'Cạch' Ban kiểm soát ra khỏi bộ máy, doanh nghiệp Việt tiến hành đến đâu?
"Cạch" tên Ban kiểm soát ra khỏi bộ máy, các doanh nghiệp Việt tiến hành đến đâu? |
Vinamilk, một trong nhà tiên phong loại bỏ Ban Kiểm soát ra khỏi bộ máy
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2017, CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk - Mã: VNM) đã có quyết định chính thức về việc thay đổi cơ cấu quản trị từ mô hình Ban kiểm soát sang mô hình Tiểu ban Kiểm toán (tên gọi khác là Ban kiểm toán nội bộ trực thuộc Hội đồng quản trị).
Nhiệm kỳ 2017 – 2021, Hội đồng Quản trị (HĐQT) của Vinamilk có 9 thành viên với sự xuất hiện của các gương mặt mới. Trong đó có sự xuất hiện của ông Nguyễn Bá Dương – Chủ tịch HĐQT của CTCP Xây dựng Coteccons (Mã: CTD) và ông Đỗ Lê Hùng - Giám đốc kiểm toán và kiểm toán nội bộ của Big C.
Là cái tên mới trong ngành sữa, nhưng ông Nguyễn Bá Dương chính là gương mặt quen thuộc nằm trong top 100 người giàu nhất trên thị trường chứng khoán, từng là Tổng giám đốc Tổng giám đốc CTCP Xây dựng Coteccons.
Hiện ông vừa nắm cương vị Chủ tịch HĐQTT Coteccons và thành viên Hội đồng quản trị Vinamilk. Xây dựng bê tông cốt thép và kinh doanh sữa, vốn không có liên quan gì đến nhau. Một số cổ đông Vinamilk không tránh khỏi thắc mắc về việc tại sao đề xuất ông Nguyễn Bá Dương làm thành viên HĐQT, "vì trên mạng xã hội cũng có một số thông tin không tốt".
Ông Nguyễn Bá Dương. |
Tuy nhiên, nổi tiếng với tuyên bố “Cái quan trọng là đọc vị được trận đấu. Tôi ít khi đấu thầu trượt và chỉ cần trao đổi sơ qua tôi có thể tính toán được lời lỗ và quyết định có làm hay không”, uy tín của ông Dương trên thương trường được khẳng định khi trở thành một trong 10 nhà lãnh đạo phát triển đội ngũ xuất sắc. Được sự tin tưởng của bà Mai Kiều Liên và cùng các cổ đông khác, ông Dương chính thức trở thành Thành viên Hội đồng Quản trị Vinamilk với tỷ lệ bầu cử 96,65%.
Mía đường Thành Thành công Tây Ninh
Đại hội đồng cổ đông thường niên 2016-2017, CTCP Mía Đường Thành Thành Công Tây Ninh (Mã: SBT) thông qua việc loại bỏ Ban kiểm soát ra khỏi cơ cấu tổ chức của công ty.
Hiện nay, HĐQT của Mía đường Thành Thành công gồm có ông Phạm Hồng Dương - Chủ tịch HĐQT; bà Nguyễn Thị Hoa - Phó Chủ tịch Thường trực HĐQT; ông Lê Văn Dĩnh - Phó Chủ tịch HĐQT; cùng các thành viên HĐQT là ông Henry Chung và bà Đặng Huỳnh Ức My.
Chủ tịch Phạm Hồng Dương xuất thân từ ngành kỹ sư hoá, Thạc Sỹ Quản trị sản xuất. Ông Dương đã trải qua gần 20 năm gắn bó và cống hiến cho công ty. Ông cùng các thành viên HĐQT đã mang lại cho Mía đường Thành Thành Công nhiều bước chuyển mình, đưa công ty trở thành một trong các thương hiệu hàng đầu trong ngành mía đường Việt Nam.
Novaland chuyển mình tham gia mô hình mới
Từ ngày 27/4/2017, CTCP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland - Mã: NVL) đã chuyển đổi mô hình quản trị doanh nghiệp sang Tiểu ban Kiểm toán nội bộ trực thuộc HĐQT thay thế cho Ban Kiểm Soát trực thuộc Đại hội Đồng Cổ Đông. Bên cạnh đó, Novaland thành lập các tiểu ban khác trực thuộc HĐQT gồm Tiểu ban Chính sách Phát triển, Tiểu ban Lương thưởng, Tiểu ban Nhân sự.
Ngày 26/11/2017, Novaland thông qua việc thành lập Tiểu ban Kiểm toán Nội bộ trực thuộc HĐQT với ba thành viên: là Trưởng Ban là bà Nguyễn Thanh Bích Thuỳ, cùng hai thành viên bà Nguyễn Thị Minh Thanh và Võ Thị Thanh Thắm.
Một cái tên khác là Licogi 16
Cũng đã lựa chọn mô hình hoạt động của Tiểu ban Kiểm toán nội bộ trực thuộc HĐQT CTCP Licogi 16 (Mã: LCG). Tiểu ban hoạt động theo nhiệm vụ được giao, giúp việc hiệu quả cho HĐQT trong công tác giám sát, tổ chức và quản trị công ty thẩm quyền của Hội đồng Quản trị. Thông tin được đưa ra từ Báo cáo tình hình quản trị 6 tháng của Licogi 16
Vì đâu doanh nghiệp đi theo mô hình mới, xoá bỏ Ban kiểm soát
Với mô hình Ban Kiểm soát tồn tại độc lập, đóng vai trò là "cơ quan tư pháp", có nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát hoạt động của HĐQT và Ban Giám đốc công ty.
Tuy nhiên, Ban kiểm soát chỉ đóng vai trò quan trọng về mặt lý thuyết. Thành viên của Ban kiểm soát là nhân viên bình thường trong công ty, không có chức vụ quản lý, không được phép nắm giữ nhiều cổ phần, vậy tiếng nói của họ còn có sức nặng hay không? Câu trả lời thực tế, đây chỉ là bộ phận bàn giấy “thấp cổ bé họng” và gần như lép vế trước các quyết định quan trọng của công ty.
Thực trạng rằng, nhiều vụ việc liên quan đến hành động vụ lợi của Ban giám đốc đã gây ra ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích của cổ đông công ty, nhưng không hề có bất kỳ tiếng nói cảnh báo từ Ban kiểm soát cho đến khi vụ việc bị phát giác muộn màng.
Điển hình nhất là vụ việc tham ô, lạm dụng chức quyền chiếm đoạt tài sản của một loạt cán bộ cấp cao Ocean Bank, gây thiệt hại cho ngân hàng 1.500 tỷ đồng. Ban kiểm soát đã không hề có bất kỳ phản ứng nào về sai phạm liên quan đến việc chi lãi ngoài của Ocean Bank, cho tới khi cơ quan chức trách nhúng tay và phát hiện. Thậm chí, khi sự kiện bị phát giác, Trưởng Ban kiểm soát có những tuyên bố một cách vô can: “Không thể phát hiện ra sai phạm từ Báo cáo tài chính” hay “Tôi không được tham gia cuộc họp của HĐQT”.
Trong mô hình mới, xoá bỏ Ban kiểm soát, điều khác biệt nằm ở người thực hiện vai trò kiểm soát. Tiểu ban kiểm toán trực thuộc HĐQT được thay thế. Thành viên của Tiểu ban này là thành viên độc lập của HĐQT, người có uy tín và chuyên môn, đặc biệt về kiểm soát và kiểm toán.
Với hai vai trò trên, họ vừa có sự độc lập nhất định đối với công ty, lại là người có tiếng nói và “sức nặng” nhất định.