|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Các 'shark' chế giễu hai chàng sản xuất hộp bảo vệ điện thoại, nhưng hàng trăm người khác xin góp vốn

10:19 | 23/01/2019
Chia sẻ
Vấp phải sự khước từ của mọi "cá mập" Shark Tank, hai chàng trai sản xuất hộp bảo vệ điện thoại bất ngờ khi hàng trăm người nhắn tin để xin góp vốn.

David Artuso và Mike Kane – hai chàng trai ở Pittsburgh, Pennsylvania, Mỹ - đã quá quen với cảm giác tiếc nuối khi vô tình làm rơi điện thoại khiến màn hình vỡ. Họ nghĩ người sử dụng điện thoại nên có hộp hoặc màn hình đủ cứng để ngăn chặn nguy cơ vỡ màn hình mỗi khi làm rơi điện thoại. Sau khi kiểm tra những công cụ bảo vệ màn hình điện thoại trên thị trường, họ thấy chúng không đạt chuẩn, ABC đưa tin.

Thực tế ấy thôi thúc họ khởi nghiệp để sản xuất hộp bảo vệ điện thoại. Họ thiết kế một loại hộp cứng từ cao su chịu nhiệt polyurethane dành cho điện thoại thông minh. Cao su chịu nhiệt polyurethane là loại vật liệu cứng, siêu bền nhưng rất nhẹ. Với vật liệu ấy, hai chàng trai có thể tạo ra loại hộp bảo vệ siêu nhẹ mang tên Cellhelmet dành cho điện thoại.

Để xâm nhập thị trường nhanh chóng và hiệu quả, hai chàng trai hợp tác với một công ty bảo hiểm lớn để cung cấp gói bảo hiểm điện thoại cho khách hàng. Nếu một điện thoại vỡ khi nằm trong hộp Cellhelmet, khách hàng sẽ có quyền sửa điện thoại, hoặc thay thế bằng sản phẩm mới (nếu việc sửa không thể khôi phục đầy đủ chức năng của thiết bị).

Gọi vốn cộng đồng thành công rồi xuất hiện trên Shark Tank

Vào tháng 1/2012, David Artuso và Mike Kane gọi vốn trên trang Kickstarter để phục vụ quá trình sản xuất, và ý tưởng của họ thu hút sự chú ý của cộng đồng. Mục tiêu của họ chỉ là 10.000 USD, nhưng 40 ngày sau, tổng số vốn mà họ thu về đạt 19.000 USD từ hơn 300 người.

Hai chàng trai thành lập công ty CellHelmet ngay sau khi chiến dịch huy động vốn trên Kickstarter kết thúc. Nhưng để có thể mở rộng hoạt động nhanh hơn, họ quyết định tham gia chương trình Shark Tank để gọi thêm vốn. Sự kiên trì trong quá trình tiếp cận, thuyết phục các nhà sản xuất chương trình Shark Tank của họ đạt kết quả. Ngày 25/7/2013, khán giả thấy hai anh chàng xuất hiện trước các “cá mập” trong chương trình Shark Tank. Họ muốn bán 20% cổ phần công ty để lấy 160.000 USD. Mike khẳng định công ty của anh cung cấp dịch vụ bảo hiểm độc nhất vô nhị cho điện thoại.

cac shark che gieu hai chang san xuat hop bao ve dien thoai nhung hang tram nguoi khac xin gop von
David Artuso và Mike Kane đội mũ có sừng của người Viking khi họ lên sóng chương trình Shark Tank vào năm 2013. Ảnh: ABC

Hai chàng trai thực hiện thử nghiệm chịu ngoại lực mạnh của hai hộp bảo vệ điện thoại từ các công ty khác để chứng minh chúng không hề cứng như nội dung quảng cáo. Ngoài ra, họ cũng cho các nhà đầu tư thấy hộp của họ nhẹ và bền hơn rất nhiều so với sản phẩm của đối thủ.

Mike giải thích rằng CellHelmet mua trước thiệt hại của điện thoại. Khách hàng chỉ cần mua hộp CellHelmet với giá 44,99 USD để nhận gói bảo hiểm một năm cho mọi dạng hư hại vô ý. Công ty có đường dây nóng để nhận cuộc gọi từ khách hàng và bảo đảm rằng khách hàng có thể sửa hoặc thay điện thoại mới nếu tổn thất xảy ra. Chi phí sửa điện thoại trung bình trên thị trường là 77 USD, song chi phí sửa của CellHelmet chỉ là 50 USD.

David tiết lộ công ty mới hoạt động 4 tháng vào thời điểm chương trình diễn ra, song họ đã bán 1.300 hộp. Chỉ 3% khách hàng yêu cầu công ty sửa điện thoại hỏng.

Các nhà đầu tư e ngại

Trước số liệu ấy, đột nhiên tỷ phú Kevin O’Leary nổi giận. Ông nói ngành điện thoại di động có trị giá hàng tỷ USD mỗi năm nên việc CellHelmet chỉ bán được vài trăm sản phẩm mỗi tháng cho thấy năng lực bán hàng của công ty không tương xứng với tiềm năng thị trường.

Tỷ phú Mark Cuban lo ngại một số người làm vỡ, hỏng điện thoại rồi mua một hộp CellHelmet, sau đó tuyên bố điện thoại của họ hỏng khi nằm trong hộp để hưởng mức phí sửa chữa rẻ từ công ty. David thừa nhận khả năng đó luôn có thể xảy ra, nhưng với mức phí 50 USD cho việc sửa máy, công ty vẫn không lỗ.

Bất chấp câu trả lời của David, một số “shark” vẫn lo ngại nguy cơ lỗ từ hành vi trục lợi bảo hiểm điện thoại của khách hàng. "Cá mập" Kevin O’Leary nhấn mạnh rằng hai chàng trai đang theo đuổi một ý tưởng tồi tệ.

"Ngay bây giờ tôi chỉ muốn đẩy hai anh lên một chiếc thuyền, đốt nó rồi đẩy ra khỏi trường quay (theo nghi thức tang lễ của người Viking)", O'Leary phát biểu. Sau đó vị tỷ phú tuyên bố ông không đầu tư.

Dù thích ý tưởng của hai chàng trai, tỷ phú Mark Cuban nhận định mô hình kinh doanh của họ không có triển vọng.

"Vì các anh không có bằng sáng chế, nên nếu một công ty lớn sản xuất hộp bảo vệ điện thoại tương tự, chẳng ai bảo vệ các anh và mô hình sẽ thất bại", ông lập luận.

O'Leary chốt quá trình đàm phán bằng câu: "Đã đến lúc các anh lên thuyền và lên đường". Sau đó tất cả các nhà đầu tư đều cười.

Kết cục đẹp sau chương trình Shark Tank

Buồn vì thất bại nặng nề trong chương trình Shark Tank, nhưng sau khi chương trình phát sóng, Mike và David bất ngờ khi thấy rất nhiều người nhắn tin với lời đề nghị góp vốn vào mô hình kinh doanh của họ. Trong vòng 24 giờ từ khi chương trình lên sóng, họ bán hơn 2.000 hộp bảo vệ điện thoại. Một tháng sau, họ bán hơn 10.000 chiếc. Công ty nhận vốn từ hai nhà đầu tư ở thành phố Pittsburgh vì họ có kinh nghiệm trong mảng điện thoại di động và có 15 cửa hàng điện thoại.

cac shark che gieu hai chang san xuat hop bao ve dien thoai nhung hang tram nguoi khac xin gop von
Hộp bảo vệ điện thoại CellHelmet có khả năng chịu lực cao nhưng rất nhẹ. Ảnh: CellHelmet

Đến năm 2018, sản phẩm của CellHelmet xuất hiện trong hơn 3.000 cửa hàng, siêu thị trên khắp nước Mỹ. Họ cũng mở rộng danh mục sản phẩm bằng cách sản xuất thêm nhiều sản phẩm khác như gậy chụp ảnh tự sướng, màn hình siêu chịu lực, chân đế nam châm dành cho điện thoại, sạc, dây sạc.

Tốc độ tăng trưởng chóng mặt của CellHelmet, cùng với sự hiện diện của sản phẩm trên cả nước Mỹ, cho thấy các tỷ phú tham gia Shark Tank đã không nhìn ra tiềm năng của công ty. Với Mike và David, hành trình khởi nghiệp là cuộc phiêu lưu khó khăn, nhưng ít nhất họ đã có vị thế vững chắc trên thị trường.

Xem thêm

Nhạc Dương