|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Các sếp ngân hàng: Cho vay dài hạn hiện nay gần như không có lãi

15:57 | 15/11/2023
Chia sẻ
Với chi phí huy động cao, việc cho vay trung dài hạn nói chung và cho vay lĩnh vực bất động sản nói riêng được lãnh đạo các ngân hàng đánh giá là gần như không có lợi nhuận.

Chia sẻ bên lề Hội nghị tín dụng đối với bất động sản và phát triển nhà ở xã hội do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tổ chức mới đây, lãnh đạo nhiều ngân hàng cho biết việc cho vay trung dài hạn của các ngân hàng hiện nay là gần như không có lợi nhuận.

Ông Phạm Như Ánh, Tổng Giám đốc MB, cho biết hiện nay mặt bằng cho vay các khoản vay mới đã giảm khá sâu. Tuy nhiên, đối với các khoản vay cũ, thông thường 3 tháng - 6 tháng sẽ điều chỉnh một lần nên sẽ có độ trễ.

 Ông Phạm Như Ánh, Tổng Giám đốc MB. (Ảnh: MB).

"Hiện nay mức lãi suất cho vay cá nhân từ 7 - 8%/năm, doanh nghiệp từ 8 -9 %/năm là phù hợp bởi vì lãi suất huy động vốn của các ngân hàng lớn khoảng 5%, các ngân hàng bé hơn khoảng 5,5 - 6%", ông Ánh nói.

Theo ông Ánh, để cho vay trung dài hạn, ngân hàng cần có nguồn vốn huy động dài hạn với lãi suất thường cao hơn từ 1,5 - 2% so với các kỳ hạn ngắn. Ngoài ra, ngân hàng cũng có thể tìm kiếm các nguồn khác như vay vốn từ các tổ chức tín dụng nước ngoài hoặc phát hành trái phiếu, tuy nhiên các chi phí này hiện nay còn đang cao.

Do đó, giá vốn để cho vay trung dài hạn thông thường cao hơn lãi suất cho vay bình quân khoảng 1,5%. Với giá vốn khoảng 6,5 - 7%/năm thì ngân hàng cho vay các doanh nghiệp ở mức 9 - 10% thì mới có biên sinh lời khoảng 2,5 - 3%.

"Với các chi phí hoạt động tài chính và đảm bảo thanh khoản thì mức này là mức chấp nhận được và ngân hàng hầu như không có lãi ở mức cho vay này", Tổng Giám đốc MB cho biết.

Bên cạnh đó, vị lãnh đạo này cho rằng việc quy định hệ số rủi ro cho vay BĐS ở mức 200% cũng ảnh hưởng đến việc cấp tín dụng cho BĐS. Hiện nay theo quy định, ngân hàng phải đảm bảo hệ số CAR trên 8% và các ngân hàng có hệ số này trên 11% thì mới được xếp hạng tốt. Do đó, nếu cho vay BĐS nhiều thì hệ số trên vốn chủ sở hữu sẽ cao.

"Có thể hiệu một cách nôm na rằng 1 đồng cho vay BĐS sẽ tốn 2 đồng vốn chủ sở hữu. Do đó mức cho vay BĐS phải sinh lời gấp đôi so với cho vay sản xuất thì mới bù được hệ số sinh lời trên vốn chủ, ông Ánh giải thích.

Do đó, đại diện MB kiến nghị NHNN nên chia hệ số rủi ro thành các hạng mục khác nhau. Ví dụ BĐS khu công nghiệp thì nên giảm hệ số rủi ro xuống, cho vay mua BĐS có thể duy trì ở mức vừa phải còn BĐS nghỉ dưỡng trong giai đoạn khó khăn thì có thể để tỷ lệ cao hơn.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Hưng, Tổng Giám đốc của TPBank, cũng cho rằng chi phí huy động vốn trung dài hạn của các ngân hàng hiện nay là rất cao, khoảng 7%/năm nên rất khó để có biên sinh lời tốt.Chưa kể cho vay BĐS có hệ số rủi ro cao (200%) nên ngân hàng phải duy trì lượng vốn khá lớn để cho vay làm cho giá thành tăng lên.

"Mức chênh lệch huy động giữa ngắn hạn và trung dài hạn khoảng 2,5- 3% chưa kể đi vay nước ngoài còn cao hơn tiền VND, có khi lên trên 7% (lãi suất vay USD)", ông Hưng nói.

Ông Nguyễn Hưng, Tổng Giám đốc của TPBank. (Ảnh: TPBank).

Ông cho biết với các khoản huy động kỳ hạn dài thì lãi suất phải thả nổi, nếu không ngân hàng sẽ đối mặt với rủi ro lãi suất, có thể huy động cao mà cho vay thấp như những gì diễn ra vào cuối năm ngoái và đầu năm nay.

"Vào cuối năm 2022, mức lãi suất huy động từ 10 - 11%/năm và đến hiện tại ngân hàng vẫn phải trả mức đó cho người gửi tiền trong khi mặt bằng lãi suất cho vay đã dưới 10%/năm, như vậy ngân hàng có thể lỗ lớn từ những khoản huy động từ năm trước", ông lấy ví dụ.

Tổng Giám đốc TPBank cho biết việc cho vay với các nhà phát triển BĐS có lợi nhuận biên không nhiều nên kém hấp dẫn còn cho vay nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân thì nhu cầu đều thấp, cả về phía nhà phát triển lẫn người mua.

"Về phía người vay, điều kiện đáp ứng để vay theo diện đó không đơn giản. Một điểm nữa là sau COVID thì thu nhập giảm, công nhân đi vay tín chấp nhiều, lịch sử tín dụng bị xấu, là rào cản không tiếp cận được tín dụng", ông Hưng chia sẻ.

Ông cho hay hiện nay hiện nay tỷ trọng dư nợ kinh doanh BĐS ở TPBank khá thấp chiếm khoảng 6 - 8% tổng dư nợ, dư nợ cho khách hàng vay mua nhà thì cao hơn khoảng hơn 10%. Ngân hàng cũng đang triển khai nhiều gói hỗ trợ như cho vay ưu đãi lãi suất từ 7%, các chương trình cho vay mua nhà lãi suất từ 8 - 9%/năm. Đồng thời, TPBank cũng cam kết với NHNN là dự kiến sẽ giảm 1.400 tỷ đồng lãi suất cho các khách hàng hiện hữu trong năm nay.

H.T