở về từ Trung Quốc như thế nào? - Ảnh 1.

Lao động Việt Nam từ Trung Quốc trở về, nhập cảnh tại cửa khẩu Hữu Nghị, Lạng Sơn. Ảnh: Giang Huy

Tại cửa khẩu đường bộ, sân bay, bến cảng, Bộ đội Biên phòng sẽ phối hợp với lực lượng y tế địa phương, hải quan thực hiện khai báo y tế và kiểm tra thân nhiệt đối với toàn bộ công dân Việt Nam từ Trung Quốc và các quốc gia công bố có dịch về nước.

Khi phát hiện trường hợp có sốt, cơ quan chức năng sẽ bàn giao cho ngành y tế địa phương để chuyển ngay công dân vào bệnh viện dân y gần nhất để cách ly, khám xác định bệnh và điều trị kịp thời. Những người không sốt thì đưa về khu cách ly (do quân đội cùng chính quyền địa phương bố trí trên địa bàn), theo dõi 14 ngày.

Việc vận chuyển công dân từ cửa khẩu về vị trí tập kết của quân đội được giao cho các quân khu, Bộ tư lệnh Thủ đô Hà Nội, Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng. Các quân khu huy động tối đa xe ca quân sự chi viện cho các tỉnh biên giới, đơn vị vận tải; huy động xe ca dân sự tham gia vận chuyển. Trường hợp quá khó khăn, các đơn vị có thể thuê xe ca và sử dụng xe vận tải thùng quân sự, nhưng phải đúng quy định về vận chuyển người.

Tất cả các phương tiện và lực lượng làm nhiệm vụ đều được đảm bảo vệ sinh phòng dịch, quá trình cơ động, xe được thông gió.

Cách ly người trở về từ Trung Quốc như thế nào? - Ảnh 2.

9 công dân Việt Nam hoàn thành thủ tục nhập cảnh tại cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn) được xe của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn đón về trung tâm cách ly nằm trong trụ sở của Trung đoàn 123 (TP Lạng Sơn). Ảnh: Giang Huy

Tại các địa điểm cách ly, lực lượng quân y của đơn vị và quân y tăng cường, y tế địa phương, nuôi quân, bảo vệ, công an địa phương và các lực lượng bảo đảm khác sẽ chia nhau phụ trách công việc. Các y, bác sĩ thường xuyên kiểm tra sức khoẻ công dân để kịp thời phát hiện dấu hiệu bệnh. Những người bị sốt sẽ được chuyển ngay vào bệnh viện dân y gần nhất.

Nếu công dân được tiếp nhận nhiều đợt thì mỗi đợt sẽ được bố trí theo dõi, cách ly tại vị trí riêng. Thuốc, hóa chất, vật tư, trang thiết bị y tế cần thiết và công tác chuyên môn cho phòng chống dịch ở các tuyến, đơn vị sẽ được Bộ Quốc phòng đảm bảo.

Bên cạnh theo dõi sức khỏe, những người bị cách ly trong doanh trại quân đội sẽ được Bộ Quốc phòng đảm bảo các điều kiện ăn ở, sinh hoạt tối thiểu. Tiêu chuẩn tiền ăn đối với mỗi công dân trước mắt áp dụng bằng mức cơ bản bộ binh là 57.000 đồng mỗi người trong một ngày.

Căn cứ vào số lượng người, tại từng địa điểm, quân đội sẽ tổ chức bếp ăn phù hợp. Quân nhu và quân y phối hợp tính toán xây dựng thực đơn với các loại thực phẩm có chất lượng, định lượng cân đối, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Hệ thống sổ sách theo dõi riêng được các đơn vị lập để thống kê và công khai kịp thời, chính xác.

Các đơn vị được giao nhiệm vụ phải đảm bảo giường, chiếu, chăn, màn, gối... cho công dân.

Để thực hiện tốt nhiệm vụ, Bộ Quốc phòng kiến nghị Chính phủ thành lập trung tâm điều hành chung về tiếp nhận, bàn giao công dân Việt Nam từ vùng có dịch về nước; chỉ đạo Bộ Tài chính đảm bảo ngân sách Nhà nước cho chiến dịch này.

Theo Thượng tướng Trần Đơn, dù khả năng tiếp nhận của quân đội lên đến khoảng 32.000 người, hiện mới chỉ 200 lao động về nước, được cách ly trong doanh trại ở Lạng Sơn và Quảng Ninh. "Người dân được bố trí nơi ăn, chốn ở trong doanh trại và sinh hoạt theo tiêu chuẩn của quân đội. Như vậy là tương đối tốt, tuy không thể thuận tiện như ở nhà hay ở khách sạn nhưng bảo đảm điều kiện đặc biệt an toàn về dịch tễ", ông nói.

Hoàng Thùy

Ngành thép và mối lo ngại với 'biến số' Tổng thống Trump
Nhiều đơn vị phân tích đều đánh giá ngành thép sẽ chịu tác động tiêu cực sau khi ông Donald Trump lên làm Tổng thống. Cổ phiếu thép liên tục đỏ lửa sau ngày công bố kết quả bầu cử cho thấy những góc nhìn kém lạc quan của nhà đầu tư về ngành này.