Các quỹ đầu tư chuyển hướng, ưu tiên rót vốn cho startup châu Á ở giai đoạn đầu
Nguồn vốn dành cho các công ty khởi nghiệp ở châu Á đang có xu hướng chuyển sang các giao dịch giai đoạn đầu khi giá cổ phiếu các công ty công nghệ lên sàn giảm mạnh, khiến các nhà đầu tư muốn tránh xa những công ty chuẩn bị IPO, theo Asia Nikkei.
Các nhà đầu tư đã rót 36,3 tỷ USD vào các công ty khởi nghiệp châu Á trong ba tháng đầu năm 2022, giảm 34% so với mức kỷ lục 54,7 tỷ USD trong quý IV/2021, theo nhà cung cấp dữ liệu CB Insights. Con số này không có nhiều thay đổi so với mức 36,7 tỷ USD trong quý đầu tiên của năm 2021.
Theo CB Insights, số lượng giao dịch trong quý đầu tiên là 2.875 giao dịch, nhiều hơn khoảng 10% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, tổng vốn đầu tư đã giảm do quy mô nhỏ hơn của các vòng gọi vốn "giai đoạn cuối" cho các công ty được coi là sắp phát hành cổ phiếu, một xu hướng mà các nhà đầu tư cho biết là do giá cổ phiếu của các đối tác đã giảm khi niêm yết.
Chua Kee Lock, Giám đốc điều hành của quỹ đầu tư mạo hiểm Vertex Holdings có trụ sở tại Singapore cho biết: “Áp lực giá cổ phiếu giảm đối với các công ty niêm yết sẽ chuyển thành mức định giá thấp hơn cho các giao dịch giai đoạn sau. Những ai đang bỏ tiền vào các giao dịch giai đoạn sau sẽ nhận thức được mức định giá IPO tiềm năng là như thế nào? Giả sử mức định giá cho vòng gọi vốn cuối cùng trước đây gấp 10 – 16 lần doanh thu, nhưng bây giờ có lẽ chỉ gấp 8 – 9 lần”.
Năm ngoái, sự bùng nổ của cổ phiếu công nghệ đã dẫn đến việc một loạt startup của châu Á quyết định lên sàn, chẳng hạn như Coupang của Hàn Quốc, Bukalapak của Indonesia và Paytm của Ấn Độ. Ngoài ra, Grab Holdings có trụ sở tại Singapore cũng đã niêm yết cổ phiếu thông qua một công ty mua lại có mục đích đặc biệt (SPAC). Giá cổ phiếu của các công ty này đều đã giảm hơn 50% kể từ khi đạt đỉnh.
Theo CB Insights, định giá trung bình cho các công ty giai đoạn cuối đã giảm từ 681 triệu USD xuống còn 600 triệu USD. Những sóng gió trên thị trường đại chúng sẽ đặt ra thách thức cho các công ty giai đoạn cuối ở châu Á đang chuẩn bị IPO.
Dịch vụ giao hàng thực phẩm và hàng tạp hóa đứng đầu danh sách các giao dịch lớn nhất trong quý đầu tiên, với Getir từ Thổ Nhĩ Kỳ huy động được 768 triệu USD và Swiggy của Ấn Độ huy động được 700 triệu USD. Riêng Swiggy đã bắt đầu chuẩn bị để huy động ít nhất 800 triệu USD trong một đợt chào bán công khai lần đầu vào đầu năm tới.
Vào tháng 3, công ty giáo dục trực tuyến Byju's của Ấn Độ cho biết họ đã huy động được 800 triệu USD, nhưng một nửa trong số đó đến từ người sáng lập và giám đốc điều hành của công ty.
Tiền vẫn đều đặn chảy vào các startup châu Á
Khi các nhà quản lý quỹ đã đưa ra các cam kết lớn cho các quỹ mới và cần triển khai chúng, tiền vẫn đang chảy vào các công ty khởi nghiệp. Tại châu Á, vốn đầu tư mạo hiểm cho các công ty khởi nghiệp giai đoạn đầu, vốn ít nhạy cảm với biến động thị trường, chiếm 67% tổng số thương vụ trong quý đầu tiên, tăng từ tỷ lệ 64% trong quý I/2021, theo CB Insights. Định giá trung bình của các công ty này đã tăng từ 22 triệu USD trong quý IV/2021 lên 30 triệu USD trong quý đầu năm 2022.
Kaede Kotsuki, một đối tác của quỹ đầu tư Lun Partners Group có trụ sở tại Thượng Hải cho biết: “Đối với các công ty giai đoạn đầu, chúng tôi không nghĩ rằng một sự điều chỉnh lớn đã được thực hiện. Một số công ty đầu tư mạo hiểm lớn ở Mỹ và Trung Quốc đã huy động được một lượng vốn khổng lồ, và phần lớn số vốn đó vẫn chưa được triển khai. Đặc biệt là đối với các công ty ở giai đoạn đầu, họ có thể huy động vốn khá dễ dàng”.
Trên toàn cầu, các công ty khởi nghiệp liên quan đến tiền điện tử đứng đầu các giao dịch gọi vốn lớn ở giai đoạn đầu. Yuga Labs, công ty có trụ sở tại Mỹ đứng sau các thương hiệu token không thể thay thế phổ biến, đã huy động được 450 triệu USD vào tháng 3.
Sự “điên cuồng” này đã lan sang châu Á. Công ty khởi nghiệp về trò chơi tiền điện tử có trụ sở tại Singapore, Ethlas Labs, gần đây đã thông báo bổ nhiệm Wui Ngiap Foo, cựu giám đốc công nghệ của Grab, làm Giám đốc điều hành cùng với 6 triệu USD vốn đầu tư.
Ở Trung Quốc, các công ty khởi nghiệp liên quan đến phần cứng, chẳng hạn như những công ty liên quan đến lĩnh vực bán dẫn và năng lượng, đã huy động được một lượng lớn quỹ ở giai đoạn đầu.
Clounix, một nhà phát triển chip được sử dụng trong thiết bị mạng, cho biết họ đã huy động được 400 triệu nhân dân tệ (63 triệu USD) trong tháng 2 sau khi huy động được số tiền tương tự vào tháng 10. Energy Singularity, công ty đang phát triển công nghệ nhiệt hạch để tạo ra điện, cũng đã huy động được gần 400 triệu nhân dân tệ trong cùng tháng.
Ông Chua Kee Lock cảnh báo rằng áp lực định giá giai đoạn cuối cuối cùng sẽ "thanh lọc" các startup non trẻ. Sequoia Capital China là nhà đầu tư tích cực nhất ở châu Á trong quý đầu tiên với 57 thương vụ, theo CB Insights.